16/09/2019 18:18 GMT+7

Giữ nguyên 48 giờ làm việc một tuần, không tăng giờ làm thêm

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - ‘Về cơ bản sẽ không tăng thời gian làm thêm, và cũng sẽ không giảm thời gian làm việc trong tuần, vẫn giữ nguyên 48 giờ/tuần’.

Giữ nguyên 48 giờ làm việc một tuần, không tăng giờ làm thêm - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung làm việc với VCCI và đại diện các hiệp hội về dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi - Ảnh: Đ.BÌNH

Ông Bùi Sỹ Lợi, phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, với tư cách cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật lao động sửa đổi đã nhấn mạnh quan điểm như vậy tại buổi làm việc của bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH với chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp, chiều 16-9.

Sau khi nghe ý kiến đại diện các hiệp hội cũng như chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc góp ý vào dự thảo Bộ luật lao động, ông Lợi cho rằng các doanh nghiệp cũng như VCCI "nói cũng đúng, cũng hay" về các nội dung như giờ làm thêm, giờ làm việc, tuổi nghỉ hưu. 

Tuy nhiên ông Lợi cho rằng Bộ luật lao động là luật gốc, liên quan đến nhiều người, lĩnh vực, ngành nghề nên cần thận trọng và đặc biệt, "không thể trái với các quy định, công ước quốc tế mà ta đã tham gia".

"Chính phủ đang muốn kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ giải quyết vấn đề làm thêm giờ chỉ trong một số ngành nghề, lĩnh vực rất đặc biệt và phải điều chỉnh tiền lương theo lũy tiến. Vấn đề này sẽ do Quốc hội quyết định nhưng quan điểm của ủy ban thẩm tra là không đồng tình với việc tăng thời gian làm thêm. 

Bên cạnh đó cũng không thể giảm thời giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần. 

Về tuổi nghỉ hưu, công chức viên chức chắc chắn phải tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam. Còn khu vực có quan hệ lao động thì sẽ tăng tuổi nghỉ hưu sau…" - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm.

Giữ nguyên 48 giờ làm việc một tuần, không tăng giờ làm thêm - Ảnh 2.

Hầu hết ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp đều không muốn giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần, mà còn muốn tăng giờ làm thêm trong năm lên 400-450 giờ/năm - Ảnh: Đ.BÌNH

Đại diện Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cho rằng nếu giảm giờ làm việc từ 48 giờ như hiện hành xuống 44 giờ/tuần thì doanh nghiệp sẽ phải tuyển thêm lao động, và với tình hình hiện nay da giày sẽ khó tuyển được người. 

Không tuyển được người sẽ phải đầu tư công nghệ và như vậy sẽ đội chi phí của doanh nghiệp. 

"Gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp, mà da giày thì làm theo mùa vụ và thường một năm chỉ có đơn hàng để làm 6-8 tháng. Nếu giảm 4 tiếng làm việc/tuần thì doanh nghiệp sẽ phải tuyển thêm 10% lao động. 

Giảm giờ làm thì người lao động được tái tạo sức lao động, nhưng nếu giảm giờ làm, lao động đang thu nhập thấp thì họ sẽ phải đi làm thêm, chạy xe ôm... sẽ có những hệ lụy. Việc giảm giờ làm cần có lộ trình để vừa tận dụng được cơ hội, vừa để cho các doanh nghiệp chuẩn bị" - đại diện Hiệp hội Da giày, túi xách phát biểu.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dệt may Việt Nam thì đề nghị cần tăng giờ làm thêm lên 400 - 450 giờ/năm chứ không phải tối đa 300 giờ/năm như hiện hành.

"Doanh nghiệp đang khó khăn, giờ siết thêm về thời gian làm việc, giờ làm thêm, trong khi năng suất lao động thấp thì doanh nghiệp sẽ chết hàng loạt" - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dệt may lo lắng.

Giữ nguyên 48 giờ làm việc một tuần, không tăng giờ làm thêm - Ảnh 3.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc (bìa trái) cho rằng giảm giờ làm/tuần sẽ khiến doanh nghiệp "chết hàng loạt" - Ảnh: Đ.BÌNH

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng doanh nghiệp là "ân nhân" của Chính phủ khi tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Năng suất lao động không cao, tức GDP không cao mà quy định giảm giờ làm thì thật là khó.  

"Giảm còn 44 giờ làm việc/tuần thì doanh nghiệp phải tuyển thêm 10% lao động. Mà hiện bây giờ đến doanh nghiệp Nhật Bản còn khó tuyển lao động thì các doanh nghiệp khác lấy đâu ra lao động để tuyển" - ông Lộc nêu ý kiến.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, "quan điểm của ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Luật lao động sửa đổi thì phải tiến bộ, ổn định, và hài hòa vì người lao động nhưng cũng vì sự phát triển của đất nước, quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp".

Ông Đào Ngọc Dung cho biết ngày 17-9 ông sẽ tiếp tục gặp, làm việc, ăn cơm với công nhân ngành may, giáo viên mầm non xem họ tâm tư gì, nói gì. Sau đó ban soạn thảo sẽ tổng hợp các ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Chính phủ dự thảo luật.

80% người lao động muốn giảm giờ làm 80% người lao động muốn giảm giờ làm

TTO - 80% trong số những người tham gia cuộc khảo sát trên mạng của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý chọn giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên