14/12/2013 10:35 GMT+7

Tìm mộ trong mù mưa

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Cuối năm, ở quê xa bên kia biên giới vợ con đang ngóng chờ tin chồng, tin cha trở về từ phía rừng Lào để cùng vui đón tết. Còn ở rừng Lào, những người lính quy tập ngày đêm trong tư thế sẵn sàng súng đạn với balô, hương, vải, lương khô, bình tông nước và xà beng, cuốc xẻng để có lệnh là đi tìm mộ.

Người tìm thân nhân của mộ liệt sĩ Kỳ 1: Giấc mơ máy dò xương

5VEUurUu.jpg
Trung tá Nguyễn Văn Dậu “săn tin” Thào Văn ở huyện Mường Khăm - Ảnh: Vũ Toàn

Vào bản phỉ săn tin

Trung tá Hoàng Ngọc Lân, phụ trách hướng 2 gồm ba mũi Phả Xay, Lạc Khòi, Noọng Pết thuộc ba huyện Phả Xay, Mường Pẹt và Phônsavẳn, nói trong gió rét căm căm: “Không hiểu sao mùa khô năm nay mưa liên tục và rét dữ dằn lắm. Vô rừng trời mưa mù không thể thấy lối đi. Nếu có đứng bên mộ liệt sĩ (LS) cũng không thể biết vì phủ bì dày từng gang tay khó có thể nhìn thấu được. Muốn đốt phủ bì cũng khó vì mưa có ngớt đâu”.

Dẫn tôi vào ngồi bên bếp lửa, anh bắt đầu tâm sự: “Chiến tranh đi qua trên đất bạn Lào đã hơn 40 năm nhưng vẫn còn những tàn quân phỉ Vàng Pao lẩn lút trong những bản phỉ giữa vùng rừng thâm u, hiểm trở. Lính quy tập cũng giống như cánh nhà báo, nghĩa là muốn biết mộ phải biết tiếng mới giao lưu biết được nhiều nguồn tin. Chúng tôi có bốn cơ sở để tìm mộ LS. Đó là sơ đồ do các đơn vị chiến đấu để lại, thông tin từ cựu chiến binh của ta và của bạn Lào, nguồn tin từ nhân dân, kể cả tàn quân phỉ, cách chôn cất LS bằng tăng võng và di vật LS trong mộ. Đây là phương pháp tìm mộ duy nhất vì rất khoa học, không như các nhà ngoại cảm dỏm bày đặt, gây hoang mang không chỉ cho gia đình LS”.

Nhưng càng ngày nguồn tin càng cạn dần và không phải khi nào người biết tin cũng sẵn lòng cung cấp nếu không biết cách tiếp cận, nhất là với tàn quân trong những bản phỉ.

Nếu ở huyện Mường Khăm có bản Xổm quy tụ dân phỉ chạy từ Phù Bia và Loong Chẹng ra khu vực Bom Lọng (giáp ranh ba huyện Mường Khăm, Mường Pẹt và Phú Cút) sau khi Vàng Pao thất thủ.

Tàn quân phỉ chạy sang Thái Lan rồi bị trục xuất năm 1984 nên quay về bản cũ. Năm 2001, một toán 22 phỉ mò về bắn chết vợ chồng trưởng bản Na Xù Mày rồi đốt nhà, đốt xác vì lý do hay cử người dẫn đường cho bộ đội quy tập. Năm 2012 phỉ bắn chết 14 người dân huyện Phả Xay cùng vì lý do này.

Ngày 24-11 mới đây, phỉ tuyên bố phục bộ đội Lào và bộ đội quy tập trên tuyến đường Phônsavẳn vào Loong Chẹng nơi đang có nhiều hài cốt LS. Bộ đội bạn vừa mở chiến dịch truy quét bắt được năm tên, còn phỉ bắn chống trả khiến hai bộ đội Lào hi sinh, hai bị thương.

Nổi lên trong đám tàn quân này là Toòng Cu Cử, thường xuyên nhận tiền từ nước ngoài mua hàng tiếp tế cho phỉ đang ẩn náu trong rừng sâu. Bộ đội quy tập phải làm giỏi công tác dân vận mới có thể chinh phục những dạng phỉ này.

Trung tá Lân kể: “Toòng Cu Cử ra một luật rừng rất ghê rợn. Tất cả dân bản Na Xù Mày khi thấy mộ LS phải báo tin cho nó, nếu biết mà không báo nó sẽ tìm cách giết. Thế là chúng tôi phải tìm cách tiếp cận Toòng Cu Cử bằng việc làm cụ thể như giúp nó chuyển, dựng nhà và cày ruộng, gặt lúa. Thấy anh em chân tình, Toòng Cu Cử sai lính là Tồng Chén chỉ cho ta tìm được 16 mộ ở bản Nậm Pích”.

XY6vr99H.jpg
Hai mũi của hướng 2 đang bốc mộ trong rừng bản Na - Ảnh: Vũ Toàn

Chuyến quy tập cuối năm

Ngày 1-12, khi tôi đến chốt của trung tá Lân ở bản Lạc Khòi, huyện Mường Pẹt thì 16 cán bộ, chiến sĩ ba mũi quy tập của anh cũng vừa từ các ngả rừng về.

Anh nói gấp gáp: “May quá tìm được 10 bác. Một bác có tên, quê có cả tên cha mẹ. Một bác người dân cho biết tên Thắng, pháo thủ 37 li. Mong các anh đưa lên báo sớm để có thể giúp đơn vị hoặc người nhà có cơ sở tìm kiếm”.

Trước đó ngày 19-10, ba mũi của hướng này gộp thành hai mũi đi sâu vào vùng rừng hai bản Lạt Buộc và Phu Sẳn của huyện Mường Pẹt. Khi vào đến rừng thuộc Lạt Buộc trời mưa mù không thể nhìn thấy lối đi.

Đôi khi anh em quy tập nói đứng trên mộ rồi vẫn không thể biết vì không nhìn thấy. Do mưa liên tục, thực bì dày nên rất khó đốt để tìm mộ. Ông Bun Thoong - người dân bản dẫn đường - đi qua ba nghĩa trang đã quy tập vẫn không nhớ ra ngôi mộ đã biết.

Trung tá Lân quyết định đi sang bản Son vô nhà một cựu chiến binh Lào tên Khăm Mi. Khăm Mi dẫn đến một cựu chiến binh khác tên Sĩ Chăn. Sĩ Chăn cho biết ông Xổm Đi sang huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) sinh sống từ năm 1968. Năm 1972 ông về đúng lúc trận đánh xảy ra.

Ông Xổm Đi kể: “Đầu năm 1971 ở bản Son có một trận bom đánh vào khẩu đội pháo cao xạ 37 li. Khẩu pháo văng khỏi công sự khoảng 200m, sáu người mất tích. Một người chết được chôn cất, trước mộ có một bia gỗ viết mỗi chữ Thắng bằng mực đỏ. Ngày 22-12-1971 ta còn thấy bộ đội đưa bánh chưng lên mộ và thắp hương cho bộ đội Thắng”.

Có tin này nhưng đã hai lần trung tá Lân cử người vào nhưng không tìm thấy. Mùa khô năm nay vào hỏi lại, ông Xổm Đi khẳng định 100% có mộ. Nghe xong, trung tá Lân chỉ huy anh em đào sáu hào như hào chiến đấu xung quanh khu vực ông Xổm Đi chỉ. Lúc dãy hào của trung tá Lân và bốn chiến sĩ Tùng, Thành, Duẩn, Ái đào sâu 1,5m thì cả năm anh em reo lên “thấy mộ rồi”. Đó là bộ hài cốt được bó bằng chiếc võng, ngoài võng là hai lớp tăng mà ông Xổm Đi cho biết tên là LS Thắng

Tìm được mộ bác Thắng, trung tá Lân “kéo” mũi này về huyện Phả Xay, trong lúc đó mũi Phu Sẳn được ông Thào Chăn dẫn vào bản Na Hạ tìm được bốn mộ. Mũi Phả Xay do ông Xiêm Vắng - AHLLVT Lào - dẫn đường tìm được thêm năm mộ tại nghĩa trang cũ đã cất bốc trước đó.

Trong năm mộ này có LS Nguyễn Văn Toa. Trung tá Lân kể: “Khi đào đất lên thấy hài cốt LS Toa như đang nằm ngủ trong tăng võng, tóc còn nguyên, chỉ mất phần mặt. Trên ngực có một lọ pêlixilin màu thẫm đen. Tôi từ từ mở nắp cao su rồi đem phơi, sau đó hơ nóng dưới đáy lọ. Khi thật khô thì đập lọ và cẩn trọng lấy tờ giấy ra. Chúng tôi hồi hộp đọc những hàng chữ ghi: LS Nguyễn Văn Toa, sinh năm 1947, nhập ngũ tháng 9-1965, vào Đảng tháng 8-1967. Quê Vĩnh Thịnh, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Bố Nguyễn Văn Vợi, mẹ Phạm Thị Vinh. Cấp bậc thiếu úy, chức vụ đại đội trưởng. Hi sinh ngày 26-10-1972 trong trận đánh tại Pu Tâng, đơn vị C12, D6, trung đoàn 88, sư 308B”.

Theo trung tá Lân, mở nắp lọ pêlixilin và làm theo cách trên là kinh nghiệm để giữ được toàn bộ nội dung ghi trong tờ giấy vì chữ không bay mất.

Kể cho tôi ghi chép cẩn thận rồi trung tá Lân còn yêu cầu tôi đọc lại và dặn thêm lần nữa: “Trong 11.724 hài cốt LS đã được quy tập chỉ có 1.648 hài cốt có tên, quê. Tìm được các bác có tên, quê là vô cùng may mắn bởi các bác nhanh chóng được gia đình biết đến sau bao nhiêu năm trời mong mỏi từ phía rừng Lào. Nếu trung tá Dậu ước có chiếc máy dò xương thì tôi lại ước thêm - giá như hài cốt nào cũng lưu giữ được tên, quê của LS trong từng lọ pêlixilin thì quý biết mấy. Được thế, người lính quy tập cũng được an ủi trên những chặng đường tìm mộ các bậc cha, anh”.

__________

Kỳ tới: Đường đi tìm mộ vẫn còn dài

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên