25/03/2021 13:20 GMT+7

Thủ lĩnh trẻ trên rẻo cao biên ải - Kỳ 2: Giấc mơ hoa ở Mù Cang Chải

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TTO - Tháng 9-2020, lần đầu tiên du khách có thể ngắm được toàn cảnh thung lũng ruộng bậc thang đẹp mê hồn ở La Pán Tẩn, Chế Cu Nha (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) từ máy bay trực thăng. Nhưng nếu chỉ bay và ngắm mùa vàng thì dừng ở hoạt động du lịch.

Thủ lĩnh trẻ trên rẻo cao biên ải - Kỳ 2: Giấc mơ hoa ở Mù Cang Chải - Ảnh 1.

Bí thư huyện ủy - nguyên cán bộ Đoàn Nông Việt Yên cùng đoàn viên tình nguyện trồng hoa, làm đường bêtông cho dân - Ảnh: NGỌC QUANG

Kết hợp với hoạt động đó để tạo thêm những động lực mới cho quê hương là tâm nguyện của Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên.

Thuyết phục dân từ việc làm cụ thể

Dịp đó, cùng với những hình ảnh tuyệt đẹp về mùa vàng trên ruộng bậc thang nhìn từ không trung, mọi người truyền đi một hình ảnh còn đẹp hơn: cô bé người Mông Lý Thị Ninh, giải nhất học sinh giỏi huyện, đã được bí thư huyện ủy tặng ngay phần thưởng là một chuyến bay ngắm mùa vàng. Có lẽ giáo dục mới là chìa khóa mở tung cái ổ khóa dân trí cho đồng bào. Được học hành có thể thay đổi nhận thức, tiếp cận tri thức để cải thiện cuộc sống theo hướng tốt hơn.

Muốn kích thích niềm đam mê học hành ấy cho các em bé vùng cao không chỉ làm công tác khuyến học theo cách lâu nay vẫn làm. Khi hàng ngàn trẻ ở Mù Cang Chải nhìn bạn Lý Thị Ninh lên trực thăng ngắm quê hương tươi đẹp, chắn hẳn các em nhen thêm động lực mới: học giỏi để được như bạn Ninh. Đó chỉ là chi tiết nhỏ trong việc làm "dân vận" của Bí thư Nông Việt Yên, nhưng nhìn theo góc độ nào đó, những hành động này tạo được hiệu ứng tích cực đặc biệt đối với con em đồng bào vùng cao.

Vốn là học viên trường thiếu sinh quân rồi thành sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền, nên sau này làm cán bộ Đoàn, Bí thư Nông Việt Yên (43 tuổi) đã kết hợp được cả hai điều đó trong công việc. Khi nhận nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải, việc đầu tiên mà anh bí thư trẻ tạo dấu ấn với bà con là hoạt động "Ngày cuối tuần về với dân".

Thanh niên các bản làng thừa nhiệt tình, giàu nhiệt huyết nhưng chưa giúp các bạn trẻ phát huy hết những điều này bởi thiếu sự tập hợp một cách thuyết phục. Những tháng đầu tiên ở cương vị mới, cứ cuối tuần anh bí thư nguyên cán bộ Đoàn này đã cùng với Đoàn thanh niên làm các công trình nho nhỏ nhưng hiệu quả và được dân bản hoan nghênh.

Những bản làng trên rẻo cao Mù Cang Chải nằm chênh vênh sườn núi, ngày mưa xuống sẽ khó an toàn khi đi xe máy. Không thể trông chờ vào những dự án mở đường với chi phí rất lớn, bí thư huyện về bản bảo: "Giờ huyện sẽ cấp ximăng, thiếu chúng tôi sẽ đi xin tài trợ thêm, các bạn đoàn viên xuống suối gùi cát, ta làm con đường bêtông chỉ rộng 1m đủ cho xe máy đi thôi, có làm được không?".

Anh cho biết đường bêtông theo dự án thiết kế phải 2,4 tỉ đồng/km. Một mét khối cát chở tới những nơi xa như xã Chế Tạo phải chi phí 2 triệu đồng/m3. Mà đường rộng 3m thì nền phải 5m. Mù Cang Chải làm cho hết phải 600km đường như thế. Biết khi nào mới đủ tiền. Nên anh kêu gọi anh em đoàn viên thanh niên chủ động. Với bà con nơi đây không thể nói chung chung, phải cụ thể từng việc cho bà con thấy! Vậy là những con đường rộng vừa lối xe đi nhưng dù mưa cũng không lo bùn lầy trơn trượt.

Biết thế mạnh Mù Cang Chải là ruộng bậc thang trong khi tiềm năng đất đai còn lớn, vậy là kế hoạch mở rộng thêm diện tích ruộng bậc thang được đặt ra cho các bạn trẻ ở các xã đoàn. Bí thư Yên nói với chúng tôi: "Miền xuôi mở thêm ruộng để tăng thêm sản lượng. Còn Mù Cang Chải mở thêm ruộng còn để phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Thêm một vùng ruộng mới là du khách thêm một điểm ngắm mới. Còn trên này ở đâu có ruộng bậc thang thì ở đó ít xảy ra sạt lở! Ruộng bậc thang bảo vệ môi trường là thế".

Thủ lĩnh trẻ trên rẻo cao biên ải - Kỳ 2: Giấc mơ hoa ở Mù Cang Chải - Ảnh 2.

Em Lý Thị Ninh, giải nhất học sinh giỏi huyện với phần thưởng được đi máy bay ngắm quê hương Mù Cang Chải - Ảnh: GIÀNG LY

Khơi thông tương lai từ những người trẻ

Ở Mù Cang Chải, nhiều mô hình du lịch của các bạn trẻ người Mông thật thú vị khi homestay của các bạn đều chung một điểm: "View" của homestay luôn hướng ra ruộng bậc thang lộng lẫy nhất! Có nhiều ruộng đẹp sẽ thêm nhiều homestay mọc lên. Trở lại chuyện "cần cho bà con thấy hiệu quả từng việc", Bí thư Yên bảo: "Giờ làm homestay coi như hướng đi mới, phát triển du lịch cũng nhờ lực lượng trẻ biết giao tiếp ngoại ngữ, biết sử dụng tiện ích đặt phòng trên mạng, biết chuyển khoản iBanking, biết sáng tạo cách giữ chân du khách... May mắn là nhờ kinh nghiệm trưởng thành từ Đoàn nên chúng tôi biết cách tập hợp các bạn trẻ ấy".

Theo anh Yên, cái được lớn nhất là tác động tâm lý cộng đồng. Lực cản lớn nhất ở Tây Bắc không phải địa hình hiểm trở, những cái đó rồi sẽ xử lý được, mà lực cản lớn nhất là tâm lý ỷ lại của bà con. Giải quyết được chuyện này là đột phá khẩu. Từ mô hình của các bạn trẻ, giờ nhiều thanh niên đang tạo ra nhiều mô hình kinh tế chủ động và bước đầu hiệu quả. Vấn đề là lãnh đạo huyện phải thực sự sâu sát và tháo gỡ ngay những vướng mắc.

Chỉ ví dụ chuyện nhỏ như nguồn thực phẩm cho bếp ăn các trường nội trú trong huyện lâu nay phải nhập từ thành phố lên, trong khi chất lượng rau xanh trồng ở Mù Cang Chải khó có nơi nào hơn được. Mô hình trồng rau xanh của các bạn trẻ để cung cấp cho trường học có cơ sở để phát huy. Nhưng muốn sử dụng nguồn rau xanh như thế phải để bên cung cấp và bên tiêu thụ ngồi lại với nhau.

Làm như thế cũng để giữ chân thanh niên phát triển kinh tế tại chỗ. Nhiều nơi thanh niên đổ hết về thành phố tìm việc. Không có mô hình làm ăn tại chỗ làm sao giữ được lực lượng trẻ này ở lại xây dựng quê hương?

Xen giữa câu chuyện của chúng tôi là tiếng hát của các em bé ở trường mẫu giáo cạnh đó vang lên bài hát bằng tiếng Mông với giai điệu ngân nga đáng yêu. Quay sang chúng tôi, bí thư Yên nói: "Từ hai năm nay, tiết học ngoại khóa ở các trường, chúng tôi đề nghị thầy cô dạy cho các em biết hát các giai điệu dân ca dân tộc mình, như Mù Cang Chải có đến 91% người Mông. Gia tài văn hóa của người Mông với các điệu múa khèn, múa gậy, múa khăn... các em phải được trao truyền gìn giữ từ bây giờ".

Một ngày nào đó, Mù Cang Chải trở thành địa chỉ du lịch lớn. Khí hậu, cảnh quan, văn hóa miền đất này rất tuyệt vời. Mù Cang Chải có quá nhiều hi vọng vào tương lai. Và chính những em bé được dạy gìn giữ văn hóa dân tộc mình sẽ làm đẹp, làm giàu cho quê hương!

Chúng tôi băn khoăn chuyện thu hút khách với Bí thư Nông Việt Yên rằng ruộng bậc thang chỉ hai mùa đẹp: mùa đổ nước và mùa lúa chín, vậy khoảng thời gian giữa hai mùa đó sẽ làm gì để thu hút khách, làm gì để dân có công ăn việc làm?

"Chúng tôi cũng trăn trở việc này, không để "thời gian trống" giữa những khoảng đổ nước và lúa chín Mù Cang Chải. Hoa sẽ là một sức hút từ núi rừng với du khách.Tối thiểu mỗi hộ dân trồng 5 cây hoa thân mộc như hoa "tớ dày" (tên người Mông gọi hoa mai anh đào) hoặc hoa ban. Mỗi đoàn thể cấp huyện phải trồng được 500 cây hoa/năm. Mỗi xã mỗi năm trồng 3km đường hoa bản địa như thế

Trồng xong có chăm sóc giám sát chứ không thể theo kiểu "đem con bỏ chợ". Tầm 5-10 năm sau vào mùa này cả Mù Cang Chải sẽ ngập hoa, mùa nào hoa đấy, như mùa tháng 10 đến tháng 12 là mùa hoa "tớ dày", tầm tháng 3 đến tháng 5 là hoa ban, rồi tiếp theo đó sẽ là mùa lúa...

**********

"Bạn từng là bí thư xã đoàn kinh nghiệm công tác thanh niên. Lao động trẻ ở xã không có việc làm thì bạn phải gõ cửa doanh nghiệp để xin việc cho các bạn ấy".

>> Kỳ tới: Lửa tuổi trẻ ở "thủ đô gió ngàn"

Thủ lĩnh trẻ trên rẻo cao biên ải - Kỳ 1: Cởi blouse trắng, khoác áo Đoàn Thủ lĩnh trẻ trên rẻo cao biên ải - Kỳ 1: Cởi blouse trắng, khoác áo Đoàn

TTO - Những chuyến công tác trên biên ải Tây Bắc, các cán bộ Đoàn vùng cao luôn gợi trong chúng tôi sự dấn thân của họ với năng lực và năng lượng tuổi trẻ cống hiến...

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên