>> Kỳ 1: Thăm xứ sở “cá, cây và bướm”
>> Kỳ 2: Một ngày ở Miraflores Locks
>> Kỳ 3: “Cá sấu không ăn thịt cá sấu”
>> Kỳ 4: Sinh viên Việt ở Panama
Người nghiên cứu, kẻ mưu sinh
Khi đến thành phố tự do thương mại Colón, chúng tôi gặp những bạn trẻ đồng hương từ VN sang làm việc tại Panama trong khu lưu trữ hàng hóa của các công ty quốc tế.
Phạm Minh Tuấn (quê Thái Bình) sang Panama được một năm cho biết: “Tôi làm nhân viên kiểm soát hàng hóa ở kho bãi với thời gian làm việc mỗi ngày từ 7g30-17g”.
Công việc của Minh Tuấn chủ yếu là theo dõi các chứng từ kiểm kê xuất nhập hàng hóa lưu trữ trong kho.
Làm việc cần cù và có trách nhiệm nên mỗi khi chủ vắng mặt, Tuấn được tin tưởng giao phó ký các quyết định xuất hàng.
Là thanh niên độc thân nên sau giờ làm việc Tuấn phải tự đi chợ nấu ăn. Việc giải trí của anh chủ yếu là lên mạng xem phim hoặc đọc các báo điện tử để biết tin tức từ quê nhà.
Trong khi đó, Nguyễn Văn Khoản thì chân ướt chân ráo sang Panama từ giữa năm 2014. Công việc ổn định nhưng thử thách chính là... nỗi cô đơn. Colón tuy tấp nập thương thuyền, hoạt động làm ăn buôn bán sôi động nhưng vẫn là một nơi chốn có không gian bình lặng.
“Thỉnh thoảng cuối tuần tôi đón xe đò lên thủ đô Panama chơi, ăn uống và mua sắm. Chiều chủ nhật về lại Colón để sáng thứ hai bắt đầu một tuần làm việc mới”, Khoản cho biết.
Ở thủ đô Panama City, chúng tôi gặp ông Phạm Mạnh Thắng, kỹ sư của Công ty CP đầu tư và phát triển công nghệ ĐH Xây dựng (NUCETECH - Hà Nội), sang Panama để tìm kiếm cơ hội hợp tác với nước bạn về công nghệ ứng dụng xây dựng.
“Tốc độ đô thị hóa ở Panama rất mạnh và nước này có nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng khá lớn. Chính vì vậy mà chúng tôi muốn tìm hiểu thị trường, trao đổi kinh nghiệm xây dựng và nhất là làm vai trò tư vấn, chuyển giao các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến về sửa chữa sàn móng bêtông cốt thép, mặt cầu đường, các công trình kỹ thuật dân dụng...” - kỹ sư Thắng cho biết.
Doanh nhân Lê Thế Tâm trao đổi với các nhân viên bản xứ tại cửa hàng VIETPA S.A. - Ảnh: TR.N. |
Xây dựng thương hiệu Việt
Những năm trước đây có một số công ty VN sang Panama tìm kiếm cơ hội kinh doanh nhưng rồi chỉ trụ được một thời gian ngắn là rút lui.
Panama là nơi “thuyền to thì sóng to”, hấp dẫn các nhà đầu tư bởi vị trí địa lợi và chính sách thông thoáng, nhưng cũng chính vì vậy mà hoạt động kinh doanh chịu sức ép cạnh tranh rất khốc liệt. Khu thương mại tự do Colón (ZLC) ở thành phố này có tới 3.000 công ty mà 2/3 trong số này là công ty nước ngoài.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Colón có một công ty chủ người gốc Ấn Độ, vợ người Việt, kinh doanh đủ mọi mặt hàng máy móc nông nghiệp, công nghiệp, đồ đạc nhà cửa.
Còn công ty VN có chủ và điều hành hoàn toàn bởi người Việt là Công ty VIETPA S.A.. Đây chính là công ty VN đầu tiên đăng ký và được cấp phép hoạt động tại ZLC tháng 3-2007.
VIETPA S.A. chuyên nhập khẩu vào Panama các mặt hàng vật liệu xây dựng, đồ trang trí nội thất, giày dép sản xuất từ VN để bán cũng như chuyển hàng đi các thị trường Trung và Nam Mỹ như Chile, Bolivia...
Thông qua trang mạng của Bộ Công thương VN, PV Tuổi Trẻ liên lạc và hẹn gặp được ông Lê Thế Tâm, tổng giám đốc VIETPA S.A., tại thủ đô Panama.
Công ty của ông Tâm có cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm ở đường Espana (Panama City), đồng thời có kho chứa hàng hóa rộng 2.500m2 ở Colón.
Ngoài ra, cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm VIETPA S.A. thứ hai nằm ngay giữa khu ZLC. Bên ngoài cửa hàng có dòng chữ lớn: “Hàng sản xuất tại Việt Nam, chất lượng đảm bảo”.
Ông Thế Tâm giải thích: “Muốn thắng các đơn vị cạnh tranh khác thì sản phẩm của VN bắt buộc phải có chất lượng cao” và cho biết mặt hàng chủ lực của công ty là cung cấp gạch lát cao cấp cho các công trình xây dựng ở Panama.
Để “bám trụ” được ở xứ thương thuyền tấp nập với vô vàn gian nan, VIETPA S.A. buộc phải chấp nhận lỗ những năm đầu khi trả phí gia nhập ZLC cũng như chấp hành quy định thuê từ năm nhân viên bản xứ trở lên làm việc cho công ty.
Để thành công trên đất khách, ông Tâm cho rằng cần hội đủ các yếu tố như chọn đúng mặt hàng, địa điểm kinh doanh, sử dụng nhân viên bản xứ tiếp thị và bán hàng, có chiến lược lâu dài và người chủ phải thông thạo tiếng Tây Ban Nha! Đây là điều ông Tâm sở hữu do có quá trình bảy năm học ngành xây dựng ở Cuba (1976-1982).
Người đàn ông thường xuyên có mặt trong các hoạt động cộng đồng người Việt ở Panama này chia sẻ với chúng tôi rằng duyên cuộc đời ông là gắn liền với ngành xây dựng.
Từng là giảng viên ĐH Xây dựng Hà Nội, đến thập niên 1990 ông Tâm sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh và kinh doanh buôn bán. Năm 2003 ông Tâm trở lại Cuba kinh doanh một thời gian rồi đến Panama từ năm 2006 đến nay.
Ông Tâm nhìn nhận: “Nhìn chung Panama có môi trường kinh doanh khá tốt cho người kinh doanh vật liệu xây dựng bởi tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng và công trình tổ hợp ở đây. Tuy nhiên trong cơ hội bao giờ cũng có thử thách bởi kinh doanh ở Panama có quá nhiều sự cạnh tranh”.
Dù vậy, người đàn ông từng trải, giàu kinh nghiệm làm ăn từ châu Mỹ đến châu Âu và có phong cách nói chuyện hoạt bát này khá tự tin với nỗ lực gầy dựng và duy trì thương hiệu Việt trên eo đất hẹp Trung Mỹ.
“Không chỉ bán vật liệu, sản phẩm Việt, tôi còn mơ ước và đã bắt tay vào ý tưởng mang công nghệ và kỹ thuật xây dựng VN sang ứng dụng tại Panama”, ông Tâm hi vọng.
Theo Bộ Công thương VN, Hiệp định Hợp tác kinh tế và thương mại giữa VN và Panama đã được ký năm 2013, là cơ sở thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước, đặc biệt là về xây dựng cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và hàng hải. Panama là đối tác thương mại lớn thứ ba của VN ở khu vực châu Mỹ Latin, kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 250 triệu USD/năm, trong đó Việt Nam xuất siêu khoảng 230 triệu USD. Các mặt hàng Panama nhập khẩu từ VN là máy móc nông nghiệp, gỗ, dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận