13/01/2015 10:51 GMT+7

​Tiếp thu ý dân

LÊ THANH TÂM
LÊ THANH TÂM

TT - Kể từ ngày 1-1, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài vào VN có hiệu lực.

Luật mới đi vào cuộc sống chưa được 10 ngày thì các doanh nghiệp du lịch đã than trời bởi các quy định gây khó cho ngành này.

Cụ thể, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế kêu rằng nếu áp dụng theo luật mới, họ gặp phải rắc rối bởi thủ tục quá phiền hà trong việc đưa khách du lịch bằng tàu biển vào VN tham quan ngắn hạn. 

Theo các doanh nghiệp, nếu trước đây chỉ cần một giờ để làm thủ tục nhập cảnh cho du khách thì nay phải mất tới bảy tiếng đồng hồ.

Các doanh nghiệp này còn nói lệ phí thị thực tăng đột ngột từ 5 USD lên 45 USD khiến họ không kịp trở tay, mất đi một khoản thu nhập lớn do hợp đồng được ký kết trước ngày luật mới có hiệu lực.

Trước tình hình như vậy, chỉ ba ngày sau, Văn phòng Chính phủ có ngay văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng về việc tháo gỡ các ách tắc nêu trên.

Thủ tướng còn yêu cầu trong khi chờ sửa đổi về lệ phí thị thực thì áp dụng như cũ, tức 5 USD/người cho khách du lịch nhập cảnh ngắn hạn bằng tàu biển. Động thái này rất được các doanh nghiệp lữ hành hoan nghênh, coi đây là điểm sáng đáng ghi nhận.

Tương tự, cũng từ ngày 1-1, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi có hiệu lực. Luật chưa đến ngày áp dụng nhưng dư luận lên tiếng cho rằng luật sẽ tác động xấu đến không ít bệnh nhân.

Đặc biệt là đối với những người mắc bệnh nan y lại càng bi kịch hơn khi luật quy định giảm chi trả nhiều loại thuốc điều trị ung thư, viêm gan...

Sau khi báo chí nêu sự việc, dưới sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, ngày 30-12-2014 bộ trưởng Bộ Y tế có thông báo bảo hiểm sẽ tiếp tục chi trả bốn loại thuốc chữa trị ung thư đắt nhất như quy định trước đây, thay vì chi trả thấp hơn nhiều theo quy định mới.

Ngày 3-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng gửi thư cho một bệnh nhi ung thư. Trong đó bà Tiến bày tỏ những day dứt, đồng thời thừa nhận mình đang gặp “tình huống khó khăn”.

Dù sửa đổi chưa nhiều nhưng rõ ràng Chính phủ và Bộ Y tế đã lắng nghe tiếng dân, đồng cảm với nỗi đau của người bệnh, từ đó nhanh chóng giải quyết vấn đề ngay trong tầm tay của mình.

Trong một bối cảnh khác hơn, ở tầm thấp hơn, TP Đà Nẵng cũng có điểm sáng đầu năm là rất cầu thị khi tiếp thu các ý kiến phản biện, để rồi dừng dự án xây tòa nhà hải đăng trên sông Hàn.

Như vậy tiếng nói của dư luận được chính quyền Đà Nẵng trân trọng, không như đâu đó nghe xong bỏ ngoài tai.

Chuyện các văn bản pháp luật gây cản ngại cho hoạt động trong thực tiễn không phải là hiếm. Trước đây vẫn từng có, nhưng những bức xúc của dân được phản hồi rất chậm, thậm chí có khi lọt thỏm vào khoảng không im lặng, chẳng thế người đời thường nói “kêu trời không thấu”.

Có lẽ những phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ cũng như chính quyền Đà Nẵng trong những ngày đầu năm 2015 này sẽ là một tín hiệu tốt để chấm dứt lề lối làm việc kiểu “mũ ni che tai”, ai nói mặc ai, vô cảm với những bức xúc đang diễn ra trong cuộc sống.

LÊ THANH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên