09/10/2019 14:36 GMT+7

Tiếp tục tranh luận tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm

THẢO LÊ - TIẾN LONG
THẢO LÊ - TIẾN LONG

TTO - Nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên mở rộng khung giờ làm thêm lên 400 giờ/năm tại hội thảo góp ý dự án Luật lao động (sửa đổi) do đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức sáng 9-10.

Tiếp tục tranh luận tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm - Ảnh 1.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết - chủ trì hội thảo góp ý dự án Luật lao động (sửa đổi) - Ảnh: THẢO LÊ

Vấn đề mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) được các đại điện doanh nghiệp đưa ra bàn luận. 

Bên cạnh những ý kiến tán thành cũng có ý kiến phản đối việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm.

Người nói nên, người nói không

Ông Ngọc Hiếu (Tổng công ty Sanko Việt Nam) cho rằng doanh nghiệp có đơn hàng gấp cần bố trí thêm người sản xuất, không nên buộc lao động tăng ca một cách vô tội vạ.

Ông Hiếu đề xuất có thể quy định cho mở rộng giờ làm thêm vào tháng tết, những tháng còn lại nên có quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Tranh luận lại, ông Nguyễn Bá Tân, Tổng công ty cổ phẩn sản xuất nhựa Duy Tân, cho rằng nên mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ. Luật hiện tại giới hạn 30 giờ/tháng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử… cho biết thường gia tăng sản xuất vào những tháng cao điểm, nhất là trước và sau Tết Nguyên đán. Việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ theo họ sẽ đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Đồng tình với ý kiến trên, đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam nói: "Chúng tôi ủng hộ phương án tăng thời gian làm thêm lên không quá 400 giờ/năm và đề xuất bỏ giới hạn giờ làm thêm theo tháng, giữ số giờ làm thêm giới hạn theo ngày và năm.

Việc này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc sản xuất kinh doanh. Thời gian làm thêm có thể theo thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động".

Quy định chặt việc trả lương làm thêm

Ở góc độ khác, một số đại biểu cho rằng việc tăng thời gian làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài, xử lý vi phạm còn hạn chế có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời gian làm thêm khai thác sức lao động quá mức.

Đại diện Sở Tư pháp TP.HCM cho rằng nên có quy định chặt chẽ hơn trong việc trả lương làm thêm giờ. Thỏa thuận làm thêm giờ của người lao động và người sử dụng lao động phải có văn bản đăng ký đến cơ quan chức năng.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu ý kiến: "Vấn đề làm thêm giờ phải ưu tiên hàng đầu là quyền con người. Nói đến quyền con người thì quyền được chăm lo và quyền được lao động phải đi đôi với nhau. Doanh nghiệp đừng nhìn thấy lợi ích trước mắt mà phải có cái nhìn phổ quát. Khi đời sống người lao động được chăm lo thì họ sẽ phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp".

Bà Tâm nói người lao động muốn tăng giờ làm thêm nhưng sao doanh nghiệp không đặt câu hỏi tại sao họ lại muốn như thế? Phải chăng mức thu nhập bình quân của họ không đủ để đáp ứng cuộc sống?

Bà Văn Thị Bạch Tuyết - phó đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - đánh giá cao những quan điểm, ý kiến của đại biểu. Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ tiếp thu ý kiến và trình Quốc hội xem xét, đề ra những giải pháp phù hợp.

Giữ nguyên 48 giờ làm việc một tuần, không tăng giờ làm thêm Giữ nguyên 48 giờ làm việc một tuần, không tăng giờ làm thêm

TTO - ‘Về cơ bản sẽ không tăng thời gian làm thêm, và cũng sẽ không giảm thời gian làm việc trong tuần, vẫn giữ nguyên 48 giờ/tuần’.

THẢO LÊ - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên