Nỗi lo chung của nhà thầu thi công là thiếu vật liệu đắp nền đường với hàng loạt dự án cao tốc, nhất là với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thách thức với cao tốc Đồng bằng sông Cửu long
Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo kế hoạch sẽ hoàn thành 400km cao tốc đến năm 2025, nhu cầu cát san lấp khổng lồ. Chỉ trong hai năm 2023 - 2024, cần gần 48 triệu m3 cát cho nền đường cao tốc khu vực này.
Trong khi đó, các mỏ cát khai thác công suất tối đa cũng chỉ được khoảng 17 triệu m3 (trong đó có 14 triệu m3 san lấp), các địa phương mới chỉ cân đối cung cấp được khoảng 3 triệu m3.
Khối lượng này chưa thể khai thác ngay mà cần triển khai các thủ tục liên quan theo quy định, mất khá nhiều thời gian, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ.
Nỗi lo lớn nhất với dự án cao tốc có lẽ là khâu xử lý nền đất yếu. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có đến 45km/51,5km đường phải xử lý nền đất yếu, khi hoàn thành được đến 98% thì thách thức lớn nhất vẫn là chất lượng xử lý nền đất yếu và tình trạng lún không đều.
Nền đất yếu và các công tác xử lý sao cho hiệu quả là một trong những vấn đề khó khăn, tốn kém và nhiều rủi ro với các dự án giao thông, nhất là công trình đường bộ cao tốc. Đòi hỏi khối lượng vật liệu rất lớn đủ bù vênh, gia cố ta luy dẫn đến chi phí đắt gấp bội.
Cầu cạn, tại sao không?
Hiệu quả với dự án cao tốc căn cứ vào nhiều yếu tố. Phải tính cả cái giá phải trả về sau. Xử lý nền đất yếu nếu không an toàn, nền đường sau này không đủ sức chịu tải, biến dạng như đã từng xảy ra với những công trình mới đưa vào sử dụng đã bị lún quá mức cho phép. Đường hư hỏng, khắc phục rất tốn kém.
Lân cận khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn có nhiều dự án giao thông lớn sắp triển khai cũng lo thiếu vật liệu như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, vành đai 3 TP.HCM. Mà nguồn vật liệu như cát san lấp cũng có giới hạn, nếu khai thác quá mức không đảm bảo an toàn có thể gây sạt lở về sau...
Vậy nên rất cần tính thêm phương án khác, không chỉ là khắc phục tình trạng thiếu cát cho các dự án cao tốc, đặc biệt khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Làm cầu cạn ở những cung đoạn phù hợp đối với các dự án cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng là một phương án. Điều này không chỉ giải quyết về vật liệu đắp nền đường mà còn có sự so sánh chọn phương án tối ưu về hiệu quả, khả thi, an toàn, hạn chế ảnh hưởng môi trường...
Như đường cao tốc Quảng Châu - Đông Hoan - Thâm Quyến (Trung Quốc) được xây dựng hầu như toàn bộ theo phương án cầu cạn dài 122,8km, đi vào hoạt động từ năm 1997. Thái Lan, Nhật Bản và nhiều nước khác ưu tiên làm cao tốc đi trên cao qua nền đất yếu cho thấy hiệu quả.
Ưu tiên cho đủ vật liệu san lấp
Khẩn trương kiểm tra các mỏ cát trong từng vùng, đánh giá mức độ an toàn cho phép để gia hạn, nâng công suất khai thác. Ngoài ra, rà soát mở thêm các mỏ cát mới, những nơi đã có trong quy hoạch nhưng chưa khai thác và đẩy nhanh thủ tục cấp phép.
Nghiên cứu tận dụng tro xỉ, cát biển san lấp nền đường cao tốc cũng là một giải pháp nên hướng tới. Việc này cần có sự phối hợp kịp thời giữa các bộ Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận