14/09/2022 06:48 GMT+7

Tin sáng 14-9: Giá heo tiếp tục giảm; TP.HCM khảo sát hiệu quả sơn chống vẽ bậy

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Giá heo hơi nhiều nơi giảm xuống dưới 60.000 đồng/kg; Đề nghị kiểm tra quốc tịch các cổ đông của IPP Air Cargo; TP.HCM khảo sát hiệu quả sơn chống vẽ bậy... là những tin tức trong nước đáng chú ý sáng nay.

Tin sáng 14-9: Giá heo tiếp tục giảm; TP.HCM khảo sát hiệu quả sơn chống vẽ bậy - Ảnh 1.

Giá thành chăn nuôi tăng nhưng giá heo hơi giảm dần khiến nhiều người nuôi ngại tăng đàn - Ảnh: N.TRÍ

Giá heo hơi giảm thêm, nhiều nơi dưới 60.000 đồng/kg

Ngày 13-9, giá heo hơi giảm thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg so với vài ngày trước đó, kéo giá heo ở nhiều tỉnh thành xuống mốc dưới 60.000 đồng/kg.

Ở Nam Bộ, mặt bằng giá phổ biến từ 62.000 - 64.000 đồng/kg. Một số địa phương giảm đến 2.000 đồng/kg như Bà Rịa - Vũng Tàu và Hậu Giang. Hậu Giang hiện là địa phương có giá heo thấp nhất khu vực với bình quân 59.000 đồng/kg. 

Tại khu vực miền Trung, giá phổ biến trong khoảng 58.000 - 65.000 đồng/kg, thấp nhất là ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk. 

Tại miền Bắc, giá heo hơi giảm phổ biến trên dưới 1.000 đồng/kg ở nhiều tỉnh thành. Tuy nhiên, mức giá bình quân của khu vực này vẫn cao hơn so với cả nước, dao động khoảng 64.000 - 68.000 đồng/kg.

Như vậy, sau khi tăng nóng vào nhiều thời điểm trong tháng 7 và tháng 8-2022 với mức đỉnh 74.000 đồng/kg, giá heo hơi nhiều tuần qua có xu hướng giảm dần và đang ở mức thấp khiến một số người nuôi gần như không có lãi. 

Theo nhiều doanh nghiệp, giá heo giảm do nhu cầu tiêu thụ chậm, trong khi nguồn cung tại các doanh nghiệp lớn tương đối ổn định. Ngoài ra, giá heo các nước lân cận cũng có xu hướng giảm nhiều góp phần chi phối giá heo trong nước.

Bộ Giao thông vận tải giảm 4 đầu mối

Tin sáng 14-9: Giá heo tiếp tục giảm; TP.HCM khảo sát hiệu quả sơn chống vẽ bậy - Ảnh 2.

Ảnh: CHINHPHU.VN

Từ ngày 1-10, cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải tại nghị định số 56/2022/NĐ-CP giảm 4 đầu mối trực thuộc bộ so với quy định tại nghị định số 12/2017/NĐ-CP (từ 27 đầu mối xuống còn 23 đầu mối).

Trong đó, hợp nhất Vụ Khoa học - Công nghệ với Vụ Môi trường thành Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường; tổ chức lại 3 vụ: Kết cấu hạ tầng giao thông, Vận tải, An toàn giao thông thành 2 vụ, theo đó giải thể Vụ An toàn giao thông; sáp nhập Vụ Đối tác công - tư vào Vụ Kế hoạch - Đầu tư.

Tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam. Chuyển Vụ Quản lý doanh nghiệp và Cục Y tế giao thông vận tải vào điều khoản chuyển tiếp. Ngoài ra, bỏ Phòng Thống kê - Tổng hợp thuộc Vụ Kế hoạch - Đầu tư (không còn phòng trong vụ thuộc bộ)...

Cấp phép vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo: Đề nghị kiểm tra quốc tịch các cổ đông

Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa giao Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành để hoàn thiện hồ sơ về cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty CP IPP Air Cargo (IPP Air Cargo).

Theo góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thành lập một hãng hàng không chuyên vận tải hàng hóa sẽ tăng năng lực vận tải hàng hóa bằng đường không, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Nhưng liên quan tới tư cách pháp lý của nhà đầu tư, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, các cổ đông lập Công ty CP IPP Air Cargo là cá nhân mang quốc tịch Việt Nam, nên đây là doanh nghiệp 100% vốn trong nước, do đó dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật đầu tư. 

Vì vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát, kiểm tra tình trạng quốc tịch của các cổ đông. Trường hợp có cá nhân mang hai quốc tịch thì điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư theo khoản 2, điều 16, nghị định 31 năm 2021 của Chính phủ.

Bộ Công an thì cho rằng Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp với các bộ để kiểm tra, đánh giá tính chính xác các báo cáo, tài liệu trong hồ sơ đề nghị của Công ty CP IPP Air Cargo. Bộ cũng đề nghị công ty trong quá trình hoạt động cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để thực hiện tốt các mặt về an ninh, an toàn hàng không và công tác phòng chống khủng bố.

TP.HCM khảo sát hiệu quả sơn chống vẽ bậy

Tin sáng 14-9: Giá heo tiếp tục giảm; TP.HCM khảo sát hiệu quả sơn chống vẽ bậy - Ảnh 3.

Một nhà chờ xe buýt tại quận 1, TP.HCM bị vẽ bậy nham nhở - Ảnh: LÊ PHAN

Dự kiến hôm nay 14-9, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ đi hiện trường xem xét việc thí điểm dùng các loại sơn mới vào một số hạng mục công trình giao thông, nhà chờ xe buýt… để chống vẽ bậy. Đây là loại sơn TP đang thí điểm để ngăn chặn nạn vẽ bậy xảy ra ở nhiều nơi.

Trước đó, sau loạt bài của Tuổi Trẻ phản ánh về vấn nạn vẽ bậy tại TP, Sở Giao thông vận tải cho biết đang nghiên cứu giải pháp sử dụng sơn chống dính, trong đó nổi bật với một loại sơn giúp dễ dàng xóa các vết vẽ bậy bằng nước. Tuy nhiên chi phí của loại sơn này rất đắt, khoảng 300.000 đồng/m2.

Sở này cũng cho biết rất cần sự tăng cường lực lượng của các đơn vị trong tuần tra vận động người dân không viết, vẽ bậy lên công trình cầu, nhằm đảm bảo an toàn công trình cầu và mỹ quan đô thị. Riêng với cầu Thủ Thiêm 2 - biểu tượng mới của TP, sở đã có văn bản về đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị gửi các đơn vị UBND TP Thủ Đức, UBND quận 1, Công an quận 1, Công an TP Thủ Đức nhờ hỗ trợ.

Sở Giao thông vận tải khẳng định hiện nay không có quy định nào cho phép được vẽ lên các công trình cầu đường. Nếu có chỉ là vẽ các tranh cổ động, tuyên truyền nhưng chỉ là đề xuất chứ chưa thực hiện.

Chuẩn bị tiếp nhận hơn 6,1 triệu liều vắc xin viện trợ

Tin sáng 14-9: Giá heo tiếp tục giảm; TP.HCM khảo sát hiệu quả sơn chống vẽ bậy - Ảnh 4.

Tiêm vắc xin cho học sinh ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đang khẩn trương phối hợp với nhà tài trợ và các đơn vị liên quan để hoàn thiện thủ tục tiếp nhận 1,2 triệu liều vắc xin Pfizer cho người từ 12 tuổi trở lên do COVAX Facility viện trợ; 4,2 triệu liều vắc xin Pfizer cho người từ 12 tuổi trở lên do Chính phủ Úc viện trợ thông qua UNICEF. 

Ngoài ra còn có 730.000 liều vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từ ASEAN và COVAX Facility.

Trên cơ sở các liều vắc xin tiếp nhận được, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ cho các đơn vị, địa phương để đảm bảo việc triển khai tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiếp tục phối hợp với các nhà tài trợ, đơn vị để tiếp nhận thêm vắc xin cho các nhóm tuổi.

Đến nay Bộ Y tế đã tiếp nhận và phân bổ khoảng 253 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 các loại cho các địa phương để triển khai tiêm chủng cho các nhóm đối tượng, gồm 234,6 triệu liều vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên và 18,4 triệu liều vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. 

Trong tháng 8-2022 đã cấp 1,93 triệu liều vắc xin Pfizer cho người từ 12 tuổi và 1,76 triệu liều vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi để tiêm chủng trong tháng 9-2022.

Tin sáng 14-9: Giá heo tiếp tục giảm; TP.HCM khảo sát hiệu quả sơn chống vẽ bậy - Ảnh 5.
Tin sáng 14-9: Giá heo tiếp tục giảm; TP.HCM khảo sát hiệu quả sơn chống vẽ bậy - Ảnh 6.
Tin sáng 14-9: Giá heo tiếp tục giảm; TP.HCM khảo sát hiệu quả sơn chống vẽ bậy - Ảnh 7.
Tin sáng 13-9: Giá dưa hấu, mít, xoài tăng 15-30%, rau củ Đà Lạt cũng Tin sáng 13-9: Giá dưa hấu, mít, xoài tăng 15-30%, rau củ Đà Lạt cũng 'neo' giá cao, vì sao?

TTO - 30 công chức tòa án các cấp bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự; Khi nào sầu riêng chính thức được xuất khẩu sang Trung Quốc?; Nhiều mặt hàng trái cây, rau củ giá tăng... là một số tin đáng chú ý hôm nay.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên