Xung quanh câu chuyện nhiều người bất chấp luật lệ giao thông, ráng vượt đèn đỏ 1 - 2 giây, bóp còi inh ỏi, Tuổi Trẻ Online nhận được rất nhiều lượt bình luận từ bạn đọc gửi về. Điều đó càng cho thấy rõ mọi người không những công nhận có thực trạng trên mà còn rất bất bình với nó.
Còn 1 - 2 giây đèn đỏ, sao vội bóp còi bắt người khác vượt?
Đọc bài, Hạnh để lại lời bình ngắn gọn: "Chạy xe mà dùng còi vô tội vạ".
Bạn đọc Hải Đăng nói rất đồng cảm trước việc bị xe sau dí còi bất ngờ, rất khó chịu. Đó là khi Hải Đăng đang dừng đèn vàng ở trên đường Trần Hưng Đạo giao Hàm Nghi (quận 1, TP.HCM), một chiếc taxi lao tới từ phía sau, bóp còi inh ỏi.
"Tôi giật vọt tới thì bên hướng Hàm Nghi cũng vừa chuyển đèn xanh. Nhìn sang kính chiếu hậu, tôi thấy chiếc taxi trắng kia dừng đèn đỏ và tôi bỗng trở thành người vượt đèn đỏ", bạn đọc Hải Đăng viết.
Theo bạn đọc Mỹ Toàn, việc bóp còi xảy ra phần nhiều ở xe hơi, xe buýt và xe taxi. Mỹ Toàn nói văn hóa này "chắc khó thay đổi", bởi ngay cả khi nhà ở trong hẻm nhỏ nhưng vẫn thường xuyên nghe tiếng còi vang lên bất kể ngày hay đêm, dù đường vắng tanh. "Ngồi trong xe có máy lạnh, không hiểu bị gì cứ nhấn còi liên tục, mà dù còn vài giây nữa mới đến đèn xanh", bạn đọc Mỹ Toàn viết.
Độc giả Dương cũng đồng ý với Mỹ Toàn, khi mà kẹt xe nóng nực nhưng rất nhiều người bóp còi liên tục, rất nhức đầu.
Tấn Thi cho rằng: "Riêng vụ này mấy ông xe buýt đứng đầu. Vượt đèn đỏ, chen lấn làn, bóp còi khi đèn đỏ còn chỉ vài giây".
Trong khi đó, bạn đọc Nghieptran cho rằng vào hầm sông Sài Gòn nhưng hiện vẫn còn rất nhiều người bóp còi (đây là đoạn đường cấm bóp còi - PV) thì ở ngoài đường phố nghĩa lý gì, nghĩ mà chán.
Cần giáo dục văn hóa giao thông từ tiểu học
Theo bạn đọc Thanh Nguyen, tiếng còi là rác âm thanh gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Bình Sơn nói rất sợ mấy shipper liên tục vượt đèn vàng, đèn chuyển đỏ cũng vượt, phía trước có người thì lập tức bóp còi inh ỏi, trong khi trên xe hàng hóa chất đầy, lấp hết biển số xe. "Cảnh sát giao thông nên làm mạnh với đối tượng này", Bình Sơn viết.
Độc giả Triet Nguyen cho rằng văn hóa giao thông cần được giáo dục từ cấp tiểu học, không phải đợi đến lúc học lái xe thì đã quá trễ.
Đồng ý với Triet Nguyen, bạn đọc Khanh cho rằng học lái xe chỉ đào tạo để thi đạt, không đào tạo ý thức, đào tạo văn hóa, đào tạo hiểu luật.
Cùng ý kiến, bạn đọc Huygo nên thêm giải pháp cần tận dụng mạng xã hội, nơi có nhiều người theo dõi để tổ chức tuyên truyền, thực hiện các chuyên đề nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia giao thông văn minh, an toàn. "Văn hóa giao thông và ý thức môi trường xuống cấp trầm trọng", Huygo viết.
Hai thói quen cực kỳ nguy hiểm
Theo độc giả Tuổi Trẻ Online Chánh Tín Nghĩa, người Việt Nam cần thay đổi hai thói quen cực kỳ nguy hiểm khi tham gia giao thông: bấm còi tùy tiện và chạy xe ngược chiều. Nhiều người rất hay chạy xe ngược chiều để tìm đường đi ngắn, tiện nhất, từ đó tạo ra nguy hiểm cực kỳ cho mình và mọi người.
Chỉ điểm các cung đường "ồn ào"
Theo bạn đọc Trần Tuấn, quốc lộ 13 với nhiều loại xe buýt đường dài bóp còi "vô địch". Âm thanh khủng nhưng không bị xử lý, người đi đường thuờng xuyên giật mình và đã có người té ngã.
Còn theo độc giả Hoàng, tại quốc lộ 51, mặc dù đèn đỏ còn 5 giây đã bắt đầu nghe tiếng còi hơi. "Xe ben và xe tải là hai loại hung hăng nhất, bôi che biển số với nhiều hình thức nên không sợ phạt nguội. Quốc lộ 51 nhiều vô kể", Hoàng viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận