28/09/2014 11:00 GMT+7

Sinh viên Việt ở Panama

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TT - Chưa có bất cứ nguồn tài liệu nào về du học sinh VN ở xứ sở tí hon và xa vời vợi như Panama.

Bá Duy (bìa trái) tận dụng cơ hội tiếp xúc với người bản xứ để nâng cao khả năng tiếng Tây Ban Nha - Ảnh: Tr.N
Bá Duy (bìa trái) tận dụng cơ hội tiếp xúc với người bản xứ để nâng cao khả năng tiếng Tây Ban Nha - Ảnh: Tr.N

 

 

 

Nhờ mạng xã hội, PV Tuổi Trẻ liên lạc được với một chàng trai VN mới 21 tuổi đang du học tại xứ kênh đào.

“Trên đầu ngón tay”

Ở homestay với người Panama

Các du học sinh Việt thường thuê phòng sống chung với chủ nhà người Panama và thường gặp khó khăn ban đầu vì sự khác biệt văn hóa, lối sống. Nhưng du học sinh Việt nỗ lực sinh hoạt hòa nhập với nếp sống gia đình bản xứ và được tôn trọng. Nguyễn Bá Duy sống chung với một gia đình người Panama chồng làm bác sĩ, vợ là chủ tiệm làm tóc thời trang. “Họ rất bận và thường quay về nhà vào tối khuya. Dù vậy họ luôn coi tôi như con trai trong gia đình, chỉ cần tôi có ý thức sống ngăn nắp! Nhờ nói chuyện với chủ nhà mỗi ngày, tiếng Tây Ban Nha của tôi được cải thiện rất nhiều”.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, số lượng du học sinh VN ở thủ đô Panama City đếm được trên đầu ngón tay: Lê Vinh học ở Trường ĐH Công nghệ Panama (Universidad Tecnologica de Panama), Nguyễn Bá Sơn ở ĐH Liên Mỹ Panama (Universidad Interamericana de Panama), Lê Thế Quang học Trường Quốc tế Panama... Tất cả hiện sống cùng gia đình, hoặc có gia đình từng làm việc tại Panama thời gian trước đây.

Riêng Hoàng Anh Minh sang Panama từ năm 2010 học ngành thương mại quốc tế, nhưng tốt nghiệp xong đã theo gia đình chuyển sang Canada. Còn Nguyễn Thanh Tùng học ngành tài chính ngân hàng thì trở về VN hồi tháng 5-2014.

Chàng trai Việt chúng tôi tình cờ biết qua Facebook là Nguyễn Bá Duy, hiện là sinh viên (SV) năm 4 ngành thương mại quốc tế (Comercio Internacional) Trường ĐH Liên Mỹ Panama.

Gặp nhau tại khu vực El Cangrejo (quận Bella Vista) - nơi Duy ở trọ và đi học, anh cho biết: “Tôi sang Panama từ tháng 7-2008. Sống ở đây sáu năm, điều tôi thích nhất là sự yên bình của đất nước này. Mỗi khi giới thiệu mình là người VN, giáo viên và SV bản xứ lẫn SV quốc tế đều tỏ sự bất ngờ bởi VN quá xa Panama và người Việt tại đây quá ít ỏi”.

Duy tiết lộ học phí khoảng 3.000 USD/năm, cộng sinh hoạt phí mỗi tháng tại Panama là 450 USD, trong đó 250 USD tiền thuê phòng, 200 USD đi chợ nấu ăn và các khoản phí nhỏ phát sinh ở trường hay mua vé đi lại.

“Thật lòng mà nói, việc học tại Panama không quá khác biệt so với VN. Chất lượng giáo dục chỉ ở mức khá, không phải là điểm đến lý tưởng của du học sinh các nước - Duy nhận xét - Dù vậy, có khá nhiều điều bổ ích và thú vị mà tôi cảm nhận được. Người VN có câu “học phải đi đôi với hành”.

Giảng viên ở Panama luôn cố gắng làm hấp dẫn những tiết học lý thuyết khô khan bằng cách giải thích kiến thức thông qua những ví dụ thực tế, tổ chức cho SV xem phim tài liệu, tham quan dã ngoại, khảo sát thực tế...”.

Các trường đại học thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo, hội chợ có sự góp mặt của các chuyên gia trong từng lĩnh vực để SV có cơ hội lắng nghe, thảo luận và trò chuyện, nâng cao kiến thức của mình. “Nhờ vậy chúng tôi có cơ hội tiếp thu và nắm bắt kiến thức sâu hơn” - Duy hài lòng cho biết.

Lý thú nhất, theo Duy kể, chính là những buổi... SV dạy giảng viên học! Nghĩa là giảng viên chủ động “đổi vị trí” với SV bằng cách đưa đề tài cho họ tự nghiên cứu, sau đó đến giờ học SV đứng lên thuyết trình “giảng” cho giáo viên nghe.

Sự hoán đổi này mang đến rất nhiều tiếng cười vui nhộn nơi lớp học, đồng thời khiến SV tiếp thu rất chủ động, hiểu rõ bài học. Còn giảng viên Panama thì nắm bắt ngay được SV đã rành kiến thức gì và chưa thông điểm gì trong bài học để truyền đạt hiệu quả cho SV.

Mặc dù việc học không quá nặng nề, nhưng vào những thời điểm các bài thi cuối kỳ, bài thuyết trình “tấn công” dồn dập với cường độ 2-3 bài mỗi ngày trong suốt tuần, Duy nheo mắt nói “đó là thử thách không hề đơn giản đối với một du học sinh mà tiếng Tây Ban Nha không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ như tôi”.

“Sứ giả” quảng bá VN

Du học sinh Việt tại Panama thường bận rộn với việc học cả tuần và chỉ dành dịp cuối tuần cùng nhau giải trí bằng cách đi dã ngoại, xem phim, tụ tập ở nhà ai đó chơi game hay la cà ngồi uống cà phê vỉa hè.

Họ dễ dàng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống nơi đất khách quê người với các bạn SV bản xứ bởi tính cách thân thiện trong máu người Panama.

Jorge Vanurio, một SV địa phương ở Trường ĐH Liên Mỹ Panama có dịp gặp gỡ phụ huynh người Việt và chơi thân với SV Việt, đánh giá: “Người VN khá cởi mở, SV Việt học rất giỏi những môn tự nhiên như toán, lý, hóa và nói tiếng Anh tốt”.

Dù quá ít ỏi nhưng thành tích học tập của du học sinh Việt ở Panama là đáng ghi nhận. Lê Vinh (sinh năm 1995) từng đỗ thủ khoa khi thi vào Trường ĐH Công nghệ Panama và học năm nhất từ đầu năm 2014 (các trường hệ công lập Panama thường bắt đầu niên học vào tháng 3 và kết thúc vào tháng 12). Phụ huynh cho biết ước mơ của Vinh là trở thành kỹ sư xây dựng trên xứ người.

Trong khi đó, Lê Thế Quang (sinh năm 1997) - học sinh Trường Quốc tế Panama - xuất sắc giành huy chương vàng Giải Vật lý quốc gia Panama vào tháng 9-2013.

Du học sinh VN cũng tích cực quảng bá về quê hương với bạn bè quốc tế. Fabio Morello, SV người Ý theo học ngành quản trị kinh doanh ở Panama City, cho biết: “Tôi thích chơi thân với du học sinh Việt tại Panama. Họ khiến tôi nung nấu ý định một ngày nào đó đi đến VN để tận mắt chứng kiến những điều tuyệt vời mà các bạn từng kể tôi nghe”.

Để vun đắp thêm những thiện cảm quốc tế ấy, các du học sinh Việt tận dụng những dịp rảnh rỗi, chịu khó đi chợ châu Á mua thực phẩm về nấu những món ăn như bún, phở, nem rán và mời bạn bè, thầy cô, chủ nhà người Panama cùng thưởng thức.

“Rất dễ ăn, hương vị đậm đà và bổ dưỡng là những gì mà bạn bè Panama nhận xét về món ăn VN” - Bá Duy tự hào nói.

Ông Rodolfo Samuda, giảng viên Trường ĐH Liên Mỹ Panama, bày tỏ sự ngạc nhiên khi được học trò VN tặng một cuốn sách và DVD giới thiệu về đất nước hình chữ S ở châu Á.

Thầy Rodolfo cho biết phần lớn người Panama chỉ biết tới VN qua hai cuộc chiến tranh trước đây. Nhắc đến VN là nhắc đến khói lửa chiến tranh. “Nhưng nhìn thấy hình ảnh VN ngày nay là một đất nước xinh đẹp, hòa bình và phát triển thì trong suy nghĩ của tôi VN đã thay đổi hoàn toàn”.

Tháng 12 tới Nguyễn Bá Duy sẽ tốt nghiệp bằng cử nhân thương mại quốc tế. Anh nói: “Có nhiều người khuyên tôi nên thử cơ hội ở lại Panama sinh sống và làm việc. Nhưng tôi chỉ muốn quay về quê hương VN để làm việc và để... yêu!”.

_________

Kỳ cuối: Thương hiệu VIETPA và Việt Nam

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên