20/12/2014 09:43 GMT+7

​Thoát nghèo nhờ vốn vay

A LỘC
A LỘC

TT - Nnhiều hộ nông dân của tỉnh Ðồng Nai không những trả hết nợ gốc mà còn tích lũy được vốn để tái đầu tư sản xuất.

Anh Hòa cho đàn dê ăn - Ảnh: A Lộc

Từ nguồn vốn vay hỗ trợ không lãi suất của chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” giai đoạn 2011-2013, nhiều hộ nông dân của tỉnh Ðồng Nai không những trả hết nợ gốc mà còn tích lũy được vốn để tái đầu tư sản xuất.

* Trao vốn “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” dành cho 60 hộ nông dân Đồng Nai
* Tổ chức: Báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Greenfeed
* Phối hợp: Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai

Hiện tại các gia đình trên đã có nguồn kinh tế khá giả, có điều kiện cho con đến trường.

Vừa được vay vốn, vừa được học kỹ thuật chăn nuôi

Tháng 10-2011, anh Nguyễn Văn Hòa (39 tuổi, ngụ ấp Ðông Minh, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, Ðồng Nai) được hỗ trợ vay vốn ưu đãi không lãi suất 10 triệu đồng tiền mặt và 1,6 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi.

Từ nguồn vốn đó, sau hai năm chăn nuôi kết hợp trồng rau, hoa màu, cuộc sống của gia đình anh giờ đã hết khó khăn, không còn cảnh chật vật lo tiền ăn học cho các con hằng tháng như trước.

Anh Hòa kể sau khi nhận được vốn vay, anh mua hai con dê cái, mấy chục con gà và đào ao thả cá trong khu vườn nhà. Có thêm việc làm, chị Ðặng Thị Vân (34 tuổi, vợ anh Hòa) nghỉ hẳn việc làm công nhân ở công ty để ở nhà phụ giúp chồng.

Hằng ngày, vợ chồng anh cắt cỏ, lá cây về cho dê ăn, tận dụng nguồn phân dê chăm bón cho cây trồng. Số thức ăn chăn nuôi do Công ty Greenfeed tài trợ, anh Hòa dùng nuôi cá. Ngoài ra, để có thêm thu nhập, chị Vân còn chịu khó trồng thêm vài luống rau cải, rau muống để bán ngoài chợ.

Mỗi năm gia đình anh Hòa thu được 15 triệu đồng tiền lời từ dê, 7-8 triệu đồng bán cá cùng các khoản từ bán hoa màu. Hiện gia đình anh đã trả hết vốn vay đúng hạn và dư ra một khoản để tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt. Hai người con của anh cũng nhờ đó mà yên tâm phấn đấu học hành.

Anh Hòa tự hào chia sẻ: “Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng niềm vui lớn nhất của vợ chồng tôi là hai đứa con đều rất chăm ngoan và học giỏi”.

Con lớn của anh là Nguyễn Thùy Dung (lớp 10B3 Trường THPT Xuân Lộc) luôn là học sinh khá giỏi, đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh. Con nhỏ là Nguyễn Văn Hùng (lớp 9C Trường THCS Phan Chu Trinh) cũng đạt học lực khá năm học vừa rồi.

Theo anh Hòa, nếu không có được nguồn vốn hỗ trợ kịp thời của báo Tuổi Trẻ, Công ty Greenfeed và Hội Nông dân tỉnh thì vợ chồng anh chưa chắc có ngày hôm nay.

Không chỉ được vay vốn không lãi suất, gia đình anh và những hộ nông dân khác còn được Công ty Greenfeed hỗ trợ tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, thiết kế chuồng trại, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong suốt hai năm tham gia chương trình.

Thoát nghèo từ vốn vay

Nhìn vào căn nhà khang trang của gia đình ông Vi Văn Số (57 tuổi, người dân tộc Nùng, ngụ ấp Bình Tân, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc), ít ai ngờ rằng cách đây vài năm, gia đình ông là một trong những hộ khó khăn nhất của xã. Ðể có được hôm nay, vợ chồng ông Số đã biết tận dụng và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”.

Nhận 10 triệu đồng vốn từ chương trình, ông Số quyết định mua một con heo nái về nuôi. Ông còn mạnh dạn vay thêm 14 triệu đồng từ các khoản chính sách xã hội khác để đầu tư mua một con bò và một con dê. Sau hai năm, ông trả hết các khoản vay.

Hiện trong chuồng của ông có 4 con heo nái, 4 con bò chuẩn bị đẻ, 5 con dê và hơn 100 con gà. Ông nói có nằm mơ cũng không nghĩ có ngày mình được số tài sản như vậy.

Ông Số chia sẻ “bí quyết” thoát nghèo, đó là “nắm bắt cơ hội từ đồng tiền vay và cần cù, chăm chỉ lao động”. Ông nói suốt hai năm qua, hằng ngày bà Nấm (vợ ông) vừa chăn bò nhà mình vừa chăn bò thuê, còn ông ở nhà lo cho heo, dê ăn, tranh thủ đi làm thuê để kiếm thêm tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày.

Cứ mỗi lần thu hoạch một lứa heo hay dê, ông lại đầu tư mua thêm gà, vịt về nuôi. Nhờ siêng năng, cần cù lại thêm chút may mắn nên đàn gia súc, gia cầm của vợ chồng ông ngày càng phát triển.

Không chỉ chăn nuôi, sản xuất giỏi, gia đình ông Số còn được biết đến là gia đình hiếu học tiêu biểu khi năm người con của vợ chồng ông đều được học hành đàng hoàng. Hiện ba người con lớn đã học xong, lập gia đình ổn định.

Hai con nhỏ là Vi Thị Mỹ (hiện là sinh viên Trường ÐH Mở TP.HCM) và Vi Thị Hà (lớp 12 Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Long Khánh) đều học khá tốt. Ông Số cười vui nói: “Cha mẹ chăn bò, chăn dê mà con cái học hành đàng hoàng như vậy ngẫm lại chúng tôi quá hạnh phúc”.

Chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” giai đoạn 1 tại Đồng Nai diễn ra từ tháng 10-2011 đến tháng 10-2013. Tính đến ngày 28-11-2014, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đã thu hồi được 409 triệu đồng tiền vốn/600 triệu đồng (đạt 68,20%).

Trong hai năm (2011-2013), Hội Nông dân tỉnh phối hợp với báo Tuổi Trẻ, Công ty Greenfeed VN, Tỉnh đoàn Đồng Nai, hội nông dân các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và hội nông dân các xã tham gia chương trình đã trao 55 suất học bổng với tổng trị giá 83 triệu đồng cho 55 học sinh là con em hộ gia đình nông dân nghèo tham gia chương trình; tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ nông dân được vay vốn.

Qua đó, giúp nông dân tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi, mang lại hiệu quả cao.

Trao vốn cho 60 hộ nông dân Đồng Nai

Ngày 21-12, báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Greenfeed VN sẽ tổ chức lễ trao vốn chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” cho 60 hộ nông dân thuộc hai huyện Tân Phú và Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Mỗi hộ được hỗ trợ vốn 15 triệu đồng và thức ăn chăn nuôi trị giá 3 triệu đồng, ngoài ra sẽ được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh...

Tại lễ trao vốn, chương trình còn trao thưởng 1 triệu đồng/suất dành cho con em hộ nông dân vượt khó học giỏi, tặng quà đặc biệt cho năm gia đình tiêu biểu vượt khó lo cho con ăn học, và trao thưởng cho sáu hộ nông dân làm ăn hiệu quả từ đồng vốn được cấp trong giai đoạn 2012-2014.

Đến nay sau hơn bốn năm, chương trình đã hỗ trợ tổng nguồn vốn gần 24 tỉ đồng cho 1.200 hộ nông dân ở 14 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Thuận, Bến Tre, Trà Vinh, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Định, Hưng Yên, Quảng Nam, Hải Dương, Nghệ An và Hà Nam (có địa phương được nhận vốn vay lần hai).

Từ nguồn vốn này, nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo, có điều kiện chăm lo con em ăn học. 

THÁI BÌNH

 

A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên