26/03/2022 17:22 GMT+7

Thủ tướng: Khởi nghiệp là phải chấp nhận rủi ro, tránh tư tưởng không dám làm

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Chiều 26-3, tại Vĩnh Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại lễ khai mạc ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV (SV-STARTUP) nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Thủ tướng: Khởi nghiệp là phải chấp nhận rủi ro, tránh tư tưởng không dám làm - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại ngày hội khởi nghiệp quốc gia cho học sinh, sinh viên lần thứ IV, ngày 26-3 - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Diễn ra trong hai ngày 26 và 27-3 tại Trường đại học Công nghệ giao thông vận tải (cơ sở 2, tỉnh Vĩnh Phúc), đây là chương trình do Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trì, với 400 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trường THCS, THPT tham gia.

Có nhiều hoạt động tại ngày hội như: phiên đối thoại chính sách "Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên - Vai trò nhà trường, doanh nghiệp, quỹ đầu tư và địa phương"; diễn đàn "Truyền cảm hứng và tiềm năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên theo nhóm ngành"; tham quan không gian trưng bày ý tưởng khởi nghiệp…

Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đây là sự kiện rất ý nghĩa, bởi chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão… nên bắt buộc phải phát triển từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng cho biết năm 2021 Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Hiện có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, 100% các cơ sở đào tạo có kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp… Phong trào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá Việt Nam là một nước có xuất phát điểm chậm hơn về khởi nghiệp: hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn có khoảng cách so với nhiều nước trên thế giới; quan điểm chấp nhận rủi ro và vốn đầu tư cho khởi nghiệp còn hạn chế; tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa lan tỏa mạnh mẽ…

"Để phong trào khởi nghiệp chuyển sang một giai đoạn mới cao hơn cả về chất và lượng, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp, chúng ta phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị chứ không phải là nhiệm vụ của riêng một bộ, ban, ngành, địa phương nào. Phải đẩy mạnh truyền thông về đổi mới sáng tạo, khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo, phá vỡ những định kiến, rào cản, lối mòn trong tư duy", Thủ tướng nhấn mạnh.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải biết chấp nhận rủi ro, rủi ro lớn nhất là không biết chấp nhận rủi ro, chưa làm đã sợ thất bại, chưa thất bại đã không dám làm, phải hết sức tránh tư tưởng này.

Tiếp đến, phát huy tối đa nguồn lực con người, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo; muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải có giáo dục đổi mới sáng tạo; tạo môi trường, thu hút nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh hợp tác, mở rộng liên kết trong nước và quốc tế; các địa phương xây dựng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo, tổ chức…

"Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không phải là chuyện ngày một, ngày hai, mà là một quá trình lâu dài, đòi hỏi tầm nhìn, giải pháp căn cơ, có tính chiến lược, nhưng không cầu toàn, không nóng vội, làm đến đâu chắc đến đó và phải tiến hành một cách tổng thể, đồng bộ, liên thông, và cũng phải xác định không thể tránh khỏi rủi ro", Thủ tướng nhắn gửi tại buổi lễ.

Thủ tướng: Khởi nghiệp là phải chấp nhận rủi ro, tránh tư tưởng không dám làm - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm gian trưng bày của Trường đại học Mở Hà Nội trong ngày hội khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên lần thứ IV, ngày 26-3 - Ảnh: T.THƯƠNG

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết ngành sẽ phát huy kết quả của ngày hội khởi nghiệp để trang bị các kỹ năng cần thiết, tạo khát vọng khởi nghiệp, lập nghiệp phục vụ đất nước...

"Từ góc độ chuyên môn, chức năng nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo, ngành sẽ thực hiện thật tốt việc trang bị kiến thức, phát triển năng lực, rèn luyện các phẩm chất, kỹ năng cho học sinh từ phổ thông tới đại học để học sinh có được nền tảng căn bản cho khởi nghiệp. Bồi đắp ý chí và khát vọng cho sinh viên, tăng cường trang bị kỹ năng khởi nghiệp. Bộ sẽ cùng với các bộ ngành, doanh nghiệp, các đơn vị tạo lập môi trường tốt nhất cho hoạt động khởi nghiệp của học sinh sinh viên", bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo bày tỏ.

Bà Ngô Thị Minh, thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, báo cáo một số kết quả đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" và ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên sau 4 năm thực hiện: Về công tác hỗ trợ đào tạo: năm 2021 tăng tỉ lệ lên 33% các trường đại học đưa khởi nghiệp thành môn học; 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp; 100% cơ sở đào tạo xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp thông qua các diễn đàn…. Có 200 mạng lưới cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp. Có 50% cơ sở đào tạo đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp. Có 70 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên.

Kết nối cộng đồng khởi nghiệp trong đêm Gala trao giải Golf Tournament For Start-up 2022 Kết nối cộng đồng khởi nghiệp trong đêm Gala trao giải Golf Tournament For Start-up 2022

Tối 25-3, đêm Gala trao giải Golf Tournament For Start-up 2022 do báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội liên hiệp Thanh niên TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại sân golf Long Thành (Đồng Nai).


THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên