26/09/2014 10:45 GMT+7

​Một ngày ở Miraflores Locks

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TT - Choáng ngợp về sự kỳ vĩ là cảm giác của chúng tôi khi tận mắt thấy những chiếc tàu dài hàng trăm mét chất container cao ngất ngưởng đi qua kênh đào Panama.

Du khách hào hứng quan sát tàu qua kênh đào Panama - Ảnh: TR.N.
Du khách hào hứng quan sát tàu qua kênh đào Panama - Ảnh: TR.N.
Công nhân kỹ thuật trên xe chuyên dụng nối dây “hộ tống” tàu đi qua các tấm đập thép ngăn nước ở trạm Miraflores Locks - Ảnh: TR.N.
Công nhân kỹ thuật trên xe chuyên dụng nối dây “hộ tống” tàu đi qua các tấm đập thép ngăn nước ở trạm Miraflores Locks - Ảnh: TR.N.

 

 

Kỳ quan Panama

Cô Marta Delgado Marzo, quê ở Vigo, vùng Galicia (Tây Ban Nha), người từng dạy học ở Hà Nội gần ba năm (2007-2009) bay đến Panama tình cờ cùng ngày với chúng tôi. Mục đích chuyến đi của cô Marta là thăm bạn bè nhưng điều đầu tiên cô làm chính là đi chiêm ngưỡng kỳ quan kênh đào. “Đây là điều thú vị đáng nhớ với tôi” - Marta bảo.

Kênh đào Panama là địa danh mang tính biểu tượng được người nước ngoài “ưu tiên số 1” khi đến quốc gia này. Với chiều dài khoảng 80km xẻ ngang Panama nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, mọi người có thể quan sát vẻ đẹp của kênh đào từ nhiều nơi. Tuy nhiên ông Carlos Caballero bảo chúng tôi: “Chiêm ngưỡng kênh đào từ Miraflores Locks là thuận lợi nhất”.

Mở rộng kênh đào

Dự án mở rộng và hiện đại hóa kênh đào Panama bắt đầu từ năm 2007, dự kiến hoàn thành cuối năm 2015 với chi phí 6,5 tỉ USD. Dự án tăng gấp đôi công suất kênh đào, cho phép các con tàu khổng lồ đi qua, giải quyết được sự “lạc hậu” của kênh đào hiện tại. Kênh đào Panama mở rộng cũng nâng tính cạnh tranh khi tại Nicaragua người Trung Quốc đã hợp tác khởi công một công trình kênh đào mới nối thông hai đại dương.

Buổi sớm thành phố Panama rực nắng. Từ bến xe trung tâm Albrook (Gran terminal de transporte de Albrook), chúng tôi leo lên chiếc xe đò bình dân Diablo Rojo để đi đến trạm điều hành kênh đào phía nam Miraflores (trạm phía bắc là ở hồ lớn Gatun gần thành phố Colon).

Muốn vào bên trong Miraflores Locks, khách phải mua vé. Nếu như người dân Panama chỉ tốn 3USD thì người nước ngoài phải móc hầu bao ra 15USD để được tận mắt xem tàu bè qua trạm như thế nào.

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, bà Anayansi Scott - nhân viên ở Miraflores Locks - cho biết: “Hằng ngày có khoảng 1.500 khách và mỗi năm gần nửa triệu người đến đây. Lượng khách đến xem kênh đào vẫn tăng đều 5% mỗi năm”.

Bà Anayansi Scott là người cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu tìm hiểu về kênh đào của khách đến, hướng dẫn họ vào rạp chiếu phim 3D mini ở đây để xem bộ phim tư liệu về quá trình xây dựng kênh đào. Sau đó, mọi người sẽ lên tầng hai hoặc ba và bốn của tòa nhà trung tâm để quan sát toàn cảnh khu vực.

...Trước mắt chúng tôi là một không gian rộng mở giữa hồ Miraflores. Nó được nối đến hồ Gatun vốn là nguồn cung cấp nước ngọt cho Panama và là “lá phổi” bảo vệ hệ sinh thái của đất nước này. Hồ Gatun có mực nước cao 26m hơn mực nước biển nên đặt ra bài toán hóc búa cho việc xây dựng kênh đào: làm thế nào để đưa tàu bè qua lại nhịp nhàng với độ chênh mực nước như thế?

Tiếng loa phóng thanh phát lên từ tòa nhà cho biết từ đầu giờ chiều sẽ có nhiều tàu đi qua Miraflores. Sau thời gian chờ đợi, đám đông bắt đầu chộn rộn hẳn lên khi thấy chiếc tàu tên Zim Barcelona rộng 32m, dài 294m mang quốc tịch Israel chở hàng trăm container chất làm sáu tầng cao sừng sững xuất hiện, từ từ tiến vào trạm Miraflores của kênh đào.

Khi cập lối đi qua trạm được xây vách bêtông hai bên, Zim Barcelona được câu nối dây thép với tám chiếc xe chuyên dụng chạy cố định trên thanh ray song song hai bên bờ kênh. Các xe này làm nhiệm vụ dẫn tàu đi qua trạm theo đường thẳng cố định vị trí và an toàn.

Câu trả lời về việc giải quyết độ chênh mực nước sẽ được giải đáp sau khi chứng kiến sự vận hành của hệ thống khóa nước khổng lồ. Các tấm đập thép ngăn dòng nước lần lượt được mở ra, đóng vào để quân bình độ chênh lệch của nước hồ Miraflores tuần tự theo ba bước. Đây chính là điểm độc đáo của kênh đào Panama, thể hiện khối óc chinh phục tự nhiên và trình độ kỹ thuật của con người ở thế kỷ 19.

Buổi chiều hôm ấy, những con tàu Cosco Santos (quốc tịch Hong Kong), Wallenius Wilhelmsen (quốc tịch Phần Lan)... đều là tàu chở hàng có chiều dài trên 250m lần lượt đi qua Miraflores. Với tiền phí mỗi con tàu qua kênh Panama (có thể kèm dịch vụ hậu cần, lưu cảng...) phải trả từ 70.000-300.000 USD, rõ ràng hoạt động của kênh đào mang lại nguồn thu lớn hàng đầu cho ngân sách Panama (1 tỉ USD/năm), tạo ra 10.000 việc làm, đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế nước này.

Niềm tự hào thiêng liêng

Người Panama rất tự hào về kênh đào khi họ có đến hai bảo tàng: một ở Miraflores Locks (bảo tàng nhỏ) và một ở phố cổ Casco Viejo (bảo tàng chính thức) để lưu lại mọi dấu ấn lịch sử về công trình “kỳ quan thế giới hiện đại” này.

Tại bảo tàng nhỏ ở Miraflores, chúng tôi không khỏi trầm trồ trước những kỷ vật còn lưu giữ lại trong quá trình xây dựng như gạch đá, cốt thép, các loại máy móc... được bảo tồn cẩn thận suốt cả thế kỷ.

Các bức ảnh đen trắng tư liệu công trường được phóng lớn trên tường, các hình nhân tái hiện cảnh công nhân xây dựng “đập đá đào đường”... bộc lộ giấc mơ của con người về việc làm một tuyến đường thủy cắt ngang Panama vốn có từ khi người Tây Ban Nha đến vùng đất này (đầu thế kỷ 16).

Còn ở bảo tàng chính thức Museo del Canal tại Casco Viejo (giá vé tham quan là 2USD), trưng bày đầy ắp tư liệu về muôn vàn khó khăn trong quá trình đào kênh (người Pháp mới triển khai dự án năm 1880 nhưng đến năm 1899 phải “bỏ của chạy lấy người” vì thiếu hụt tài chính, phương tiện kỹ thuật và dịch bệnh hoành hành), thay thầu đổi chủ (người Mỹ xây tiếp từ năm 1904 và khánh thành kênh đào ngày 15-8-1914). Có thể nói mỗi kilômet kênh đào đều lưu xương máu của các công nhân xây dựng (tổng cộng khoảng 27.500 người chết!).

“Chính vì thế mà chúng tôi rất tự hào về kênh đào và xem đó là báu vật thiêng của quốc gia”, bà Anayansi Scott với thâm niên 29 năm làm việc ở trạm khóa nước Miraflores Locks nói. “Xin các bạn đừng quên việc nhân dân chúng tôi đã không ngừng đấu tranh giành lại chủ quyền quản lý kênh đào Panama từ tay nước ngoài. Cuộc đấu tranh cam go này thành công kể từ ngày 31-12-1999. Kể từ đó, chúng tôi không ngừng nâng cao trình độ quản lý, hiệu quả điều hành nhằm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách quốc gia”.

Ông Ruben Cowan, làm nghề tài xế ở thủ đô, nói ông rất hài lòng khi “nguồn doanh thu từ kênh đào được chính phủ trích dùng để xây trường học, cơ sở y tế, bệnh viện phục vụ nhân dân”.

_____________

Kỳ tới: “Cá sấu không ăn thịt cá sấu”

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên