11/07/2010 07:55 GMT+7

Mỹ - Nga giải quyết vụ điệp viên sau 3 cú điện thoại

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Chiếc máy bay chở 10 điệp viên Nga bị trục xuất khỏi Mỹ đã hạ cánh xuống sân bay Domodedovo ở Matxcơva ngày 9-7. Bên kia đại dương, sân bay ở Washington cũng đã đón hai điệp viên Mỹ được Nga phóng thích.

Ngoài ra, hai điệp viên khác của Mỹ đã được trao trả tại căn cứ không quân Brize Norton (Anh).

lko7JNeT.jpgPhóng to
Đoàn xe chở các điệp viên Nga bị trục xuất khỏi Mỹ đi từ sân bay Domodedovo về phía thủ đô Matxcơva ngày 9-7 - Ảnh: Reuters

Nga - Mỹ có thể trao đổi điệp viên bị bắtSố phận con cái các điệp viên NgaMỹ bắt 10 người tình nghi gián điệpHai nghi can gián điệp “thừa nhận là người Nga”Mỹ cất lưới gián điệp Nga: Còn nhiều nghi vấnNga - Mỹ đồng ý trao đổi điệp viênMỹ - Nga giải quyết êm vụ điệp viên

Lần trao đổi điệp viên lớn nhất giữa Nga và Mỹ kể từ Chiến tranh lạnh diễn ra như trong phim: tại sân bay Vienna (Áo), hai chiếc máy bay, một xuất phát từ Matxcơva, một từ Washington, cùng hạ cánh trên đường băng cách nhau vài phút. Hai chiếc đậu song song. Trong vòng hơn một giờ, 10 người bên này chuyển sang chiếc máy bay kia, nhường chỗ cho bốn người mới, và cả hai máy bay cùng cất cánh.

Có một số chi tiết mới được hé lộ sau khi người của các bên đã trở về bản xứ. Một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết lần đầu tiên Cơ quan Điều tra liên bang Mỹ (FBI), Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Bộ Tư pháp đã thông báo chung cho Nhà Trắng về vụ phát hiện điệp viên.

Ngày 11-6, Tổng thống Barack Obama lần đầu tiên được biết ngắn gọn về vụ việc cùng các việc làm của 10 điệp viên Nga trong 10 năm qua. Các cơ quan liên quan đã trình bày về các tội danh có thể cáo buộc và những ảnh hưởng có thể xảy ra với quan hệ “vừa làm lại” với Nga. FBI và Bộ Tư pháp thông báo với tổng thống là đã đến lúc bắt điệp viên nằm vùng và phải bắt nhanh. Thực tế, tháng 2-2010, trước khi phía Mỹ bàn thảo kỹ càng làm thế nào để công khai vụ việc, ít nhất hai điệp viên Nga đang có kế hoạch rời Mỹ.

Theo AFP, một tuần sau, ông Obama chủ trì cuộc họp tại Hội đồng an ninh quốc gia để thảo luận các bước tiếp theo. Ý tưởng trao đổi điệp viên khởi nguồn từ các quan chức trong Hội đồng an ninh từ trước khi tiến hành bắt giữ các điệp viên. Những điệp viên của Nga chưa bao giờ xâm nhập được vào Chính phủ Mỹ, nên chính quyền Washington có thể sẽ có lợi hơn nếu dùng để đổi người thay vì bỏ tù họ nhiều năm. Ông Obama đồng ý.

13 ngày sau, Tổng thống Obama gặp Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại Nhà Trắng lần đầu tiên. Họ cùng đi ra ngoài ăn hamburger rất vui vẻ, không hề có dấu hiệu gì về xìcăngđan gián điệp. CIA, FBI, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn họp sớm mỗi buổi sáng để bàn về việc bắt giữ, và có ý kiến cho rằng “còn quá sớm”. Tuy vậy, việc bắt giữ vẫn tiến hành ba ngày sau đó. Tổng thống Obama vẫn kín như bưng.

Ngay sau khi Mỹ bắt giữ điệp viên Nga ngày 27-6, giám đốc CIA Leon Panetta đã cung cấp cho Mikhail Fradkov - giám đốc tình báo của Nga - tên của bốn tù nhân đang bị giữ ở Nga mà Mỹ muốn trao đổi. Thương lượng nhanh chóng hoàn tất vào ngày 4-7 sau ba cú điện thoại giữa hai bên.

Sau đó là chuyện thủ tục hành chính. Nga yêu cầu có bản nhận tội có chữ ký từ bốn điệp viên phương Tây đang bị giam giữ để Tổng thống Medvedev có thể ký lệnh ân xá. Còn phía Mỹ lập tòa án, nhanh chóng quyết định trục xuất điệp viên Nga. Các quan chức Mỹ cho biết Washington được đáp ứng mọi yêu cầu. Sức khỏe bốn điệp viên bị bắt ở Nga đang trong tình trạng kém, đó cũng là lý do thỏa thuận nhanh chóng hoàn tất.

Thư ký Nhà Trắng Rahm Emanuel cho biết cho dù 10 điệp viên Nga không bị cáo buộc tội làm điệp viên, nhưng “rõ ràng họ bị bắt khi đang có hành động gián điệp". Tại cuộc họp báo, phía Mỹ thông báo các điệp viên đã đồng ý không bao giờ trở lại Mỹ nếu không có sự cho phép của Chính phủ Mỹ. Nhà chức trách đến nay vẫn chưa tìm ra tung tích của người bị tình nghi thứ 11. Người này bị bắt ở Cyprus, được thả nhờ nộp tiền bảo lãnh, rồi sau đó mất hút.

Dù còn nhiều thứ sẽ không bao giờ để lộ ra ánh sáng, nhưng có một điều rõ ràng: Mỹ và Nga đều nỗ lực giải quyết vấn đề càng nhanh càng tốt để không đe dọa tới quan hệ đang tiến triển khá tốt gần đây. Cả hai ông Obama và Medvedev chưa bao giờ nói về xìcăngđan điệp viên này, và các quan chức Nhà Trắng cho biết họ không có kế hoạch nói gì hết.

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên