30/06/2010 14:47 GMT+7

Mỹ cất lưới gián điệp Nga: Còn nhiều nghi vấn

CẢNH TOÀN
CẢNH TOÀN

TT - Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev rời nước Mỹ trong chuyến thăm được xem là có tính chất xây dựng, phía Mỹ thông báo đã cất mẻ lưới chưa từng có: bắt giữ 10 gián điệp “nằm vùng” của Nga.

v3g0dyR3.jpgPhóng to
Anna Chapman Chapman bị tình nghi làm gián điệp cho chính phủ Nga - Ảnh: Facebook

Mỹ bắt 10 người tình nghi gián điệp

Ngày 28-6 (ngày 29-6, giờ Việt Nam), Bộ Tư pháp Mỹ thông báo Cục Điều tra liên bang (FBI) đã bắt giữ 10 người tình nghi là gián điệp Nga giả dạng làm thường dân và có ý định tiếp cận quá trình hoạch định chính sách, các thông tin vũ khí, chiến lược ngoại giao và chính trị Mỹ hơn mười năm qua.

Diễn biến cực nhanh

np0pF4N3.jpgPhóng to

Giới truyền thông “cắm trại” trước nhà vợ chồng Murphy ở Montclair, bang New Jersey - Ảnh: AFP

Những người bị bắt là Anna Chapman, Mikhail Semenko, vợ chồng Richard và Cynthia Murphy, Vicky Pelaez, Juan Lazaro, Michael Zottoli, Patricia Mills, Donald Howard Heathfield và Tracey Lee Ann Foley. Người cuối cùng bị bắt vào hôm 27-6. Người thứ 11 Christopher Metsos bị tình nghi đã cung cấp tiền nuôi nhóm nghi can trên hiện đang lẩn trốn.

Phó chủ tịch Thượng viện Nga Alexander Torshin kêu gọi giới truyền thông không nên quá đà về vụ việc này. Hãng tin Ria Novosti trích phát biểu của ông Torshin: “Đây không phải là chuyện quay trở về chiến tranh lạnh, và tôi chắc chắn vụ việc này sẽ không trở thành bê bối tình báo rộng lớn”. Theo ông Torshin, những người bị bắt có cả công dân Mỹ, vì thế Mỹ nên giải quyết nội bộ vấn đề này.

Năm nghi can đã xuất hiện ở phòng xử án Manhattan, New York hôm 28-6 và bị tạm giam đến khi diễn ra phiên tòa sơ thẩm ngày 27-7. Những người còn lại sẽ được xét xử ở Virginia và Massachusetts. Cả 10 nghi can bị kết án làm việc lén lút cho chính phủ nước ngoài mà không có sự kiểm soát của luật pháp Mỹ và sẽ đối mặt với mức án cao nhất là 5 năm tù. Có chín người bị kết án rửa tiền với khung hình phạt nặng nhất tới 20 năm tù.

Bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ dẫn ra một điện tín gửi hồi năm 2009 từ Cơ quan tình báo Nga SVR tại Matxcơva đến hai nghi can với chỉ dẫn: “Các bạn được gửi đến Mỹ vì nhiệm vụ lâu dài. Kiến thức các bạn được dạy, tiền trong tài khoản ngân hàng, xe hơi, nhà cửa và nhiều thứ khác, tất cả chỉ để phục vụ một mục đích: hoàn thành sứ mệnh của các bạn bằng cách tìm kiếm, phát triển mối quan hệ với những nhà hoạch định chính sách Mỹ và gửi thông tin tình báo về trung tâm”.

Hơn mười năm trời, FBI đã theo dõi nhóm người này và tìm mọi cách thu thập thông tin như bí mật đặt máy nghe lén ở nhà mỗi nghi can, trong phòng khách sạn, nghe lén điện thoại và xâm nhập email. Những thông tin cần cung cấp rất rộng lớn, từ chuyện vũ khí hạt nhân, chính sách Mỹ ở Afghanistan, Iran, Nhà Trắng, thay đổi lãnh đạo CIA, kỳ bầu cử tổng thống vừa qua, quốc hội và các đảng phái chính trị.

Theo FBI, nhóm người tình nghi đã gửi tài liệu bằng cách sử dụng sóng điện đài với tần số đặc biệt để liên lạc với trung tâm ở Matxcơva, dùng mạng không dây của laptop để trao đổi dữ liệu giữa các nghi can với nhau trong phạm vi ngắn, hoặc sử dụng một phần mềm đặc biệt để chuyển hóa dữ liệu thành một bức tranh vô hại khi đăng tải trên những trang web công cộng.

Theo AP, khi bị bắt và được hỏi có biết lý do bị bắt hay không, tất cả 10 nghi can đều trả lời “có”. Khi bị luận tội thì không ai có lời bào chữa nào. Trợ lý bộ trưởng tư pháp Mỹ Michael Farbiarz nói với Hãng tin AP: “Tất cả bằng chứng quá rõ ràng và mạnh mẽ”.

FFbLixw6.jpgPhóng to

Ở phòng xử án Manhattan, New York hôm 28-6 (giờ địa phương), năm nghi can bị bắt giữ (từ trái sang) là Anna Chapman, Vicky Pelaez, Richard Murphy, Cynthia Murphy và Juan Lazaro - Ảnh chụp lại từ tranh phác họa: AP

Nhiều nghi vấn

Vụ bắt bớ này được cho là đặc biệt so với các vụ tương tự trong quá khứ vì những người bị bắt đều là thường dân và không hề có mối liên hệ nào với cơ quan sứ quán hoặc lực lượng quân sự Nga ở Mỹ. Bản cáo trạng công khai của Bộ Tư pháp Mỹ không nói rõ những nghi can này hoàn thành công việc đến đâu, nhưng khẳng định họ đã sinh sống tại Mỹ trong một thời gian dài, thậm chí CNN nói có người từng hoạt động từ những năm 1990, dưới một vỏ bọc vững chắc mà không ai ngờ tới.

Phát biểu trên New York Times, Jessie Gugig, 15 tuổi, hàng xóm của nhà Murphy, sửng sốt: “Làm sao họ có thể là điệp viên được”. Còn những hàng xóm khác thì cho biết hai vợ chồng thường xin lời khuyên về trường học nào trong vùng thích hợp với con gái họ. Cựu tình báo Xô viết ở Mỹ những năm 1960-1970 Oleg D.Kalugin nói với phóng viên New York Times rằng ông bất ngờ vì: “Cho dù có quay trở lại thời xưa, ngay cả thời điểm khủng hoảng nhất của chiến tranh lạnh, thì còn chưa tới 10 điệp viên Nga ở Mỹ”.

Đặc biệt, vụ bắt bớ được thông báo chỉ vài ngày sau chuyến thăm của tổng thống Nga đến Mỹ, mà trong đó Tổng thống Barack Obama đã nói Nga là “một đối tác vững chắc và đáng tin cậy” trong cuộc tiếp xúc ấm cúng ở Nhà Trắng.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, đang trong chuyến công du ở Jerusalem (Israel), nhanh chóng bày tỏ thái độ với báo chí: “Vụ bắt bớ này đã không được giải thích cho chúng tôi và chúng tôi chờ câu trả lời từ phía Mỹ. Thời điểm của vụ bắt giữ này rất tế nhị”. Phía Bộ Ngoại giao Nga cho biết vẫn đang nghiên cứu bản cáo trạng của Mỹ.

Còn chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga Mikhail Margelov khẳng định trên Reuters: “Rất nhiều thông tin mâu thuẫn và không thể kết luận gì từ nó”. Cơ quan tình báo Nga và người phát ngôn chính của Thủ tướng Vladimir Putin cho Reuters biết họ chưa có bình luận nào về điều này, và sự việc sẽ không được thảo luận trong cuộc gặp giữa cựu tổng thống Bill Clinton với Thủ tướng Putin tại Matxcơva ngày 29-6.

Phía Nhà Trắng hiện chưa có bình luận nào về vụ bắt bớ có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ - Nga vừa mới bắt đầu những dấu hiệu tốt đẹp này.

CẢNH TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên