19/01/2020 09:34 GMT+7

Thư viện Hoàng Sa và trái tim người Việt

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Sáng nay 19-1-2020, hàng triệu trái tim người Việt sẽ hướng về một quần đảo Hoàng Sa thân yêu của Tổ quốc.

Thư viện Hoàng Sa và trái tim người Việt - Ảnh 1.

Đông đảo người dân và học sinh đến tìm hiểu tư liệu về biển đảo tại Nhà trưng bày Hoàng Sa - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Đã 46 năm trôi qua kể từ ngày Trung Quốc nổ súng cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa, chưa bao giờ quần đảo Hoàng Sa thân yêu vắng bóng trong tâm thức chủ quyền của người dân nước Việt.

Trong chiều 18-1, UBND huyện Hoàng Sa và báo Tuổi Trẻ cùng chung tay phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa. Cùng với nhà trưng bày Hoàng Sa, Thư viện Hoàng Sa là nơi tiếp nhận, lưu giữ và phát huy những sách vở tài liệu với mục đích xác định quần đảo thiêng liêng này thuộc chủ quyền Việt Nam.

Hơn 10 năm trước, một người Việt sống ở Ý - anh Trần Doãn Trang, kỹ sư của Hãng ôtô Fiat, du học từ trước 1975, biết được trong nhiều tu viện cổ của nước Ý có những cuốn sách địa lý xuất bản cách nay vài thế kỷ viết rất rõ rằng Hoàng Sa thuộc Vương quốc An Nam. 

Một trong những cuốn sách quý báu ấy là cuốn Compendio di Geografia (Địa lý thế giới) của nhà nghiên cứu địa lý lừng danh Adriano Balbi, được xuất bản gần 200 năm về trước. Hiện trên khắp nước Ý chỉ còn lại vài cuốn mà nhờ bạn bè, anh Trần Doãn Trang đã tìm được tung tích một cuốn trong Tu viện Santa Maria al Monte của dòng Francescano. 

Với sự cố gắng móc nối của anh Trang, bản gốc nhiều cuốn sách quý ấy đã về được Việt Nam.

Nỗi xúc động ấy của anh Trần Doãn Trang cũng giống như khi kỹ sư Trần Thắng ở Hoa Kỳ khi tìm mua những tấm bản đồ, những bộ atlat đem tặng huyện đảo Hoàng Sa! Đấy là những bản đồ cho thấy địa giới đất nước Trung Quốc hoàn toàn không có sự hiện diện của Hoàng Sa.

Lúc đó, ngay khi phát hiện ra những tấm bản đồ quý giá nói trên, Thắng đã xin nghỉ phép ở công ty và lái xe hơn 4 giờ từ Connecticut lên New York để kịp tận mắt nhìn thấy những tấm bản đồ Trung Hoa mà cực nam của nó giới hạn chỉ tới đảo Hải Nam, ở đó không hề có in Hoàng Sa và Trường Sa trong vòng lãnh giới chủ quyền của họ. 

Và rồi với tất cả trách nhiệm của một người con nước Việt, kỹ sư Trần Thắng đã dốc túi để mua ngay những tấm bản đồ ấy bởi anh lo ngại những kẻ có dã tâm sẽ mua mất những tấm bản đồ quý giá này!

Nỗi xúc động ấy cộng với niềm vui của hàng triệu người Việt khi thông tin về tấm bản đồ do tiến sĩ Mai Hồng công bố hay việc tìm thấy tờ lệnh Hoàng Sa của gia tộc họ Đặng ngoài đảo Lý Sơn, những công văn của triều Nguyễn liên quan đến Hoàng Sa mà nhà nghiên cứu Phan Thuận An may mắn tìm được. 

Đó còn là hàng trăm người dân Việt đã có một thời gắn bó với Hoàng Sa, người lính thủy, anh cán bộ khí tượng... đã mang kỷ vật đời người, những trang nhật ký, hiến tặng cho nhà trưng bày.

Việc xây dựng Thư viện Hoàng Sa những ngày này không còn là câu chuyện về một nơi lưu giữ sách vở hay tài liệu. Đó là nơi chứa đựng tấc lòng đau đáu của hàng triệu người Việt trĩu nặng yêu thương, khắc khoải về núm ruột của Mẹ Việt Nam giữa trùng khơi bão tố, để "Hẹn ngày mai gặp lại Hoàng Sa" - câu nói dự kiến được khắc trên tượng đài "Người Mẹ" ở đảo Lý Sơn.

Góp tư liệu cho Góp tư liệu cho 'cột mốc chủ quyền' Hoàng Sa

TTO - Bồi đắp thêm những tư liệu, hiện vật, công trình nghiên cứu vào 'cột mốc chủ quyền'. Đây là thông điệp được phát đi từ buổi phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa, do UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức chiều 18-1.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên