16/04/2019 08:53 GMT+7

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Xóa ưu đãi tràn lan

L.THANH - X.LONG
L.THANH - X.LONG

TTO - Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp khối FDI được miễn giảm, ưu đãi có năm vượt 35.357 tỉ đồng. Trong khi đó, hơn một nửa số doanh nghiệp có vốn ngoại bị lỗ trong khi vẫn mở rộng sản xuất...

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Xóa ưu đãi tràn lan - Ảnh 1.

Việt Nam sẽ ưu đãi trọng tâm, trọng điểm cho một số doanh nghiệp FDI thay vì tràn lan như hiện nay. Trong ảnh: xuất khẩu thiết bị cơ khí tại một doanh nghiệp FDI - Ảnh: D.S.

Chính phủ đang hoàn thiện đề án định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nhiều ý kiến cho rằng cần điều chỉnh theo hướng xóa một số cơ chế ưu đãi dàn trải.

Ưu đãi lớn nhưng triền miên lỗ

Gần 398.000

tỉ đồng

Đó là số tiền báo lỗ lũy kế của khoảng 10.500 doanh nghiệp FDI

Nguồn: Bộ Tài chính

Đánh giá thực trạng hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết cả nước hiện có hơn 21.400 doanh nghiệp FDI. Riêng năm 2017, doanh thu khối này tăng 28% so với năm trước, tốc độ tăng tài sản 22%...

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp FDI có vấn đề khi doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng đều nhưng tỉ lệ doanh nghiệp báo lỗ, lũy kế và lỗ mất vốn cứ tăng cao. Lợi nhuận trước thuế của khối doanh nghiệp này trong năm 2017 đạt trên 344.600 tỉ đồng, tăng 19,2% so với năm 2016.

Mặc dù vậy, theo Bộ Tài chính, trong số hơn 16.000 doanh nghiệp có vốn ngoại báo cáo thì có tới hơn một nửa kê khai lỗ tới 86.180 tỉ đồng. Điều đáng nói, có 1.590 doanh nghiệp lỗ mất vốn nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh.

Theo ông Huỳnh Quang Hải, tình trạng chuyển giá của khu vực doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng và phức tạp khi số lượng doanh nghiệp báo lỗ hằng năm từ năm 2012 - 2017 là từ 48% lên 52%.

Về hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn ngoại nổi lên khi tốc độ tăng về nộp ngân sách chỉ 7%, trong khi đó lợi nhuận trước thuế tăng 19,2%. Điều này cho thấy mức đóng góp của doanh nghiệp FDI chưa tương xứng với nguồn tài nguyên sử dụng và kết quả sản xuất kinh doanh thực tế của khu vực doanh nghiệp này.

Mặt khác, điều này cũng lý giải một phần do doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư vào những ngành, lĩnh vực ưu đãi và đặc biệt ưu đãi đầu tư.

dinhtiendung

Bộ trưởng ĐINH TIẾN DŨNG

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, doanh nghiệp có vốn ngoại mới chỉ tập trung vào những ngành có tỉ lệ nội địa hóa thấp, sử dụng nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng không cao.

Đầu tư nhiều vào bất động sản trong khi đầu tư vào nông lâm ngư nghiệp còn thấp.

Đầu tư tập trung ở những vùng có điều kiện thuận lợi như khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng, còn các khu vực khó khăn như Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên lại có tỉ trọng doanh nghiệp FDI thấp.

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế dù áp dụng thống nhất cho các thành phần kinh tế, tuy nhiên khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang được hưởng nhiều hơn.

Tỉ lệ về số thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi, miễn giảm của doanh nghiệp FDI là 48% trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính theo thuế suất phổ thông, trong khi tỉ lệ này của doanh nghiệp nhà nước là 4,6%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 14%.

doanh nghiệp FDI vừa được ưu đãi về lĩnh vực hoạt động, vừa ưu đãi về dự án đầu tư, dự án mở rộng, khu công nghiệp rồi sản phẩm cũng ưu đãi nốt. Rồi ưu đãi cả địa bàn, quy mô dự án, số lượng lao động nữ... Tất tần tật là ưu đãi.

Bộ trưởng ĐINH TIẾN DŨNG

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Xóa ưu đãi tràn lan - Ảnh 6.

Đồ họa: T.ĐẠT

Chính sách ưu đãi có vấn đề

Đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp FDI, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đặt vấn đề: Tại sao có 52% doanh nghiệp báo lỗ mà vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, các chính sách về thuế quá phức tạp, vừa ưu đãi về ngành nghề, vừa ưu đãi về lĩnh vực hoạt động, vừa ưu đãi về dự án đầu tư, dự án mở rộng, khu công nghiệp rồi sản phẩm cũng ưu đãi nốt.

Rồi ưu đãi cả địa bàn, quy mô dự án, số lượng lao động nữ... Tất tần tật là ưu đãi. Nhiều địa bàn có điều kiện hạ tầng thuận lợi như Hà Nội là có sân bay, bến cảng, đường cao tốc sát ngay đó mà vẫn được ưu đãi thì làm sao thu hút được doanh nghiệp vào Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ...

Mặt khác, theo ông Dũng, thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế thu được của doanh nghiệp FDI trung bình chỉ 10,7% (do họ tận dụng được các ưu đãi) trong khi thuế suất phổ thông là 20%.

Chính sách đang có quá nhiều vấn đề. Do đó chúng ta phải rà soát, đánh giá lại nghiêm túc hơn để sửa đổi bất cập. Và chính sách thuế phải đặt trong tổng thể các chính sách khác để định hướng đúng và sát hơn.

Chỉ ưu đãi sản phẩm có giá trị gia tăng cao

Về chính sách định hướng thu hút FDI sắp tới, đại diện Bộ KH-ĐT (đơn vị được Chính phủ giao chủ trì xây dựng đề án cơ chế thu hút FDI trong những năm tới) cho rằng VN cần tạo thuận lợi thủ tục nhanh gọn cho nhà đầu tư.

Còn ưu đãi thuế vẫn là nội dung tạo tính hấp dẫn với nhà đầu tư, song cần thay đổi theo phương thức mới, không ưu đãi dàn trải mà chỉ nên tập trung ưu đãi vào những sản phẩm, chi tiết sản xuất nào tạo giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao.

Ngoài ưu đãi theo sản phẩm có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao, cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT Đỗ Nhất Hoàng đề xuất có thể tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan khi ưu đãi theo 7 vùng như vùng công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản...

Còn chúng ta, chắc chắn vùng khó khăn nhất của Hà Nội cũng được ưu đãi như vùng khó khăn ở A Lưới (Thừa Thiên - Huế) thì rõ là có vấn đề.

Hay nhìn lại chính sách thu hút đầu tư thì thấy kể cả vùng khó khăn dù miễn tiền thuế đất, thuế suất bằng 0 thì người ta cũng không đến, nhưng đối với lĩnh vực khoáng sản dù khó khăn đến mấy thì nhà đầu tư vẫn mò lên vì khoáng sản mới có ở những vùng sâu, vùng xa.

Do đó theo ông Hoàng, phải tính lại vấn đề này, đồng thời cần có chính sách chăm chút hơn các nhà đầu tư ngoại đã vào VN để họ yên tâm đầu tư, qua đó thu hút những doanh nghiệp mới khác.

PGS.TS Lê Xuân Trường, trưởng khoa thuế - hải quan Học viện Tài chính, đề nghị cần thu hẹp diện ưu đãi thuế, đặc biệt là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo đó, chỉ nên tập trung ưu đãi thuế đối với một số ít ngành, lĩnh vực rất quan trọng theo chính sách phát triển của Nhà nước, các ngành sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, lĩnh vực xã hội hóa, công nghệ, môi trường và liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đặc biệt loại bỏ các ưu đãi "thừa", chẳng hạn như ưu đãi thuế với khu công nghiệp.

Liên quan đến các chính sách về đất đai, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường - đề nghị đã đến lúc VN cần có những chọn lọc trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo ông, thực tế còn để lãng phí từ đất đai quá nhiều.

"Cần xác định rõ những nhóm dự án thuộc lĩnh vực nào, phạm vi nào sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi chứ không phải tất cả các dự án có vốn đầu tư nước ngoài là đều được ưu đãi như nhau.

Còn với dự án thuộc các lĩnh vực mà nhà đầu tư trong nước đã làm được hoặc có thế mạnh hơn thì không nên khuyến khích thu hút đầu tư hay ưu đãi để các nhà đầu tư nước ngoài làm" - ông Võ lưu ý.

Để hạn chế các doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để được hưởng ưu đãi thuế, Bộ Tài chính cho rằng sẽ nghiên cứu cơ chế để kiểm soát việc này. Mặt khác, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về đầu tư của doanh nghiệp FDI, từ đó đánh giá, giám sát hiệu quả, kịp thời.

Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cần tăng năng lực giám sát tình hình hoạt động tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI để sớm phát hiện và phòng ngừa nguy cơ gây bất ổn kinh tế - xã hội.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Xóa ưu đãi tràn lan - Ảnh 7.

Doanh nghiệp FDI ngành nào lãi nhất?

Theo Bộ Tài chính, nếu tính về ngành thì kinh doanh bất động sản của khu vực FDI có lợi nhuận trước thuế tăng so với năm 2016 "cao thủ" nhất với hơn 193%; tiếp đến là ngành khai thác, chế biến khoáng sản tăng 146,3%; linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị điện tử tăng hơn 40%.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước NGUYỄN THỊ HỒNG:

Có doanh nghiệp FDI vay gấp 1.800 lần vốn chủ sở hữu

ba nguyen thi hong

Số lượng doanh nghiệp FDI so với tổng số doanh nghiệp của cả nước chỉ chiếm 3% nhưng nhìn vào quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp FDI là 5 triệu tỉ đồng.

Tổng tài sản này có thực tế không, cần phải rà soát đánh giá con số này. Bởi qua kiểm soát 140 doanh nghiệp có tỉ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu gấp 4 lần thì 100% là FDI.

Cá biệt có nhiều doanh nghiệp FDI có vốn siêu mỏng, tức là vốn vay trên vốn chủ gấp tới 1.800 lần.

Tiếp tục thu hút FDI nhưng phải gắn vào các điều kiện cụ thể làm sao tận dụng những ngành có lợi thế so sánh của VN như nông nghiệp, nông lâm thủy sản..., còn thực tế FDI thời gian qua vào các ngành như bất động sản thì tới đây chính sách cần xem xét.

Mặt khác, chính sách tới đây khi thu hút vốn ngoại phải có những điều kiện để làm sao tận dụng được vốn của nhà đầu tư góp vào VN chứ không phải đi vay nợ.

Ông NGUYỄN TIÊN PHONG (trợ lý trưởng đại diện UNDP tại VN):

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị

nguyen tien phong

Chiến lược thu hút FDI phải phụ thuộc vào chúng ta muốn gì? Như giai đoạn trước là chúng ta tạo việc làm. Nhưng giai đoạn tới là phải tạo việc làm ở mức năng suất, thu nhập cao hơn và doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị.

Để làm được việc này, chúng ta phải thu hút FDI có chất lượng cao hơn.

Theo đó, khi thấy chiến lược kinh doanh của công ty đó phù hợp với định hướng thu hút FDI của VN, họ muốn làm ăn lâu dài, muốn tận dụng lợi thế của VN thì Chính phủ sẽ ngồi với FDI đó để giúp FDI thành công và Chính phủ, doanh nghiệp Việt cũng thành công.


Giáo sư NGUYỄN MẠI (chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài):

Đàm phán riêng với doanh nghiệp lớn

nguyen mai

Muốn thu hút FDI cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn có quy mô kinh tế lớn thay vì như trước đây chúng ta coi trọng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các tập đoàn lớn có chiến lược kinh doanh riêng, do đó chúng ta không thể có chính sách chung cho các tập đoàn mà phải có chính sách riêng, thích ứng cho từng tập đoàn. Ví dụ trước đây, muốn kéo Intel

vào VN, Thủ tướng đã lập tổ tư vấn để nghiên cứu có các chính sách hấp dẫn hơn, cạnh tranh hơn so với các nước Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan.

Muốn thu hút tập đoàn lớn thì phải đàm phán với từng "anh" chứ không thể kêu gọi chung chung. Đặc biệt, VN cũng phải thay đổi thủ tục từ xúc tiến đầu tư, thẩm định dự án đến sau khi cấp phép.

Làm thế nào thời gian ngắn nhất, thủ tục đơn giản nhất, thuận lợi nhất.

L.THANH

Thị trường bất động sản sẽ khởi sắc nhờ vốn FDI? Thị trường bất động sản sẽ khởi sắc nhờ vốn FDI?

Khoảng sáng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bất động sản trong những tháng đầu tiên của năm 2019 đang hứa hẹn những khởi sắc của thị trường.

L.THANH - X.LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên