10/07/2010 07:22 GMT+7

Mỹ - Nga giải quyết êm vụ điệp viên

HẢI MINH
HẢI MINH

TT - Vụ việc tưởng chừng là xìcăngđan tình báo lớn nhất của thế kỷ 21 lại được giải quyết nhanh chóng. Địa điểm trao đổi các điệp viên nhiều khả năng là Vienna - “cái ổ” gián điệp quốc tế.

ezaVLqeD.jpgPhóng to
Một bức ảnh không đề ngày của nhà báo - điệp viên người Peru Vicky Pelaez - Ảnh: AFP

Nga - Mỹ có thể trao đổi điệp viên bị bắtSố phận con cái các điệp viên NgaMỹ bắt 10 người tình nghi gián điệpHai nghi can gián điệp “thừa nhận là người Nga”Mỹ cất lưới gián điệp Nga: Còn nhiều nghi vấnNga - Mỹ đồng ý trao đổi điệp viên

Theo thông báo từ Bộ Tư pháp Mỹ, mười nghi can gián điệp của Nga đã bị đưa ra xét xử ở New York ngày 8-7. Tất cả họ đã nhận tội và được phép rời nước Mỹ, đổi lấy việc bốn điệp viên của phương Tây ở Nga sẽ được Tổng thống Dmitry Medvedev ân xá và cho phép rời Nga.

Cứu vãn quan hệ

Reuters cho biết năm người trong số những người bị bắt ở Mỹ đã lần đầu tiên tiết lộ tên thật và chín người, trừ nhà báo người Peru Vicky Pelaez, đều là công dân Nga. Cặp vợ chồng Richard và Cynthia Murphy có tên thật là Vladimir và Lydia Guryev, 44 và 39 tuổi. Donald Howard Heathfield thật ra là Andrey Bezrukov - 49 tuổi, Tracey Lee Ann Fole là Elena Vavilova - 47 tuổi và Juan Lazaro tên thật là Mikhail Anatonoljevich Vasemkov - 66 tuổi.

Ông Guryev khai trước tòa rằng đã sống ở Mỹ từ đầu những năm 1990, “nhận tên giả và chỉ đạo từ Liên bang Nga và gặp gỡ các quan chức Nga”. Còn luật sư của Pelaez cho biết các quan chức Nga hứa với nhà báo Pelaez rằng bà có thể đi bất kỳ nước nào, bao gồm Peru, với khoản tiền trợ cấp 2.000 USD mỗi tháng cả đời cộng thêm thị thực cho các con của bà.

CNN cho biết một chuyến bay chở mười điệp viên đã rời New York ngay sau phiên xét xử tối 8-7. Trên máy bay có mặt cả cảnh sát tư pháp Mỹ.

Tại Nga, Tổng thống Medvedev đã ký lệnh ân xá cho bốn điệp viên của nước ngoài. BBC dẫn danh sách từ điện Kremlin cho biết những người được Nga trao đổi bao gồm: Igor Sutyagin, một nhà nghiên cứu quốc phòng bị bắt năm 2004; Sergei Skripal, cựu quan chức tình báo quân sự bị buộc tội năm 2006; Alexander Zaporozhsky, cựu nhân viên phòng tình báo nước ngoài, bị bắt năm 2003 và Gennadiy Vasilenko, cựu nhân viên KGB.

Sau phiên xét xử ở New York, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ “không có lợi ích đáng kể nào với an ninh quốc gia” nếu tuyên án tù dài hạn với mười điệp viên. “Mạng lưới điệp viên bất hợp pháp hoạt động bên trong nước Mỹ đã bị triệt phá. Mỹ muốn nhân cơ hội này đảm bảo việc thả bốn cá nhân đang bị giam giữ dài hạn ở Nga, một số người trong tình trạng sức khỏe kém” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mark Toner nói với báo chí.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ra một tuyên bố cho biết cuộc trao đổi do Cục Tình báo đối ngoại Nga và CIA tiến hành trong bối cảnh “sự phát triển toàn diện mối quan hệ Nga - Mỹ”.

SsU1zXPn.jpgPhóng to
Tranh vẽ phiên xét xử ở New York ngày 8-7 - Ảnh: AFP

Tại sao lại ở Vienna?

Reuters mô tả cuộc trao đổi diễn ra ở thủ đô Vienna của Áo đầy bí ẩn. Hai chiếc máy bay, một của Nga, một của Mỹ, đậu bên cạnh nhau trên đường băng trong khoảng một giờ rưỡi và được các xe hơi, xe buýt vây kín làm rào

chắn tạm. Sau đó chiếc máy bay của Nga cất cánh trước, rồi đến máy bay của Mỹ. Các quan chức ở thành phố Vienna giữ im lặng tuyệt đối với báo chí, nhưng một quan chức an ninh không xác định danh tính của Nga nói với Reuters rằng các điệp viên bị bắt ở Mỹ đã rời Vienna để về Nga.

Với một lịch sử dài là “sân chơi” cho các cơ quan tình báo trên toàn thế giới, thủ đô nước Áo, một quốc gia trung lập và nằm giữa châu Âu, có thể là điểm chứng kiến cuộc trao đổi lịch sử. Siegfried Beer - sử gia và là người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu tình báo, tuyên truyền và an ninh Áo (ACIPSS) - cho biết 20 năm sau chiến tranh lạnh, vẫn còn 2.000-3.000 điệp viên hoạt động ở Vienna.

“Giữa hai cuộc thế chiến, Vienna đã trở thành trung tâm của tình báo châu Âu. Trong thời kỳ Đức chiếm đóng, thành phố này trở thành nơi họ thu thập thông tin tình báo về Nam và Đông Âu” - ông Beer giải thích. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Vienna bị chia làm bốn phần và các cơ quan tình báo nước ngoài giành giật ảnh hưởng cũng như thông tin với nhau quyết liệt, những người đóng vai chính đương nhiên là từ CIA và KGB.

Khi Áo tuyên bố trở thành nước trung lập vào năm 1955, nhiều nước rút điệp viên về “nhưng vẫn bảo đảm còn một số người ở lại” - ông Beer nhận định. Và không chỉ có Nga và Mỹ chơi trò gián điệp. “Từng xảy ra tình trạng rất căng thẳng giữa cơ quan tình báo Áo và Tiệp Khắc cũng như các nước Đông Âu trước kia”. Giờ thì tình hình đã hơi khác. “Hiện Vienna là một thành phố quốc tế và người Áo là một dân tộc thân thiện. Miễn là các hoạt động gián điệp không chống lại nước Áo, những điệp viên thường được tự do hành động” - sử gia Beer kết luận.

4 điệp viên được Nga trao đổi

* Igor Sutyagin: là một chuyên gia về hạt nhân, Sutyagin bị bắt giữ năm 1999 và bị kết án 15 năm tù năm 2004 với cáo buộc chuyển thông tin về hệ thống cảnh báo tên lửa và tàu ngầm hạt nhân cho một công ty Anh là bình phong của CIA.

* Sergei Skripal: đại tá tình báo về hưu bị kết án 13 năm tù năm 2006 vì làm gián điệp cho Anh. Skripal bị buộc tội chuyển danh tính của các đặc vụ Nga ở châu Âu cho Cục Tình báo nước ngoài Anh (MI6) và đã nhận khoảng 100.000 USD từ MI6.

* Alexander Zaporozhsky: cựu đại tá của Cơ quan tình báo quốc nội, bị kết án 18 năm lao động khổ sai vào năm 2003 vì cáo buộc làm gián điệp. Zaporozhsky bị buộc tội chuyển hồ sơ về các hoạt động gián điệp của Nga cho chính phủ nước ngoài và tiết lộ danh tính hơn 20 gián điệp Nga tại Mỹ.

* Gennadiy Vasilenko: một cựu nhân viên KGB làm việc cho Đài truyền hình Nga NTV trước khi bị bắt vào năm 2005. Năm 2006, Vasilenko bị tuyên án 3 năm tù vì sở hữu vũ khí bất hợp pháp và chống người thi hành công vụ.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên