26/05/2024 09:12 GMT+7

Thông điệp hòa giải từ những kỷ vật

Chiến tranh để lại những vết thương cho cả hai phía. Hoạt động trao trả kỷ vật cho gia đình và đồng đội của các liệt sĩ ở Củ Chi (TP.HCM) ngày 24-5 là một trong những nỗ lực hòa giải và hàn gắn vết thương đó trong quá khứ.

Ông Trần Văn Bản (phải) cùng ôn lại kỷ niệm lưu giữ trong kỷ vật của các đồng đội - Ảnh: NGUYỄN HỮU HẠNH

Ông Trần Văn Bản (phải) cùng ôn lại kỷ niệm lưu giữ trong kỷ vật của các đồng đội - Ảnh: NGUYỄN HỮU HẠNH

Các bộ kỷ vật chiến tranh được phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, phối hợp với Bộ Quốc phòng Mỹ và Ban Chỉ đạo quốc gia 515 của Việt Nam, trao lại cho thân nhân, đồng đội của các liệt sĩ từng chiến đấu ở địa đạo Củ Chi.

Hai bộ được trao cho cựu chiến binh Trần Văn Bản. Các bộ còn lại trao cho gia đình, đồng đội của các liệt sĩ Trương Thị Oanh, Lâm Văn Phần và Nguyễn Minh Tâm (còn gọi là Nguyễn Văn Khôn).

Ký ức sống lại

Tổng lãnh sự Mỹ Susan Burns phát biểu tại buổi lễ trao trả kỷ vật chiến tranh ngày 25-5 - Ảnh: NGUYỄN HỮU HẠNH

Tổng lãnh sự Mỹ Susan Burns phát biểu tại buổi lễ trao trả kỷ vật chiến tranh ngày 25-5 - Ảnh: NGUYỄN HỮU HẠNH

Nhận lại các kỷ vật của đồng đội, người cựu binh tuổi đã cao như sống dậy từng khoảnh khắc ký ức khi đọc lại những dòng chữ viết vội còn hằn dấu vết đạn bom năm xưa.

"Hai đất nước đều mất mát trong chiến tranh", cựu chiến binh Trần Văn Bản nói và cho biết các kỷ vật gợi lại những ký ức chiến đấu cùng đồng đội và cũng sẽ giúp ích cho nỗ lực tìm kiếm hài cốt của những người còn mất tích.

"Dù bây giờ đã có con, có cháu, chúng tôi vẫn nhớ về những người đồng đội năm xưa", ông Bản nói.

"Khi nhận được cuốn nhật ký, lòng tôi bồi hồi xúc động, cảm ơn những người đã tìm và giữ gìn cuốn sổ của chị tôi", ông Trương Văn Quơ xúc động khi nhận lại những trang giấy có chữ viết tay của chị mình, liệt sĩ Trương Thị Oanh, từ tay trung tướng James Jarrard, phó tư lệnh Bộ tư lệnh lục quân Mỹ ở Thái Bình Dương.

Ông Quơ cho biết những ký ức về chị ông không nhiều, nhưng tất cả như sống lại qua từng trang giấy. Ông cũng nói gia đình ông chỉ biết chắc việc bà Oanh đã hy sinh sau khi nhận được kỷ vật của bà.

Những dòng chữ thấm đượm ký ức trong những kỷ vật được trao trả ngày 25-5 - Ảnh: NGUYỄN HỮU HẠNH

Những dòng chữ thấm đượm ký ức trong những kỷ vật được trao trả ngày 25-5 - Ảnh: NGUYỄN HỮU HẠNH

Nói về những kỷ vật, trung tướng Jarrard cho biết mỗi hiện vật được trao trả cho các gia đình đều có ý nghĩa rất lớn.

"Tôi từng là một chỉ huy ở Trung Đông và lực lượng của tôi cũng mất đi các binh sĩ. Khi nói chuyện với gia đình họ, tôi hiểu mỗi kỷ vật dù nhỏ nhưng đều mang ý nghĩa lớn, giúp họ lưu giữ kỷ niệm", ông nói.

Ông Jarrard cũng chia sẻ mối liên hệ của gia đình ông với Việt Nam. Cha ông từng chiến đấu tại đây và ông cũng từng chỉ huy Sư đoàn bộ binh 25 chiến đấu ở Củ Chi và nhiều nơi khác.

"Cha tôi đã mất vài năm trước và nếu còn sống, chắc chắn ông sẽ rất tự hào khi thấy tôi đứng tại đây, trong một sự kiện mang ý nghĩa hòa giải giữa hai đất nước", ông Jarrard nói.

Trung tướng Mỹ cho biết mỗi năm Mỹ đều có một ngày để tưởng niệm những người đã ngã xuống vì đất nước. "Ngày mai, tôi sẽ trở về Hawaii và sau đó dự lễ tôn vinh những người đã hy sinh vì tổ quốc. Năm nay, sự kiện này sẽ càng có ý nghĩa hơn nhờ buổi lễ hôm nay", ông nói.

Hy vọng và hàn gắn

Gia đình ông Trương Văn Quơ nhận lại kỷ vật của chị ông, liệt sĩ Trương Thị Oanh, ngày 24-5 - Ảnh: NGUYỄN HỮU HẠNH

Gia đình ông Trương Văn Quơ nhận lại kỷ vật của chị ông, liệt sĩ Trương Thị Oanh, ngày 24-5 - Ảnh: NGUYỄN HỮU HẠNH

Trung tướng Jarrard cho biết việc trao trả kỷ vật là tín hiệu tích cực khi chỉ sau một thế hệ, hai bên trong cuộc chiến đã chuyển thành bạn bè.

"Những sự kiện như hôm nay là minh chứng cho quyết tâm của hai nước, rằng chỉ qua một thế hệ, chúng ta đã cùng tham gia chương trình hòa giải giữa hai dân tộc", ông nói.

Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Susan Burns chia sẻ bà rất xúc động khi thấy các cựu binh, các gia đình liệt sĩ với nhiều thế hệ tại buổi lễ, và thấy những kỷ vật có ý nghĩa với họ như thế nào. Bà nhắc lại việc Việt Nam đã giúp các gia đình Mỹ tìm lại hài cốt các thân nhân của họ.

"Nhiều gia đình Mỹ đã có thể biết được những gì xảy ra với người thân của họ trong chiến tranh. Khi nghe những câu chuyện, nhiều người cảm thấy nhẹ lòng, thấy được kết nối với người đã mất", bà nói.

Sự hợp tác trở lại của Mỹ với Việt Nam trong vấn đề này là một mục tiêu lâu dài và bà hy vọng nỗ lực này sẽ tiếp tục trong tương lai.

"Lễ trao trả kỷ vật đầu tiên diễn ra trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam gần đây, khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Kể từ đó đã có những sự kiện tương tự ở Hà Nội và theo tôi biết đây là lần đầu tiên hoạt động này diễn ra ở phía Nam", bà Susan Burns nói.

Trước đó vào ngày 10-5, Đại sứ quán Mỹ cũng đã trao trả 11 bộ kỷ vật cho các cựu chiến binh và thân nhân của các liệt sĩ tại Hà Nội.

Các kỷ vật được trao trả là những tư liệu như nhật ký, danh sách đơn vị, thư từ, thu được trong thời gian chiến tranh và phân tích tình báo, sau đó được sao chụp vi phim. Hiện có khoảng 955 cuộn vi phim được lưu trữ tại các trung tâm lưu trữ của Mỹ.

Nhóm nghiên cứu dự án Di sản chiến tranh chưa được khám phá tại ĐH Harvard đang nghiên cứu các tài liệu này để hỗ trợ tìm kiếm, cung cấp thông tin liên quan đến liệt sĩ, người mất tích trong chiến tranh. Dự án này thuộc sáng kiến Tìm kiếm người Việt mất tích trong chiến tranh (VWAI) do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ, trên cơ sở hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Việt Nam, Ban Chỉ đạo quốc gia 515 về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Kỷ vật chiến tranh - hành trình trở vềKỷ vật chiến tranh - hành trình trở về

TT - Kỷ vật chiến tranh - hành trình trở về - bộ phim tài liệu được đầu tư và chăm chút khá kỹ sẽ lên sóng trong chương trình VTV đặc biệt, lúc 21g30 ngày 25-7 trên VTV1.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên