03/04/2018 11:33 GMT+7

Thủ tướng Trung Quốc buồn lòng vì chế tạo không nổi viên bi trên cây bút

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Trung Quốc được gọi là một đại công xưởng của thế giới, nhưng ít ai biết họ vô cùng thấm thía nỗi cay đắng đi gia công cho nước khác. Sự thật nào đằng sau dòng chữ "Made in China"?

Thủ tướng Trung Quốc buồn lòng vì chế tạo không nổi viên bi trên cây bút - Ảnh 1.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được biết đến là một người mê bút và ông cũng thấy bực mình khi Trung Quốc chưa thể làm được cây bút bi hoàn hảo - Ảnh: AFP

Câu chuyện dưới đây được trích trong quyển sách "China's Great Wall of Debt" (tạm dịch: Bức trường thành nợ nần của Trung Quốc) của tác giả Dinny McMahon - một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc.

Trung Quốc làm ra 80% bút bi của thế giới, tương đương 38 tỉ cây bút mỗi năm, nhưng theo Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, không cây viết nào trong số đó đạt chuẩn.

Khi tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) hồi năm 2015, Thủ tướng Lý thích thú với cây bút bi Thụy Sĩ đến mức khi trở về Trung Quốc, ông đi tìm lời giải thích cho việc "tại sao Trung Quốc không thể làm ra một cây bút viết trơn tru và dễ dàng như vậy".

Chìa khóa để tạo ra một cây bút chất lượng chính là viên bi bé xíu ở đầu ngòi viết. Nó xoay tròn trong lúc lăn trên mặt giấy, lấy mực từ ống mực qua các rãnh bé xíu khắc trên ngòi viết. Hóa ra, chế tạo viên bi này không dễ như nhiều người tưởng.

Một lần nọ, trả lời phỏng vấn trên truyền hình, ông Qiu Zhiming - giám đốc tập đoàn Beifa Group sản xuất bút bi lớn nhất Trung Quốc, giải thích rằng vật liệu tạo ra viên bi trong cây bút phải là một loại thép chất lượng cao, còn chế tác nó cần phải có các loại máy móc, thiết bị đo lường vi tính vô cùng hiện đại và tinh vi, không chừa một li nào cho sai sót.

Nếu viên bi quá lớn, nó sẽ không xoay trong ngòi viết, còn quá nhỏ nó sẽ làm mực rỉ ra ngoài. Viên nào không tròn một cách tuyệt đối khi viết sẽ không trơn tru. Viên nào quá nhẵn sẽ không xoay được trên giấy.

Nói tóm lại, Trung Quốc không có khả năng chế tạo viên bi thép nhỏ xíu đó!

"Mặc dù đang chịu đựng tình trạng dư thừa trong ngành công nghiệp thép, chúng ta vẫn không sở hữu khả năng luyện ra loại thép có thể dùng chế tác viên bi dùng cho bút bi. Chúng ta vẫn phải nhập khẩu chúng" - Thủ tướng Lý Khắc Cường "than vãn" trong một dịp đầu năm 2016.

3.000 nhà sản xuất bút của Trung Quốc phải nhập khẩu hầu hết viên bi họ cần từ Đức và Nhật Bản, mực viết cũng vậy.

Như vậy thật ra, Trung Quốc không làm ra bút bi, họ chỉ lắp ráp chúng. Ngày xưa công việc này được thực hiện một cách thủ công, nhưng hiện nay với chi phí nhân công gia tăng, người ta thay con người bằng máy móc nhập khẩu từ Thụy Sĩ.

Thủ tướng Trung Quốc buồn lòng vì chế tạo không nổi viên bi trên cây bút - Ảnh 2.

Có thật mọi hàng hóa đều được làm ra ở Trung Quốc? - Ảnh: YOUTUBE

Từ cây bút đến chiếc iPhone

Ở các nước chuyên gia công như Trung Quốc, dù hàng trăm ngàn lao động có thể được thuê, nhưng phần họ làm ra được lại chiếm rất nhỏ trong tổng giá trị sản phẩm cuối cùng. Chiếc điện thoại iPhone là một ví dụ.

Theo một báo cáo năm 2010 của Viện Ngân hàng phát triển châu Á, 34% giá trị chiếc iPhone đến từ Nhật - nước cung cấp màn hình và bộ nhớ flash; 17% đến từ Đức - nước làm ra camera và mạch tích hợp quản lý năng lượng; 13% đến từ Hàn Quốc - nước cung cấp bộ nhớ SDRAM.

Trung Quốc chỉ góp 3,6% vào giá trị iPhone, chủ yếu là công lao động. Tỉ lệ này hiện đã tăng so với ngày xưa nhưng vẫn ít hơn 10%.

Đó là một thực tế cay đắng dù cả thế giới ai cũng biết iPhone xuất xưởng ở Trung Quốc. Nhưng giữa "Made in China" (chế tạo ở Trung Quốc) và "Assembled in China" (lắp ráp ở Trung Quốc) là một sự khác biệt vô cùng lớn.

Trung Quốc hiển nhiên cũng muốn tăng tỉ lệ linh kiện nội địa trong các sản phẩm lắp ráp gia công. Bắc Kinh đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phải sản xuất được 70% linh kiện và vật liệu cơ bản trong nước. Để so sánh, năm 2015, nước này phải nhập đến 80% thành phần của chip xử lý dùng cho điện thoại lắp ráp trong nước.

Thủ tướng Trung Quốc buồn lòng vì chế tạo không nổi viên bi trên cây bút - Ảnh 3.

Trung Quốc từ lâu đã bất mãn với thực tế họ phải đi "làm công" cho các nước khác vì thiếu công nghệ - Ảnh: AFP

Nếu Trung Quốc đạt được mục tiêu, các nước khác phải trả giá cho thành công đó, cụ thể là những nước làm ra "bộ lòng" của chiếc điện thoại iPhone hay các bộ phận tinh vi của cây bút mực.

Vậy tại sao Trung Quốc không làm ngay và luôn? Đơn giản vì họ không, hoặc chưa có khả năng.

Giống như Trung Quốc, Thụy Sĩ cũng có một ngành công nghiệp sản xuất bút bi rất sôi động. Nhưng trong khi bút Trung Quốc thường được sản xuất hàng loạt và bán trong các cửa hiệu nhỏ, các công ty Thụy Sĩ tập trung làm ra những cây bút giá trị cao - loại có thể được dùng tại các sự kiện như Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Thêm vào đó, bút Thụy Sĩ được làm hoàn toàn ở Thụy Sĩ - "từ đầu đến đuôi" như cách một công ty mô tả - và bằng chính công nghệ độc quyền Thụy Sĩ, vốn người Trung Quốc không thể dùng tiền để mua.

Những năm gần đây, cái tên Trung Quốc và cụm từ "gián điệp công nghiệp" hay xuất hiện chung với nhau cũng có lý do. Nhưng đó là một câu chuyện dài cần mổ xẻ riêng.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên