Rừng trên thế giới đang trong tình trạng cấp cứu - Ảnh: AFP
Rừng trên thế giới đang trong tình trạng cấp cứu.
Chuyên gia FRANCES SEYMOUR ở Viện Tài nguyên thế giới
"Ngày môi trường sống thế giới" (7-10) được lập ra nhằm nhắc nhở trách nhiệm của con người đối với môi trường sống của chính mình hôm nay và thế hệ tương lai.
Tháng 3-2019, cơn bão Idai đổ bộ vào miền nam châu Phi làm hơn 1.000 người chết. Mozambique bị thiệt hại nặng nề nhất với hơn 600 người thiệt mạng. Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế ghi nhận bão Idai gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây của Mozambique.
Bộ trưởng Môi trường Celso Correia cảm thán: "Đây là thảm họa tự nhiên chưa từng thấy". Một người dân ở huyện Buzi (tỉnh Sofala) cho biết: "Chúng tôi không còn gì hết. Người chết như gà, vịt. Chắc chúng tôi chết đói mất".
Bão tăng cường độ do phá rừng
Nhà báo Bỉ Brecht De Vleeschauwer viết cho trang tin The New Humanitarian của Liên Hiệp Quốc ghi nhận hậu quả nhãn tiền cơn bão Idai xuất phát từ nạn phá rừng đốt cây lấy đất trồng trọt và khai thác than củi. Trong 25 năm qua, Mozambique đã mất từ 10-15% diện tích rừng.
Trước bão Idai, nông dân Rami Mariano, 27 tuổi, trồng bắp và mè đủ nuôi gia đình ở làng Metuchira. Nhìn ra cánh đồng đổ nát sau cơn bão đi qua, anh thẫn thờ nói chắc phải đi làm than củi kiếm sống qua ngày.
Đường sá hư hỏng do bão, giá than bị đẩy lên. Một túi than lớn giá 300 metical Mozambique (4,60 USD). Khi đưa than đến thành phố biển Beira cách nhà anh khoảng 120km, giá tăng gấp… 5 lần!
Rừng ở Raub thuộc bang Pahang (Malaysia) bị cạo trọc để trồng sầu riêng - Ảnh: AFP
Nông dân Raymundo Bartolomeu, 50 tuổi, bộc bạch: "Chúng tôi biết phá rừng sẽ gây hậu quả xấu, nhưng trước mắt đây là cách kiếm tiền duy nhất".
Năm 25 tuổi, ông vẫn còn trông thấy rừng bạt ngàn ở huyện Nhamatanda (tỉnh Sofala) nơi ông sinh sống. Rồi lâm tặc bắt đầu đốn hạ những cây gỗ lớn có giá trị nhất để xuất khẩu sang Trung Quốc. Sau đó đến nông dân đốn cây nhỏ hơn lấy đất trồng trọt hoặc làm than.
Huyện ở cạnh đường dẫn đến Beira nên nạn phá rừng và làm than diễn ra rầm rộ.
Allan Schwarz - người sáng lập dự án trồng rừng Mezimbite Forest Center ở Mozambique - khẳng định bão gia tăng tác động là do phá rừng.
Ông giải thích: "Không có cây cối, dao động áp suất không khí giữa đất liền và biển khiến gió thổi mạnh hơn. Rừng làm nước chảy chậm lại và 80% nước có thể được hấp thụ trong đất. Nếu mất rừng, nước chảy nhanh hơn và ngấm xuống đất ít hơn".
Rừng bị tàn phá nhiều nhất quanh Vườn quốc gia Gorongosa. Năm 2018, 13 người Mozambique và 7 người Trung Quốc đã bị bắt vì khai thác gỗ trái phép trong khu vực này.
Một nhân chứng giấu tên lấy biệt danh "Augustinho" cho biết: "Xin giấy phép khai thác than củi tốn tiền lắm, nên dễ nhất là hối lộ để có giấy phép khống".
Tại Nam Mỹ, hầu hết các nhà nghiên cứu đều nhất trí phá rừng là nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng Amazon gây sốc toàn thế giới. Mục đích phá rừng để nuôi bò và trồng đậu nành.
Trung tâm nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu ghi nhận từ đầu năm đến cuối tháng 9-2019 đã xảy ra hơn 224.000 vụ cháy với 12 triệu ha rừng bị thiêu rụi. Người dân theo tập quán phát quang rồi phóng hỏa (chaqueo) để lập bãi chăn thả và trồng đậu nành nuôi bò.
Brazil sản xuất thịt bò đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ (sản lượng 9,9 triệu tấn năm 2018) và là nhà xuất khẩu thịt bò đứng đầu thế giới. Còn về đậu nành, dự báo Brazil sẽ sản xuất đứng đầu thế giới năm 2019.
Vị đắng sầu riêng Musang King
Trước đây Malaysia phải lo đối phó với lâm tặc và những người trồng cọ dầu phá rừng thì nay đang đương đầu với nạn phá rừng lập nông trại trồng sầu riêng Musang King, món khoái khẩu của dân Trung Quốc.
Rừng bị tàn phá nhiều nhất ở Pahang, bang lớn nhất Malaysia. Malaysia sản xuất 300.000 tấn sầu riêng mỗi năm, nhưng năm 2018 chỉ xuất khẩu được 236 tấn cơm sầu riêng sang Trung Quốc.
Đến giữa tháng 6-2019, năm công ty Malaysia đã được cấp phép xuất khẩu sầu riêng nguyên trái sang Trung Quốc. Do đó, Malaysia kỳ vọng sẽ xuất khẩu mỗi năm 8.000 tấn sầu riêng để đến năm 2030 đạt mức 22.000 tấn.
Nhằm khuyến khích gia tăng sản lượng sầu riêng, chính quyền một số bang đã nới lỏng biện pháp bảo vệ các khu bảo tồn rừng. Với xu thế "nhà nhà trồng sầu riêng, người người trồng sầu riêng", một số công ty phá rừng không thương tiếc.
Chị Puan Sri Shariffa Sabrina Syed Akil - chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ di sản thiên nhiên Malaysia (PEKA) - đánh giá nạn phá rừng hiện nay rất nghiêm trọng. Chị nhận xét thay vì cải tạo đất chưa canh tác thành đồn điền, chính quyền lại mở cửa rừng để thu phí đốn gỗ.
Chị cho biết: "Tôi đã chứng kiến tận mắt tác động xảy ra. Toàn bộ hệ sinh thái bị ảnh hưởng. Sông biến mất. Dân bản địa đang mất đất rừng tổ tiên để lại".
Sau bão Idai, người dân chen lấn lấy gạo cứu trợ tại Beira, Mozambique - Ảnh: AFP
Tại bang Kelantan, chính quyền bang đã phê duyệt quy hoạch 4.000ha đất rừng ở Pos Simpor trồng sầu riêng Musang King. Dân bản địa Orang Asli tập hợp lại phong tỏa không cho công nhân công ty vào rừng. Công ty nọ đi kiện và dùng vũ lực buộc dân bản địa phải rút lui.
Sau khi báo chí đăng lên trang nhất vụ phong tỏa rừng, trong một động thái chưa từng có vào tháng 1-2019, chính phủ trung ương đã nhân danh bộ tộc Orang Asli khởi kiện vụ án dân sự ra tòa án cấp cao tại Kota Bharu (thủ phủ bang Kelantan).
Các bị đơn gồm chính quyền bang Kelantan, giám đốc phụ trách đất đai và mỏ của bang, giám đốc phụ trách lâm nghiệp bang và năm công ty tư nhân.
Đơn kiện đề nghị công nhận quyền sở hữu đất đai của bộ tộc Orang Asli tại Pos Simpor và đề nghị tòa ngăn chặn các bên tư nhân xâm lấn, hủy hoại đất đai của dân bản địa. Vụ kiện vẫn đang được xét xử...
Năm 2009, nước thải từ mỏ vàng North Mara rò rỉ gây ô nhiễm sông Tigithe, nơi lấy nước của hơn 2.500 hộ gia đình. Người dân và gia súc mắc bệnh. Một số gia súc và cá chết vì nhiễm cyanure…
12 triệu ha rừng nhiệt đới bị phá năm 2018
Số liệu trên được nêu trong nghiên cứu của dự án Global Forest Watch thuộc Viện Tài nguyên thế giới (Mỹ). Trong số này có gần 1/3 diện tích là rừng mưa nguyên sinh, nơi cây rừng trưởng thành hấp thụ nhiều khí thải hơn và khó trồng lại hơn.
1/4 diện tích rừng bị mất ở Brazil. CHDC Congo và Indonesia chiếm mỗi nước 10%. Tại Malaysia và Madagascar, nạn phá rừng đang bùng phát mạnh.
Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu có thể tính được tổn thất của rừng mưa tự nhiên với dữ liệu vệ tinh. Những điểm nóng phá rừng mới đã lộ diện, nhất là tại châu Phi vốn hay xảy ra nạn khai thác mỏ trái phép, khai khẩn quy mô nhỏ và mở rộng đồn điền trồng ca cao.
Rừng bị mất ảnh hưởng đáng kể đến hiện tượng biến đổi khí hậu vì rừng hấp thụ 30% khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Kỳ tới: Vàng tanh mùi máu ở Tanzania
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận