26/12/2024 16:06 GMT+7

Thường xuyên sát hạch để cán bộ 'có vào, có ra'

Nội dung sát hạch cán bộ này được đề cập tại dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ Nội vụ xây dựng, đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Thường xuyên sát hạch để cán bộ 'có vào, có ra' - Ảnh 1.

Công chức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Tại dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng luật, một trong những chính sách được Bộ Nội vụ đề xuất là hoàn thiện quy định về cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đồng thời là cơ chế tạo nguồn, thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong bộ máy của hệ thống chính trị.

Làm tốt mới được đào tạo, thăng tiến

Mục tiêu của chính sách là xây dựng đội ngũ cán bộ công chức tinh thông, chất lượng, đủ đức, đủ tài để phục vụ công cuộc đổi mới đất nước, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Cơ quan lập dự thảo đề nghị đánh giá tác động ba giải pháp và đề xuất lựa chọn giải pháp 1. Với giải pháp 1, Bộ Nội vụ đề nghị sửa đổi, bổ sung bảy nội dung. Bao gồm sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền của cán bộ, công chức được khuyến khích, bảo vệ trong thực hiện nhiệm vụ.

Nghĩa vụ của cán bộ, công chức có trách nhiệm với công việc; năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ.

Nghiêm cấm biểu hiện, hành vi né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao mà không có lý do chính đáng. Cơ chế loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức khi thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo.

Xây dựng cơ chế để bồi dưỡng, sàng lọc, tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng cao ngay từ khi đang ở môi trường học tập. Xây dựng cơ chế sát hạch để thường xuyên sàng lọc đội ngũ trên nguyên tắc "có vào, có ra", "có lên, có xuống"; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ với cơ hội đào tạo, thăng tiến, tiền lương. 

Hoàn thiện chính sách về thu nhập và các chính sách đãi ngộ đủ mạnh để công chức yên tâm công tác, cống hiến; xây dựng chính sách "đột phá" đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.

Lợi cho dân, ngăn chặn tiêu cực

Đánh giá tác động của giải pháp này, Bộ Nội vụ cho hay sẽ giúp tiết kiệm được hàng trăm tỉ đồng mỗi năm từ tình trạng né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định..., chưa kể những chi phí vô hình. 

Đồng thời góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí vật chất, phòng chống tham ô tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua đó người dân, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ việc thu hút được nhân tài vào làm việc trong bộ máy cơ quan nhà nước; văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức.

Bộ Nội vụ cho hay đề xuất này còn tạo cơ sở pháp lý, cơ chế để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. 

Động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng và cách làm đột phá, tháo gỡ giải quyết những điểm nghẽn và nút thắt trong cơ chế chính sách, mang lại giá trị và hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Cùng với đó ngăn ngừa, xử lý nghiêm những cán bộ lợi dụng chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 

Quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của cán bộ công chức sẽ lựa chọn được đúng đối tượng, tăng chất lượng và hiệu quả công việc, giảm các chi phí phát sinh, tạo cơ chế công khai minh bạch, khuyến khích cán bộ công chức tự trau dồi, bồi dưỡng.

Bên cạnh đó tạo động lực, khích lệ ý chí phấn đấu, phát triển nghề nghiệp của mỗi công chức; góp phần phát huy phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tạo bước đột phá trong công tác cán bộ.

 Đối với người dân sẽ tác động tốt đến dư luận thông qua việc tổ chức các kỳ thi công khai, minh bạch, khách quan; sự đồng tình của dư luận xã hội trong việc giảm thiểu thủ tục hành chính.

* Đại biểu Phạm Văn Hòa (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Cần quy định rõ sát hạch thực hiện thế nào

Thường xuyên sát hạch để cán bộ 'có vào, có ra' - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội)

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ giảm rất mạnh bộ máy và con người. Với những người cán bộ, công chức ở lại cần phải tinh - mạnh, thể hiện trách nhiệm và tinh thần làm việc rất cao.

Do vậy việc sàng lọc để loại bỏ những cán bộ công chức không đủ năng lực, trình độ yếu kém, thiếu ý chí và sức khỏe để đảm đương công việc là rất quan trọng.

Hiện nay đã có quy định về việc nhận xét, đánh giá cán bộ công chức theo hằng năm.

Tuy nhiên việc đánh giá ở một số nơi, một số chỗ còn làm hình thức, chưa toàn diện, chưa thực sự sàng lọc, loại bỏ được những cán bộ công chức không đảm bảo chất lượng, yêu cầu công việc.

Do vậy, việc Bộ Nội vụ đề xuất chính sách sát hạch thường xuyên để sàng lọc cán bộ công chức đang làm việc tại các cơ quan nhà nước là rất cần thiết. Tôi đề nghị cần quy định rõ cách sát hạch này sẽ được thực hiện như thế nào, có phải là thủ tục hành chính để ràng buộc cán bộ, công chức không?

Thêm vào đó, cần quy định rõ đối tượng tham gia sát hạch có gồm tất cả cán bộ, công chức hay chỉ ở một nhóm đối tượng nhất định. Thời gian sát hạch, các kiểu sát hạch sẽ thực hiện như thế nào...

Việc này cần quy định rõ để không rườm rà, không máy móc, phức tạp thêm tình hình. Quan trọng nhất là phải xây dựng được các kỳ sát hạch khách quan, công bằng và phải tránh cho được việc lại xảy ra tiêu cực, hình thành cơ chế xin - cho.

Thường xuyên sát hạch để cán bộ 'có vào, có ra' - Ảnh 3.Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng cơ chế sát hạch thường xuyên để sàng lọc đội ngũ cán bộ, công chức

Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng cơ chế sát hạch để thường xuyên sàng lọc đội ngũ cán bộ, công chức trên nguyên tắc có vào - ra, có lên - xuống.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên