19/03/2022 14:54 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục ban hành chiến lược tổng thể thích ứng với COVID-19

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo khẩn trương ban hành chiến lược tổng thể, kế hoạch hành động của ngành giáo dục thích ứng với tình hình dịch COVID-19 trước ngày 31-3.

Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục ban hành chiến lược tổng thể thích ứng với COVID-19 - Ảnh 1.

Học sinh Hà Nội sát khuẩn tay trước khi vào trường - Ảnh: NAM TRẦN

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu một số bộ, trong đó có Bộ Giáo dục và đào tạo, báo cáo các vấn đề theo kiến nghị của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng).

Trong văn bản, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách, rà soát, thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế về các vấn đề đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và thông tin tới đại biểu, các cơ quan liên quan biết.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu bộ này khẩn trương ban hành chiến lược tổng thể, kế hoạch hành động của ngành giáo dục thích ứng với tình hình dịch COVID-19 trước ngày 31-3-2022.

Bộ cũng phải bám sát tình hình dịch ở các nhà trường, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế kịp thời cập nhật và tổ chức thực hiện nhất quán các quy trình, hướng dẫn trong tổ chức dạy và học; chủ động phòng chống dịch COVID-19, bảo đảm dạy và học an toàn, hiệu quả, phù hợp.

Thủ tướng còn yêu cầu bộ này phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương cập nhật, sửa đổi bổ sung quy định về xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế với học sinh, sinh viên phù hợp với tình hình mới.

Trước đó, tại nghị trường cũng như trong chất vấn gửi Bộ Giáo dục và đào tạo, bà Nguyễn Thị Kim Thúy đã nhiều lần nêu rõ, đại dịch COVID-19 bùng phát đã 2 năm nay nhưng bộ dường như chưa có những động thái thể hiện tầm nhìn dài hạn để ứng phó với dịch.

Nhiều kế hoạch, đề án của bộ chưa thể hiện sự quan tâm đến hoàn cảnh đại dịch. Trong 2 năm qua, bộ cũng chưa đánh giá khả năng thực hiện dạy học trực tuyến ở các địa phương, chưa có biện pháp vận động hỗ trợ phương tiện dạy và học trực tuyến cho những vùng và những đối tượng gặp khó khăn. Học sinh nghèo không có phương tiện để học trực tuyến.

Đường truyền ở nhiều vùng yếu và không ổn định khiến thầy và trò gặp rất nhiều khó khăn. Giáo án dạy học trực tuyến chủ yếu do giáo viên tự làm, chưa được hướng dẫn chu đáo để bảo đảm chất lượng đồng đều giữa các trường, các lớp.

Theo đại biểu Thúy, việc kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học trong hoàn cảnh đại dịch chưa có phương án ứng phó với nhiều cấp độ dịch khác nhau.

Về văn bản quy phạm pháp luật, bộ mới ban hành thông tư về dạy học trực tuyến ở cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên mà chưa có văn bản quy phạm pháp luật về dạy học trực tuyến ở cơ sở giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, các bộ cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục, quản lý nhà nước về giáo dục; về cơ sở dữ liệu, việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị, cơ quan trong ngành giáo dục và ngành giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia; về tiêu chí kỹ thuật của các nền tảng số dùng trong ngành giáo dục...

Những văn bản này không chỉ đáp ứng yêu cầu của chiến lược chuyển đổi số nói chung mà còn thể hiện sự thích nghi và hỗ trợ dạy học trực tuyến.

Ngoài ra, đại biểu Thúy chỉ rõ, Bộ Giáo dục và đào tạo đã không thực hiện nhiệm vụ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa như quy định tại nghị quyết số 88 của Quốc hội và quyết định số 404 ngày 27-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Bà cho rằng, bộ đã có những khuyết điểm gây tác động tiêu cực đến việc thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa...

Trước phản ánh của đại biểu Quốc hội và báo chí, bộ không thực hiện kiểm tra, thanh tra, để hiện tượng này kéo dài, gây bức xúc trong dư luận giáo viên, làm giảm niềm tin của giáo viên và xã hội về đổi mới chương tình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Mặt khác, bộ không chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam (doanh nghiệp trực thuộc bộ) tiếp thu, giải trình ý kiến của công luận, kịp thời điều chỉnh những vi phạm về Luật sở hữu trí tuệ và những sai sót nghiêm trọng về giáo dục, về khoa học trong sách giáo khoa của nhà xuất bản này.

Trong thư gửi Thủ tướng, bà Thúy kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo bộ khắc phục các hạn chế, khuyết điểm đã nêu trên.

Thủ tướng tiếp tục yêu cầu Bộ Y tế kiểm điểm việc chậm mua vắc xin trẻ em Thủ tướng tiếp tục yêu cầu Bộ Y tế kiểm điểm việc chậm mua vắc xin trẻ em

TTO - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phải kiểm điểm việc chậm trễ mua vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay trong tuần này.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên