Khi ATM ra đời cuối thập niên 1960, người ta tin rằng đây là phát minh tối quan trọng giúp họ thôi lo lắng mấy giờ ngân hàng đóng cửa. Chỉ hơn nửa thế kỷ sau, niềm tin này đã không còn đúng.

Tại nhiều nước, số lượng máy rút tiền tự động đang ngày càng giảm đi khi cả xã hội và ngành ngân hàng cùng chuyển đổi số. "Số lượng máy ATM giảm do mọi người ít phụ thuộc vào tiền mặt hơn", Wall Street Journal chạy tít hồi tháng 3. Mặc dù vẫn còn nhiều người phụ thuộc vào ATM, những cây rút tiền vẫn âm thầm "biến mất" ở khắp nơi.

Thời đại bỏ rơi ATM - Ảnh 1.

Thời đại bỏ rơi ATM - Ảnh 2.

Tác giả Jim Carlton của Wall Street Journal cho rằng ATM đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành ngân hàng ngay khi ra mắt năm 1967 tại London. Trong vòng hai năm sau đó, Thụy Điển, Đức, Thụy Sĩ, Canada, Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác bắt đầu cài đặt và sử dụng ATM.

Tròn 50 năm kể từ khi Chemical Bank lắp đặt chiếc máy đầu tiên ở Mỹ vào năm 1969, số ATM ở nước này đạt đến con số cao nhất mọi thời đại - 470.000, theo dữ liệu từ Công ty nghiên cứu Euromonitor International.

Nhưng đến cuối năm 2022, con số trên giảm còn 451.500 máy. Trong khi đó, chuyển tiền qua các ứng dụng thanh toán như PayPal, Venmo và Cash ngày càng được ưa chuộng.

Kendrick Sands, giám đốc nghiên cứu tài chính tiêu dùng của Euromonitor, cho rằng nguyên nhân là do nhiều người vẫn chưa thay đổi thói quen không dùng tiền mặt trong dịch COVID-19 do sợ lây vi rút.

Thời đại bỏ rơi ATM - Ảnh 3.

Theo ước tính của hãng nghiên cứu này, tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt và séc trên tổng số các loại hình thanh toán ở Mỹ sẽ giảm còn 14% trong năm nay, so với 42% năm 2010. Ngay sau khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020 là lúc tỉ lệ này giảm nhanh nhất.

Thời đại bỏ rơi ATM - Ảnh 4.

Tuy nhiên, các quan chức của Hiệp hội Công nghiệp ATM hoài nghi các con số mà Euromonitor đưa ra. Họ cho rằng mặc dù khách hàng ít rút tiền trong đại dịch, nhu cầu về tiền mặt đang tăng trở lại.

David Tente, giám đốc điều hành của hiệp hội tại thị trường Mỹ và Mỹ Latin, khẳng định với Wall Street Journal dù không đưa ra tỉ lệ cụ thể nào rằng: "Tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán được lựa chọn đối với các giao dịch trực tiếp từ 25 USD trở xuống".

Sarah Grano, người phát ngôn của Hiệp hội Ngân hàng Mỹ, nhận định dù đại dịch đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ tiền mặt sang thanh toán kỹ thuật số, ATM vẫn là chìa khóa quan trọng đối với hệ thống ngân hàng của quốc gia này.

Julia Tunis Bernard, người phát ngôn của Wells Fargo - công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia của Mỹ, cũng đồng tình: "Đúng là khách hàng của chúng tôi đang ngày càng sử dụng các kênh kỹ thuật số nhiều hơn và giao dịch ít thường xuyên hơn tại các máy ATM cũng như các chi nhánh, nhưng số tiền mặt được rút đã tăng lên trong vài năm qua. Điều này cho thấy tiền mặt vẫn được khách hàng ưa chuộng".

Khách hàng thanh toán tiền bằng MoMo tại siêu thị Co.opMart Rạch Miễu, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khách hàng thanh toán tiền bằng MoMo tại siêu thị Co.opMart Rạch Miễu, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong khi chờ thời gian trả lời tính đúng sai của những nhận định trên, trước mắt, những ai vẫn cần tới ATM ở Mỹ đang gặp phải không ít khó khăn. Tại thành phố Kansas (bang Missouri), Barbosa, 31 tuổi, làm nghề pha chế tại khách sạn, than rằng anh khó tìm các máy ATM gần nhà ở trung tâm thành phố để nạp những khoản tiền khách boa vào tài khoản của mình như trước đây.

Tình trạng "khan hiếm" ATM cũng đã lan tới một số nơi khác ở Mỹ, theo Wall Street Journal.

Thời đại bỏ rơi ATM - Ảnh 6.

Tại Úc, báo Sydney Morning Herald cho biết người dân cũng ngày càng khó tìm thấy cây ATM hơn trước đây.

Theo Steve Worthington - giáo sư môn tiếp thị tại Đại học Swinburne, người dân ít sử dụng tiền mặt tại các điểm bán hàng hơn cũng như giảm rút tiền từ máy ATM kể từ sau đại dịch. Họ chuyển sang giao dịch trực tuyến nhiều hơn.

Số liệu được Thống đốc Ngân hàng Trung ương Úc Philip Lowe cung cấp hồi tháng 12-2022 cho thấy giá trị rút tiền mặt đã giảm 17% so với 2019, tức trước dịch, mặc dù giá trị chi tiêu danh nghĩa đã tăng 27% trong cùng kỳ.

Thời đại bỏ rơi ATM - Ảnh 7.

Không chỉ người dân giảm dùng tiền mặt, nhiều siêu thị ở Úc cũng chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ. Các chi nhánh của Ngân hàng ANZ và chuỗi thức ăn nhanh Fishbowl cũng hoàn toàn không dùng tiền mặt.

Kết quả là so với 13.814 máy năm 2017, số lượng ATM trên toàn lãnh thổ Úc đã giảm hơn một nửa, xuống chỉ còn 6.412 vào tháng 6-2022, theo dữ liệu từ Cơ quan Giám sát tài chính và bảo hiểm Úc (APRA).

Thời đại bỏ rơi ATM - Ảnh 8.

Trước tình hình này, Worthington lưu ý: "Tiền mặt vẫn quan trọng đối với nhiều người, đặc biệt là ở các vùng nông thôn nơi mọi người bị hạn chế hoặc không có kết nối Internet, và cả những người già cũng như nhiều người mới đến Úc. Vẫn còn rất nhiều người phụ thuộc vào tiền mặt".

Thời đại bỏ rơi ATM - Ảnh 9.

Thời đại bỏ rơi ATM - Ảnh 10.

Ở Bỉ, sự sụt giảm số lượng ATM đến từ quá trình tinh giản chi nhánh ngân hàng và triển khai dự án Batopin - rút gọn của "Belgian Atm Optimisation Initiative" (Sáng kiến tối ưu hóa ATM Bỉ).

Đây là dự án hợp tác giữa ING, KBC, Belfius và BNP Paribas Fortis - bốn ngân hàng lớn nhất Bỉ - nhằm xây dựng một hệ thống máy ATM dùng chung một cách an toàn và hiệu quả hơn ở quốc gia châu Âu này, thay vì dàn trải và phân lập.

Thời đại bỏ rơi ATM - Ảnh 11.

Theo tờ The Brussel Times, Ngân hàng Quốc gia Bỉ (NBB) ước tính năm 2021, nước này có 5.933 máy ATM. Con số này đã giảm xuống còn 5.199 vào cuối năm ngoái, và sẽ tiếp tục giảm còn 3.774 vào năm 2025, theo dự báo của các ngân hàng hàng đầu của Bỉ.

Ngay cả khi mạng lưới ATM toàn quốc được bổ sung 287 máy rút tiền theo kế hoạch của một số ngân hàng, tổng số ATM năm 2025 vẫn sẽ thấp hơn hiện tại hơn 1.000 máy.

Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Test Achats, tổ chức đảm bảo đạo đức tài chính Financité và hiệp hội dành cho người cao tuổi Okra không hài lòng trước sự sụt giảm này.

Thời đại bỏ rơi ATM - Ảnh 12.

"Có cảm giác các ngân hàng đang ngăn người dân tiếp cận tiền của mình bất cứ khi nào họ muốn. Bất chấp vô số khiếu nại, kiến nghị địa phương, kiến nghị từ hội đồng thành phố, nghị quyết từ quốc hội 3 vùng và mọi chất vấn của đại biểu quốc hội, ngành ngân hàng vẫn tiếp tục ngoảnh mặt làm ngơ" - cả ba chỉ trích trong một thông cáo báo chí chung ngày 3-3.

Liên minh Test Achats - Financité - Okra cũng mở một chiến dịch kiến nghị trực tuyến "Ngưng việc xóa sổ ATM" tại địa chỉ soscash.be, với các yêu cầu cụ thể gửi đến các bộ trưởng phụ trách tài chính, kinh tế và ngân sách: chấm dứt ngay lập tức mọi hoạt động gỡ máy ATM và khôi phục số máy đã gỡ, tối thiểu bằng số máy tính tới cuối năm 2021.

"Dễ dàng tiếp cận tiền mặt, tức là tiền của chúng tôi, là quyền phải được đảm bảo cho tất cả khách hàng của ngân hàng" - liên minh viết. Tính đến 12-6, đã có hơn 26.000 người ký thỉnh nguyện thư.

Thời đại bỏ rơi ATM - Ảnh 13.

PHAN BẢO
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0