Thông tin về việc Trung Quốc muốn thúc đẩy hợp tác với Hungary diễn ra khi hai nước kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao.
Bên cạnh đó, Reuters cũng lưu ý về mối quan hệ nhiều thăng trầm giữa Hungary và Liên minh châu Âu (EU) cũng như NATO.
Theo Tân Hoa xã ngày 19-2, đề nghị hỗ trợ an ninh cho Hungary được Bộ trưởng Công an Trung Quốc Vương Tiểu Hồng đưa ra trong cuộc gặp hiếm thấy với Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuần trước, khi ông Vương thăm Budapest.
Bộ trưởng Công an Trung Quốc bày tỏ hy vọng những nỗ lực như vậy sẽ là "điểm nhấn mới trong quan hệ song phương", cụ thể ở các lĩnh vực như chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia.
Sự hợp tác này cũng sẽ bao gồm việc xây dựng năng lực an ninh và thực thi pháp luật theo Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm mục đích gắn kết Trung Quốc với thế giới thông qua các liên kết thương mại và cơ sở hạ tầng.
Tân Hoa xã cho biết ông Vương cũng gặp Bộ trưởng Nội vụ Hungary Sandor Pinter và ký một số văn bản về thực thi pháp luật và hợp tác an ninh vào ngày 18-2. Song hãng thông tấn Trung Quốc không nêu rõ nội dung các văn bản này.
Lời đề nghị của Trung Quốc được đưa ra khi Hungary đang nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào các nước phương Tây dưới thời ông Orban, Reuters nhận xét.
Thủ tướng Hungary gần đây bày tỏ sự không hài lòng với áp lực về việc phải chấp nhận mở rộng NATO. Hungary hiện cũng là thành viên duy nhất của NATO chưa phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển.
Trong khi đó, quan hệ giữa Trung Quốc và NATO căng thẳng ở một số vấn đề, đặc biệt khi liên minh quân sự này tuyên bố Bắc Kinh "thách thức lợi ích, an ninh và các giá trị của NATO" thông qua "các chính sách cưỡng bức và tham vọng".
Về việc này, truyền thông Trung Quốc đáp lại bằng cách gọi NATO là thách thức "nghiêm trọng" đối với hòa bình và ổn định toàn cầu.
Giới quan sát đánh giá thỏa thuận an ninh với Hungary thể hiện một chiến thắng ngoại giao của Trung Quốc tại EU.
Hiện nay, EU xem Trung Quốc là đối tác quan trọng về kinh tế và thương mại, nhưng cũng bày tỏ nhiều bất đồng với nền kinh tế đứng thứ hai thế giới này.
Châu Âu không ít lần hoài nghi về vấn đề quyền con người cũng như tình trạng mất cân bằng thương mại với Trung Quốc. Ngoài ra, các nước EU cũng cảm thấy Trung Quốc chưa thể hiện vai trò đầy đủ đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Với việc Trung Quốc và Hungary xích lại gần nhau, châu Âu có lý do để lo lắng. Trước đây, Hungary bị cho là đã từng nhiều lần giữ im lặng hoặc phản đối khi EU chỉ trích Trung Quốc, cũng như hoan nghênh các khoản đầu tư của Trung Quốc, bất chấp lời kêu gọi của EU về việc các thành viên cần điều chỉnh quan hệ với Bắc Kinh phù hợp với quan điểm của khối này.
Hungary là nơi đặt cơ sở sản xuất và hậu cần lớn nhất của Tập đoàn Huawei bên ngoài Trung Quốc. Ủy ban châu Âu từng cảnh báo về việc gã khổng lồ viễn thông này "gây rủi ro" cho an ninh EU.
Kể từ năm 2016, Huawei hợp tác với Công ty trí tuệ nhân tạo Yitu Technology có trụ sở tại Thượng Hải để nghiên cứu các giải pháp cho thành phố thông minh, nhằm tăng cường an toàn công cộng và chính sách bằng cách sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và giám sát.
Nhà máy đầu tiên của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD cũng sẽ sớm có mặt tại Hungary, theo Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận