Trẻ em vùng cao chơi nhảy dây - Ảnh: GIA TIẾN
Từ xưa, các trò chơi gắn với hoạt động ngoài trời, gần gũi với lao động sản xuất. Dần về sau, đời sống hiện đại làm nảy sinh các loại hình giải trí khiến chuyện chơi cũng "chuyên môn" hơn với các thể loại sân khấu, điện ảnh, ca nhạc thính phòng; đến nay thì có giải trí trên truyền hình, trên Internet và các loại game của thế giới ảo...
Chuyện chơi như vậy ít nhiều ảnh hưởng và làm thay đổi tính cách, tâm sinh lý, các hoạt động giao tiếp của con người. Nhân ngày Tết, Tuổi Trẻ cùng các nhà nghiên cứu bàn về chuyện vui chơi của người dân Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng - Ảnh: L.ĐIỀN
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng: Để không "lậm" vào chuyện chơi
Người Việt có 1 điểm đặc biệt là những trò chơi có tính thuần túy như đánh bài, đánh cờ tướng khi vào Việt Nam phát sinh biến đổi theo hai hướng: cộng đồng hóa: cờ tướng thành cờ người, tổ tôm thành tổ tôm điếm; và thứ hai là trò chơi được trình thức/trình diễn hóa, tức là không gian chơi các trò được mở rộng thành không gian trình diễn cho số đông người tham gia/tiếp nhận.
Hai hướng cộng đồng hóa và trình diễn hóa các trò chơi như vậy cho thấy dân tộc Việt có tính cộng đồng rất mạnh, đó là nội dung chủ đạo trong đời sống. Điều này có từ lâu và trong các cộng đồng dân tộc anh em cũng vậy, các hoạt động vui chơi lễ Tết... chủ yếu diễn ra trong không gian cộng đồng, chứ không diễn ra trong từng nhà riêng lẻ.
Trò chơi xúc xắc (trái) và trống hát bộ (phải) của người Việt đầu thế kỷ XX do tác giả Henri Oger ghi nhận - Ảnh tư liệu
Nhưng đến đầu thế kỷ XX thì chủ nghĩa cá nhân hình thành, lấy cá nhân làm chủ thể. Từ đây, việc vui chơi càng lúc càng nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân hơn là thỏa mãn nhu cầu gia đình, gia tộc hay cộng đồng như lúc xưa.
Cùng lúc đó, những sinh hoạt vui chơi càng lúc càng chuyên nghiệp. Các hoạt động vui chơi được mua bằng tiền, tức là vui chơi có thị trường riêng, trò chơi đùa trở thành hàng hóa. Và điểm chung là nó làm cho xung năng chơi của con người thay đổi từ xung năng chơi nguyên sơ tiến đến trò chơi có luật lệ.
Từ chỗ định chế hóa chuyện chơi, xung năng chơi nguyên sơ dần bị mất đi, con người trở thành người tiêu dùng.
Hoạt động giải trí hiện nay trở thành công nghệ giải trí. Sản xuất game là một ngành kinh tế mạnh nhưng chỉ cần lưu ý chỗ này: các trò chơi hiện đại ấy, thế giới game hiện nay dẫn con người đi đâu? Nếu trong đó những nội dung hơn thua, bạo lực, bằng mọi giá đạt được thắng lợi bất chấp thủ đoạn... thì nguy hiểm cho người chơi và xã hội.
Tôi học được từ một vị sư một câu niệm, không phải niệm Phật mà niệm "Có cần thiết không, có thực sự cần thiết không?". Theo đó, khi muốn làm gì, thậm chí chơi gì, nên trả lời câu ấy để tự xem xét việc làm hay chơi ấy có cần thiết cho đời sống của mình không, để mỗi người không "lậm" vào chuyện chơi.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi - Ảnh: NVCC
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi: Trò chơi hiện đại cá nhân hóa con người đến cực độ
Trong xã hội truyền thống, con người giao tiếp với nhau dạng mặt đối mặt (face to face), như qua các trò chơi dân gian nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí, giao tiếp, sau một khoảng thời gian lao động, nhất là dịp Tết.
Nó nhằm tái tạo sức lao động sau những vụ mùa, giải phóng "năng lượng thừa", đồng thời sáng tạo ra những giá trị văn hóa thông qua cách chơi. Vì thế, kiểu chơi của các dân tộc phát triển không ngừng, biểu hiện qua sự giao lưu giữa các cộng đồng, mà "kéo co", "trung thu", đua ghe ngo trong lễ Ok Om Bok… là những di sản văn hóa phi vật thể.
Trò chơi làm xiếc trên thang của người Việt đầu thế kỷ XX được tác giả Henri Oger ghi nhận - Ảnh tư liệu
Xã hội hiện đại vẫn không thể thiếu nhu cầu "chơi", nhưng được chuyển qua những hình thái mới, biểu hiện trong nhiều lĩnh vực: thể dục thể thao, du lịch, âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, media, game show, mạng xã hội…
Tính "xuyên biên giới" của nó một mặt tăng cường nhận thức của con người về thế giới, sự trao đổi văn hóa. Con người xích lại gần nhau hơn, ví dụ trào lưu "ôm hôn" người lạ trên đường phố. Con người xê dịch nhiều hơn thông qua du lịch, do vậy nhu cầu khám phá thế giới tăng cao, trong đó có trò chơi của các nền văn hóa.
Nhưng mặt khác, những cách chơi hiện đại thông qua công nghệ lại làm cho con người "cá nhân hóa" đến cực độ, thu về trong "cái tôi" dù đang giao tiếp với "thế giới" qua mạng.
Tính cộng đồng trên mạng giờ chỉ là biểu hiện của "tâm lý đám đông", của sự bắt chước, a dua, phô bày cái tôi đã được ảo hóa. Sự chân thật đã không còn, ai cũng muốn mình "lung linh", "huyền ảo" hơn qua những hình ảnh đã được chỉnh sửa bằng các app...
TS Mai Anh Tuấn - Ảnh: NVCC
TS Mai Anh Tuấn: Đã đến lúc nên làm sống lại truyền thống trọng chữ, chơi chữ
Dịch COVID-19 bùng phát trở lại ngay trước thềm năm mới khiến bao người vất vả, bao kế hoạch bán buôn, chơi Tết bị đảo lộn. Nhưng nó cũng là cơ hội cho chúng ta được thưởng một cái Tết nhẹ nhàng, không phải mệt mỏi vì đi lại, giao lưu, thăm hỏi, ăn uống.
Một cái Tết thư nhàn khác lệ thường nhưng nếu "biết chơi" thì vẫn cứ "vui như Tết" được. Ai thích sách vở chữ nghĩa thì Tết này là một cơ hội tốt để được thỏa mãn thú vui khép cửa đọc sách. Ngay cả những ai chưa mấy yêu chữ thì đây cũng là cơ hội để tìm về với chữ.
Đã đến lúc rất nên làm sống lại truyền thống trọng chữ, chơi chữ của ngày xưa. Xin chữ và hiểu nghĩa chữ trong ngày Tết là hẳn sẽ vui lây. Nhiều bạn trẻ hiện giờ cũng tặng quà Tết là sách hay những bức thư pháp.
Nhiều bạn thì chọn thưởng trà, ngắm hoa. Ở một số thành phố, vườn hoa, phố hoa, đường hoa là những nơi chốn không quá xô bồ, chen lấn, có thể đem lại cảm giác thư thái và hợp với không khí du xuân.
Ở các làng quê thì có thể nghĩ tới việc dựng lại những trò chơi truyền thống. Nếu lâu ngày về quê, cha mẹ nên dành thời gian để kể về những ký ức thời thơ ấu hay dạy lại những trò chơi dân gian như chơi đánh chuyền, chơi ô ăn quan, chơi pháo đất… Lúc ấy, gia đình và ngôi nhà sẽ trở thành trung tâm của sum họp, vui vầy, là nơi chốn vui vẻ và nhẹ nhõm cho mỗi người.
Hay những ngôi chùa làng, chùa phố nhỏ xinh gần nhà chất bao ký ức của làng, của phố bấy lâu thường bị quên lãng thì Tết này cũng nên được xếp vào lịch tản bộ vãn cảnh của người làng, người phố.
Mỗi người, ít hay nhiều, đều nên chọn một thời khắc tĩnh lặng trong ba ngày Tết. Chỉ khi để thân tâm mình tĩnh lặng, sự tinh khiết và tươi tắn của mùa xuân, của ngày Tết mới thấm sâu vào chúng ta.
THIÊN ĐIỂU ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận