24/07/2019 17:30 GMT+7

Tin đồn hiến tế khiến 8 người bị đánh hội đồng đến chết

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Cảnh sát Bangladesh cho biết ít nhất 8 người đã thiệt mạng oan vì bị đám đông dân chúng đánh đập do bị nghi là những kẻ bắt cóc trẻ em.

Tin đồn hiến tế khiến 8 người bị đánh hội đồng đến chết - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa cho một trường hợp thiệt mạng - Ảnh: REUTERS

Ngày 24-7, tại cuộc họp báo ở thủ đô Dhaka, cảnh sát trưởng Javed Patwary cho biết các nạn nhân, trong đó có 2 phụ nữ, đã bị đám đông giận dữ đánh đập dã man vì bị nghi ngờ là những kẻ bắt cóc trẻ em để đem đi hiến tế. Đã có ít nhất 8 trường hợp như vậy trong một tuần qua.

Theo hãng tin AFP, trong số những nạn nhân bị giết hại có một bà mẹ đơn thân đang nuôi 2 con nhỏ tên Taslima Begum. 

Người phụ nữ xấu số này đã bị đám đông giận dữ đánh đập cho tới chết ngay trước cổng một trường học hôm 20-7. Cảnh sát đã bắt giữ 8 người trong vụ việc này.

Ngoài ra, một người đàn ông khiếm thính cũng đã bị đánh cho tới chết ở khu vực bên ngoài thủ đô Dhaka khi đang trên đường tới thăm con gái.

Chuyện này xuất phát từ các tin đồn, chủ yếu lan truyền trên mạng xã hội Facebook, cho rằng một dự án xây cây cầu trị giá 3 tỉ USD đang tiến hành tại Bangladesh cần phải được hiến tế bằng tính mạng của nhiều người nếu muốn hoàn thành tốt đẹp.

Cây cầu này - sẽ là lớn nhất Bangladesh sau khi khánh thành - đang được xây dựng trên sông Padma, một nhánh chính của sông Hằng.

Cảnh sát trưởng Patwary cho biết cảnh sát đã phân tích từng trường hợp và xác nhận không có đối tượng nào bắt cóc trẻ em. Ngoài những nạn nhân trên, hơn 30 người khác cũng đã bị tấn công với lý do tương tự.

Giới chức địa phương cho biết các đồn cảnh sát trên khắp đất nước 160 triệu dân này đã nhận được lệnh trấn áp tin đồn thất thiệt nói trên. Ít nhất 25 kênh YouTube, 60 trang mạng xã hội Facebook và 10 trang web đã bị đóng cửa. Cảnh sát đã bắt giữ ít nhất 5 đối tượng nghi phát tán tin đồn thất thiệt trên.

Những vụ đồn thổi từng xảy ra tại Bangladesh nhưng hiện tượng tàn bạo lần này đã làm "dấy lên lo ngại rằng đây là dấu hiệu về sự mất lòng tin của người dân đối với hệ thống luật pháp hiện hành", theo nhận định của ông Monirul Islam, giáo sư xã hội học tại ĐH Dhaka.

Năm ngoái, theo hãng tin AFP, những tin đồn về chuyện bắt cóc trẻ em cũng đã xảy ra tại Ấn Độ và lan truyền chủ yếu qua WhatsApp, cũng đã khiến khoảng 30 người bị đánh hội đồng đến chết như lần này ở Bangladesh.

Vào năm 2010, theo báo chí địa phương, tại Bangladesh cũng từng xảy ra tin đồn về chuyện hiến tế người để làm cầu.

Nhân chứng vụ tài xế bắt cóc 51 học sinh, đốt xe: "Thật kinh khủng" Nhân chứng vụ tài xế bắt cóc 51 học sinh, đốt xe: 'Thật kinh khủng' Nhiều địa phương ở Nghệ An phát cảnh báo "nghi bắt cóc trẻ em’ Nhiều địa phương ở Nghệ An phát cảnh báo 'nghi bắt cóc trẻ em’ Tung tin đồn bắt cóc trẻ em trên Facebook, hai chủ tài khoản đang bị xử lý Tung tin đồn bắt cóc trẻ em trên Facebook, hai chủ tài khoản đang bị xử lý
TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên