02/08/2019 21:06 GMT+7

Thủ khoa ĐH Y dược TP.HCM: Có những điều con trẻ không bao giờ kể...

CÔNG NHẬT thực hiện
CÔNG NHẬT thực hiện

TTO - 'Như câu chuyện tôi thi rớt kỳ thi Olympic 30-4 năm lớp 10 hay có giai đoạn mê học đến bỏ bữa ăn, tôi cũng không chia sẻ nhiều với gia đình', Võ Minh Quân chia sẻ.

Thủ khoa ĐH Y dược TP.HCM: Có những điều con trẻ không bao giờ kể... - Ảnh 1.

Bạn Võ Minh Quân (ngoài cùng, phải) tham dự chương trình tập huấn cán bộ Đoàn do trường tổ chức. - Ảnh: Q.VÕ

Học kỳ vừa qua, với điểm trung bình 3,89/4 Võ Minh Quân nằm trong tốp 20 sinh viên cao điểm nhất khối Y2018 ĐH Y dược TP.HCM, đoạt học bổng xuất sắc học kỳ 1. Bạn cũng là thủ khoa trường ĐH này năm ngoái.

Cha mẹ nên lắng nghe con mình nhiều hơn

* Trở thành bác sĩ có phải là mong muốn của chính bạn?

- Cha mẹ tôi làm công chức bình thường, không ai theo ngành y nên lựa chọn trên hoàn toàn là của tôi. Thật ra ban đầu tôi muốn làm bác sĩ do nhiều người đồn "làm bác sĩ giàu lắm", và tôi cũng nghĩ khá đơn giản ngành này điểm đầu vào chót vót, nếu đậu chắc gia đình tự hào lắm (cười).

Nhưng sau đó, càng tìm hiểu tôi càng yêu màu blouse trắng vì sứ mệnh là mang lại sức khỏe, niềm vui cho cộng đồng.

* Từ quan sát của bạn, có nhiều bạn trẻ được gia đình tin tưởng, trao quyền tự quyết định?

- Từ thời phổ thông, tôi đã gặp nhiều người bạn có định hướng du học, vào trường đại học lớn... nhưng không nhiều trong số đó thật sự được học theo ước muốn bản thân. Và lên đại học, tôi cũng gặp những bạn luôn hối hận vì phải gồng mình theo đuổi một ngành mà bản thân không yêu thích.

Hay như việc tôi đi làm gia sư, chứng kiến phụ huynh suốt ngày trách mắng, so sánh con họ với tôi theo kiểu "người ta học đến thủ khoa, còn mày suốt ngày chơi game, tốn tiền mướn người kèm mà vẫn chẳng tới đâu". Sự so sánh đó vừa khiến tôi khó xử, khiến con họ bị tổn thương mà họ nào hay.

Cũng may chúng tôi hiểu nhau, sau đó thủ thỉ động viên để giãn bớt khoảng cách. Họ nào thật sự lắng nghe, nào biết con mình đã học hết sức và điểm 6 của con mình là đã cao nhì lớp vì bạn giỏi nhất cũng chỉ 7 điểm...

* Nghe những tâm sự đó, bạn có muốn làm điều gì không?

- Các bạn chia sẻ vì tôi là khối trưởng, nhưng khối của tôi có đến 400 người và tôi nghĩ sự đau đáu của các bạn cần sự lắng nghe của nhiều người hơn, từ những người lớn hơn nên tôi cũng không muốn đào sâu, chẳng thể can thiệp quá nhiều.

Thật ra khoảng cách thế hệ là luôn có, ngay cả với những gia đình có sự thông cảm, động viên lớn từ cha mẹ cho con như nhà tôi. Như câu chuyện tôi thi rớt kỳ thi Olympic 30-4 năm lớp 10 hay có giai đoạn mê học đến bỏ bữa ăn, tôi cũng không chia sẻ nhiều với gia đình.

Tôi chỉ mong phụ huynh hãy hỏi han, lắng nghe con mình nhiều hơn nữa và hạn chế áp đặt chủ quan của bản thân vào con cái.

Thủ khoa ĐH Y dược TP.HCM: Có những điều con trẻ không bao giờ kể... - Ảnh 2.

Một người bạn của tôi buộc phải vào trường y do áp lực từ cha mẹ, kết quả sau khi vào thì bạn chán nản và liên tục cúp học, nợ môn rất nhiều. Thi đậu vào ngành bác sĩ đa khoa thì năng lực chắc chắn không dở... nhưng đi chơi thì luôn có mặt, đi học thì lại không. Điều đó khiến tôi suy nghĩ.

VÕ MINH QUÂN

Thoát khỏi "vòng tròn an toàn"

* Luôn nằm trong tốp đầu mà bạn vẫn không đoạt được bất kỳ huy chương nào ở kỳ thi trên, đó có phải là thất bại lớn nhất?

- Tôi không nghĩ đó là thất bại. Dĩ nhiên hụt hẫng là có nhưng đó cũng là cơ hội để suy nghĩ nhiều hơn về việc môn hóa có phải là điều mình phù hợp nhất, nên theo đuổi lâu dài. Và nhờ có khoảng thời gian lắng lại suy nghĩ, tôi đã chuyển hướng sang học ngành y, một lựa chọn đến giờ tôi cho là đúng nhất.

* Lịch học trường y vốn dày đặc nhưng bạn vẫn tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, thể thao?

- Những hoạt động trên vừa vui, ý nghĩa mà lại giúp tôi mở rộng mối quan hệ. Việc có mối quan hệ rộng sẽ giúp tôi tiếp cận, học được kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, góc nhìn đa dạng từ nhiều người giỏi. Tôi nhận làm khối trưởng vì muốn bước ra khỏi "vòng tròn an toàn" do trước đây tôi khá nhút nhát.

Thời gian rảnh hiếm hoi tôi đọc sách khoa học, tiểu thuyết và chạy bộ, bơi lội, đạp xe... để cơ thể lẫn đầu óc thư thái. Tôi luôn để trống tối thứ bảy để đi chơi và cũng thường đi phượt cùng bạn bè, đôi khi làm điều gì đó nổi loạn. Tôi nghĩ bản thân đang được sống đúng, trọn vẹn với thời tuổi trẻ của mình. Và với tôi, đó là hạnh phúc.

Có lẽ do phải học xa nhà từ cấp III và môi trường trung học vốn đã trui rèn tính độc lập, tự học nên tôi không quá bỡ ngỡ khi bước vào giảng đường. Áp lực thủ khoa đầu vào đúng là có, nhưng tôi tập quên nhanh vì không muốn bản thân ngủ quên trên chiến thắng. Tôi hoàn toàn không gặp áp lực gì từ gia đình vì cha mẹ luôn tôn trọng quan điểm, cách học của tôi. Có chăng một lần cha tôi chỉ hơi lo lắng, nhắc nhẹ vì lớp 12 tôi chọn thi y dược mà đi học thêm ít môn quá...

Võ Minh Quân

Học và chơi đều xịn

Với số điểm 29,1 cho khối B (toán, hóa, sinh), Võ Minh Quân (cựu học sinh chuyên hóa Trường phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP.HCM) là thủ khoa toàn thành khối B lẫn thủ khoa đầu vào Trường ĐH Y dược TP.HCM năm 2018.

Bạn hiện là trưởng khối Y2018, là thành viên ban tổ chức lễ tri ân Mácchabée (ĐH Y dược TP.HCM), gương mặt "trên từng cây số" ở Câu lạc bộ tiếng Anh của khoa y, các hoạt động tình nguyện cấp thành và cấp trường như Tiếp sức mùa thi, Xuân tình nguyện... cũng như các cuộc thi chuyên môn ở trường.

Trước đó, bạn từng đoạt giải nhất học sinh giỏi hóa cấp tỉnh (Tây Ninh) và thi đỗ vào chuyên hóa lẫn chuyên lý Trường phổ thông Năng khiếu, chuyên hóa THPT chuyên Hoàng Lê Kha (Tây Ninh).

Tiến sĩ y khoa 31 tuổi có 27 bài báo quốc tế Tiến sĩ y khoa 31 tuổi có 27 bài báo quốc tế

TTO - Ở tuổi 31, Trần Ngọc Đăng (tốt nghiệp tiến sĩ khoa học chăm sóc con người ĐH Tsukuba, Nhật Bản) đã có số bài báo công bố quốc tế ấn tượng, thậm chí gần bằng tuổi đời.

CÔNG NHẬT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên