27/07/2010 08:12 GMT+7

Tiết lộ tài liệu mật về cuộc chiến Afghanistan

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Ngày 25-7, cả nước Mỹ chấn động khi trang web www.wikileaks.org công bố hơn 92.000 báo cáo mật về cuộc chiến Afghanistan, được viết từ tháng 1-2004 đến tháng 12-2009. Giới truyền thông quốc tế xác định đây là một trong những vụ rò rỉ thông tin lớn nhất trong lịch sử quân sự Mỹ.

ivVtGuN9.jpgPhóng to

Lính Mỹ và NATO đang sa lầy ở Afghanistan - Ảnh: Reuters

Mỹ - Nga giải quyết vụ điệp viên sau 3 cú điện thoạiNga - Mỹ có thể trao đổi điệp viên bị bắtSố phận con cái các điệp viên NgaMỹ bắt 10 người tình nghi gián điệpHai nghi can gián điệp “thừa nhận là người Nga”Mỹ cất lưới gián điệp Nga: Còn nhiều nghi vấnNga - Mỹ đồng ý trao đổi điệp viênMỹ - Nga giải quyết êm vụ điệp viênMỹ bắt và trục xuất nghi can gián điệp Nga thứ 12

Wikileaks đã chia sẻ số tài liệu mật này cho ba tờ báo lớn là New York Times (Mỹ), Guardian (Anh) và tạp chí Der Spiegel (Đức) với điều kiện ba tờ báo này cùng đăng tải vào ngày 25-7. “Khối tài liệu mật đã vẽ ra một bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến Afghanistan, xét về nhiều phương diện, u ám hơn rất nhiều so với mô tả chính thức (của chính quyền Mỹ)” - báo New York Times viết. Các nhà quản lý Wikileaks không tiết lộ họ thu thập được số tài liệu này bằng cách nào.

"Các tài liệu này cho thấy một hình ảnh tồi tệ về một cuộc chiến đang thất bại ở Afghanistan"

Báo Guardian, Anh bình luận khi cho công bố các tài liệu mật về Afghanistan

"Vô trách nhiệm"

M.Husain Haqqani, đại sứ Pakistan tại Mỹ, mô tả việc ba tờ báo cho công bố các tài liệu mật

"Không ngạc nhiên nếu có những lo ngại liên quan đến Cơ quan tình báo Pakistan. Chẳng thế mà tổng thống đã phải ra lệnh xem xét lại và thay đổi chiến lược ở Afghanistan"

Một quan chức Mỹ giấu tên nhận định về phản ứng của Pakistan

Những bí mật chấn động

Bí mật gây sốc nhất mà Wikileaks lột trần là việc lực lượng liên quân Mỹ - NATO đã sát hại hàng trăm thường dân Afghanistan trong các chiến dịch quân sự bí mật, và ém nhẹm toàn bộ thông tin.

Các tài liệu cho thấy vô số lần liên quân Mỹ - NATO đã xả súng vô tội vạ vào thường dân Afghanistan lái ôtô hoặc xe máy qua các doanh trại liên quân vì tưởng họ là những kẻ đánh bom liều chết của Taliban. Một sự kiện chưa từng được công bố là vụ lính Pháp xả súng bắn vào một chiếc xe buýt chở đầy trẻ em ở làng Kalay gần Kabul năm 2008, do chiếc xe đi sát một đoàn xe quân sự.

Tám trẻ em đã bị thương nặng. Trong một vụ khác, lính Mỹ đã xả súng máy bắn nát một chiếc xe buýt, làm ít nhất 15 hành khách thiệt mạng. Năm 2007, một nhóm lính Ba Lan đã bắn đạn pháo vào một ngôi làng, giết chết toàn bộ số người đang dự một đám cưới trong làng, trong đó có một phụ nữ đang mang thai.

Các báo cáo mật cũng cho biết quân đội Mỹ đã thành lập một nhóm sát thủ mang tên Biệt đội 373, có nhiệm vụ bắt giữ hoặc ám sát các thủ lĩnh Taliban mà không cần xét xử như Shah Agha, thủ lĩnh tình báo của một nhóm đánh bom liều chết Taliban, bị giết hồi tháng 6-2009 cùng bốn người khác; như Abu Laith al-Libi, một thủ lĩnh cấp cao của tổ chức khủng bố Al-Qaeda...

Báo Guardian cho biết danh sách ám sát của Biệt đội 373 có hơn 2.000 tay thủ lĩnh Taliban và Al-Qaeda. Thế nhưng, biệt đội này đã thực hiện hàng loạt vụ càn quét và giết nhầm rất nhiều thường dân. Quân đội Mỹ xác nhận sáu “tay súng” và bảy người khác đã chết trong chiến dịch tiêu diệt al-Libi hồi tháng 6-2007, nhưng một chi tiết quan trọng mà phía Mỹ đã lờ đi là tất cả số người chết đều là trẻ em.

Một sự thật gây sốc khác bị quân đội Mỹ che giấu là việc Taliban sử dụng tên lửa tầm nhiệt đất đối không để đối phó với máy bay NATO. Các báo cáo cho biết quân đội Mỹ đã cố tình ỉm đi vụ tên lửa đất đối không của Taliban bắn rơi một máy bay trực thăng Chinook trên bầu trời Helmand tháng 5-2007, làm bảy lính Anh thiệt mạng, trong đó có một nhiếp ảnh gia quân đội.

Trong báo cáo chính thức, các quan chức Mỹ và NATO xác định phiến quân Taliban đã dùng súng phóng lựu bắn rơi máy bay. Ngoài ra, tài liệu mật từ trang Wikileaks còn nhắc đến ít nhất 10 vụ tấn công bất thành bằng tên lửa đất đối không của Taliban. Đây là loại vũ khí mà Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) trang bị cho người Afghanistan để chống lại quân Liên Xô trong thập niên 1980.

Wikileaks tuyên bố các tài liệu đã công bố, như New York Times cho biết, “chưa bao gồm những chiến dịch tối mật”. Wikileaks đã tạm hoãn công bố khoảng 15.000 báo cáo mật khác “để phù hợp với quy trình giảm thiểu các tác hại (do việc công bố) theo yêu cầu của nguồn cung cấp tin”. Tuy nhiên, Wikileaks khẳng định sẽ công bố các tài liệu này sau khi điều tra kỹ lưỡng.

Có sự nhúng tay của Pakistan?

Các tài liệu mật cho biết Mỹ nghi ngờ Pakistan, đồng minh của mình, đã bí mật hỗ trợ quân Taliban tại Afghanistan, trong khi vẫn ngửa tay nhận hàng tỉ USD tiền viện trợ quân sự từ Washington. Một số báo cáo cho thấy Cơ quan tình báo Pakistan đã cử đại diện đến gặp trực tiếp các thủ lĩnh Taliban để bàn chiến lược tổ chức các mạng lưới chống Mỹ ở Afghanistan, thậm chí còn lên kế hoạch ám sát các nhà lãnh đạo Afghanistan.

Cơ quan tình báo Pakistan năm 2007, qua tiết lộ của báo Guardian, đã gửi 1.000 xe máy cho tổ chức Haqqani - một nhóm có quan hệ mật thiết với Taliban - để phục vụ các cuộc tấn công liều chết ở các tỉnh Khost và Logar. Mỹ cũng nghi ngờ Iran đã cung cấp vũ khí, tiền bạc và nơi trú ẩn cho quân Taliban. Trong một báo cáo hồi tháng 3-2009, tình báo Mỹ khẳng định hơn 100 tay súng Taliban đã đến Afghanistan từ Iran để thực hiện các vụ tấn công liều chết.

Chính quyền Mỹ đã phản ứng dữ dội với việc các tài liệu mật bị rò rỉ. Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng James Jones mô tả vụ rò rỉ là “vô trách nhiệm”, như AFP cho biết. “Mỹ lên án mạnh mẽ vụ tiết lộ các thông tin mật có thể gây nguy hiểm cho sinh mạng của lính Mỹ và đồng minh, đe dọa an ninh quốc gia Mỹ”, ông Jones tuyên bố.

Nhà Trắng cũng khẳng định vụ việc sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ đồng minh với Afghanistan và Pakistan. Ông Jones cũng nhấn mạnh toàn bộ các báo cáo này đều là từ đầu năm 2004 đến tháng 12-2009, dưới thời cựu tổng thống George Bush, trước khi ông Obama đưa ra chiến lược mới về Afghanistan. Còn đại sứ Pakistan tại Washington, ông Husain Haqqani, cũng tuyên bố các báo cáo “chưa qua xử lý” này đều “không phản ánh hiện thực hiện tại”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ John Kerry khẳng định các báo cáo đã “dẫn đến những câu hỏi nghiêm trọng về chính sách của Mỹ đối với Pakistan và Afghanistan”. Giới quan sát quốc tế bình luận, như CNN cho biết, các báo cáo mật đã cho thấy tại sao trên chiến trường Afghanistan Taliban vẫn hùng mạnh đến vậy dù tính đến nay chính quyền Mỹ, từ thời cựu tổng thống George Bush đến đương kim Tổng thống Barack Obama, đã chi gần 300 tỉ USD cho cuộc chiến này.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên