Tình trạng thiếu giáo viên cấp học mầm non, phổ thông công lập diễn ra trên cả nước.
Kết thúc năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người so với năm học trước.
"Làn sóng" giáo viên nghỉ việc vẫn đang ở con số khá cao và vẫn chưa dừng lại.
Cần nhớ năm học 2021-2022 có hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục và số này trong năm học vừa qua là hơn 9.000.
Nguyên nhân thì có đủ, nào là công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền mà không theo quy luật...
Thiếu giáo viên: Nguyên nhân nào chỉ nhiêu đó
Chuyện thiếu giáo viên không mới, vậy mà việc tuyển dụng giáo viên lại bị "đóng băng".
Lý do là chính quyền địa phương đã áp dụng một cách máy móc khi thực hiện chủ trương của Chính phủ về tinh giản biên chế 10% trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp.
Và trong bối cảnh ấy, những bức xúc do thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng thấp... càng làm cho tình trạng thiếu giáo viên trở thành "chuyện thường ngày ở huyện", kéo dài năm này qua năm khác.
Mà đâu phải xã hội thiếu giáo viên đâu. Chỉ vì địa phương không được giao chỉ tiêu tuyển dụng nên không thể tuyển dụng. Hệ quả nữa là nhiều sinh viên sư phạm ra trường vẫn không tìm được chỗ dạy.
Thực trạng này cũng để lại những bức xúc với người trong cuộc, còn gọi theo các nhà kinh tế đó là sự lãng phí nguồn lực.
Liệu có phải do cơ chế? Chưa hẳn.
Nghị định 116 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, áp dụng từ năm học 2021 - 2022 cho phép đào tạo giáo viên theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.
Trên thực tế, các trường sư phạm chờ đón "đơn đặt hàng" nhưng nhiều địa phương không màng giải pháp gỡ khó này. Thiếu vẫn hoàn thiếu!
Nơi nào chịu trách nhiệm?
Liên quan đến giao biên chế viên chức, theo Bộ Nội vụ, thực chất bộ này không có thẩm quyền, mà chỉ có nhiệm vụ thẩm định biên chế viên chức hằng năm để các đơn vị căn cứ vào đó, các địa phương thông qua HĐND.
Bộ Nội vụ có nhiệm vụ đề xuất, tham mưu cho Chính phủ bổ sung biên chế viên chức, nhất là viên chức giáo dục, đáp ứng yêu cầu "có học sinh phải có giáo viên" nhưng phải đảm bảo một cách hợp lý, phải đảm bảo theo định mức.
Vậy nơi nào chịu trách nhiệm của tình trạng thiếu giáo viên đã trở thành "kinh niên"? Tất nhiên, cuối cùng vẫn là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Và "nạn nhân" vẫn là các học sinh.
Nhưng xét lại vẫn là tổng hợp các nguyên nhân, đủ cả các ngành, từ giáo dục, nội vụ, các địa phương, thậm chí cả ngành tài chính vì có liên quan đến ngân sách...
Mà cứ thế này thì tình trạng thiếu giáo viên cứ dắt dây từ năm này qua năm khác, trong khi chúng ta luôn hô hào phải tuân thủ nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên".
Thật khó hiểu, khi giáo dục luôn được ưu tiên, cả xã hội quan tâm, vậy mà ngoài sách giáo khoa còn có vấn nạn thiếu giáo viên, luôn trong tình trạng "thiếu, thiếu, rồi lại thiếu...". Một thực trạng không hay khi năm học mới sắp bắt đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận