Thiếu máu, thiếu vật tư y tế, máy móc và thiếu cả thuốc vì các bệnh viện làm thủ tục đấu thầu chậm?

Tháng 10 vừa qua, lần thứ 2, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ gửi công văn cầu cứu vì cạn nguồn máu điều trị cho cả TP Cần Thơ và miền Tây.

Nguyên nhân là do bệnh viện này… thiếu túi đựng máu và hóa chất do chưa thể đấu thầu mua thiết bị y tế.

Thiếu máu: Trăm sự tại cái túi đựng?- Ảnh 1.

Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ cho hay số lượng máu và chế phẩm mà các bệnh viện khu vực Tây Nam Bộ cần mỗi tuần từ 2.800 - 3.000 đơn vị khối hồng cầu và 300 - 400 đơn vị tiểu cầu.

Thời gian gần đây, kho máu của bệnh viện luôn trong tình trạng "cháy hàng", có ngày chỉ còn 5 đơn vị máu B, 3 đơn vị khối tiểu cầu…

Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ tiếp nhận, sàng lọc và sản xuất máu để cung cấp cho 74 bệnh viện 11 tỉnh miền Tây.

Thiếu máu: Trăm sự tại cái túi đựng?- Ảnh 2.

Bệnh nhân cần truyền máu ở khoa thận - thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ. Ảnh: THÁI LŨY

Gần 1 năm nay, do chậm đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư, bệnh viện này không còn túi lấy máu, cạn hóa chất, hết vật tư xét nghiệm máu nên không thể tổ chức lấy máu và sàng lọc được. Việc thiếu máu kéo dài từ tháng 3-2023 đến nay.

"Bệnh viện đã đi vay mượn khắp nơi nhưng vẫn không đủ" - bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, giám đốc bệnh viện, cho biết.

Thiếu máu: Trăm sự tại cái túi đựng?- Ảnh 3.

Trong khi đó, các bệnh viện và trung tâm truyền máu khác thông báo sẽ giảm nguồn cung cấp hỗ trợ máu, chế phẩm máu cho Cần Thơ khiến bệnh viện này phải gửi công văn cầu cứu lần thứ 2.

Không chỉ ở Cần Thơ, nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu thiết bị, vật tư. Cuối tháng 9-2023, cả hai máy chụp MRI của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM "lâm bệnh" cùng lúc.

Người bệnh phải qua Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức và Bệnh viện Hồng Đức để chụp.

Một bệnh viện khác tại TP.HCM cũng thiếu máy chụp MRI, người bệnh phải chờ cả tháng mới được chụp MRI, nhân viên bệnh viện phải làm ngoài giờ để giảm bớt số lượng bệnh nhân phải chờ đợi.

Từ tháng 9-2023 Bệnh viện Mắt trung ương chỉ mổ được dưới 20 ca/ngày (so với 300 ca/ngày trước đó) do thiếu nhiều vật tư.

Các năm trước, bệnh viện nhận 100 giác mạc hiến tặng nhưng 9 tháng đầu 2023 chỉ có thể tiếp nhận 2 giác mạc do thiếu dung dịch bảo quản. Mặc dù số người chờ ghép giác mạc nhiều nhưng bệnh viện phải từ chối tiếp nhận giác mạc do thân nhân người chết hiến tặng.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước cũng thiếu thuốc và thiết bị y tế đến nỗi người nhà bệnh nhân phải mua gạc phẫu thuật, bơm, kim tiêm, chỉ, dao mổ, băng keo, mũ phẫu thuật, bộ nẹp... từ bên ngoài để cung cấp cho ê kíp phẫu thuật. Lãnh đạo bệnh viện xác nhận do chậm đấu thầu nên bệnh viện mới thiếu những vật tư trên và yêu cầu bệnh nhân mua bên ngoài để phục vụ điều trị.

Thiếu máu: Trăm sự tại cái túi đựng?- Ảnh 4.

Thiếu máu: Trăm sự tại cái túi đựng?- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Xuân Việt, giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Cần Thơ, cho biết trước đây Sở Y tế đấu thầu tập trung thuốc, vật tư y tế tiêu hao… theo nhu cầu bệnh viện. Từ 2022 sở giao bệnh viện tự tổ chức đấu thầu.

"Chúng tôi đã chuẩn bị từ cuối năm 2021, đầu năm 2022 bệnh viện trình Sở Y tế phê duyệt các gói thầu thiết bị sử dụng trong năm nhưng sở phê duyệt chậm, kéo theo chậm ở những khâu sau.

Sau đó, gói thầu năm 2022 đổi thành gói thầu vật tư hóa chất cho năm 2023-2024 và kéo dài đến nay. Gói thầu này có tổng cộng 394 mặt hàng, trong thời gian làm thủ tục thì có nhiều mặt hàng thay đổi giá, phải bổ sung nhiều lần.

Gói thầu cuối cùng có 47 mặt hàng được phê duyệt ngày 18-10 vừa qua. Hiện bệnh viện đang tổ chức đấu thầu, quyết tâm đến tháng 12-2023 sẽ có túi máu và hóa chất để đi lấy máu sàng lọc và cung ứng cho các đơn vị", ông Việt nói.

Thiếu máu: Trăm sự tại cái túi đựng?- Ảnh 6.

Một chuyên gia về đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư cho bệnh viện cho biết hiện tất cả các gói thầu đều triển khai đấu thầu qua mạng, chỉ cần sai sót một chi tiết đã là phạm quy, nhà thầu đó sẽ bị loại.

Vì vậy thời gian chuẩn bị gói thầu kéo dài hơn trước. Ông Dương Đức Hùng, giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cũng khẳng định các cơ sở có tâm lý ngại, sợ sai trong quá trình đấu thầu mua sắm thuốc và các thiết bị, vật tư y tế.

Ông Hùng cho rằng tâm lý này khiến cán bộ đấu thầu cẩn trọng hơn nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ mua sắm vật tư, thiết bị cho bệnh viện.

Hiện nhiều tỉnh thành không dám triển khai mua sắm vắc xin tiêm chủng mở rộng, gây ra tình trạng thiếu vắc xin kéo dài và hiện phải chuyển về trung ương đấu thầu.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, giám đốc Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia (thuộc Bộ Y tế), cho hay các gói thầu và danh mục thuốc mua sắm thuộc trách nhiệm của trung tâm đã được đàm phán xong và có hiệu lực cuối 2024.

Việc thiếu thuốc, vật tư y tế ở các bệnh viện thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của các bệnh viện và chính quyền địa phương.

Thiếu máu: Trăm sự tại cái túi đựng?- Ảnh 7.

Thiếu máu: Trăm sự tại cái túi đựng?- Ảnh 8.

Ngày 7-11, giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ Nguyễn Xuân Việt cho biết sau chỉ đạo của Bộ Y tế về việc đảm bảo nguồn cung cấp máu, chế phẩm máu cho các tỉnh miền Tây thì nguồn máu đã được cải thiện. Kho máu đã có máu dự trữ cho cấp cứu với trên 200 đơn vị hồng cầu, tiểu cầu thì hiếm hơn.

Nguồn máu chính vẫn do Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, Trung tâm Huyết học - Truyền máu TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp.

Các đơn vị này hỗ trợ số lượng tăng lên từ đầu tháng 11 đến nay nên nguồn cung cấp hồng cầu đã đảm bảo cho bệnh nhân cấp cứu. Tuy nhiên, lượng máu trên chưa đủ cung cấp cho các bệnh nhân bệnh mãn tính cần truyền máu. Và tiểu cầu cũng không đủ.

Gói thầu 394 mặt hàng hóa chất, vật tư tiêu hao đang được bệnh viện gấp rút hoàn thành đấu thầu theo từng gói, gói nào thẩm định xong sẽ chuyển ngay qua công đoạn tiếp theo để đẩy nhanh tiến độ. "Các nhóm, tổ liên quan phục vụ cho đấu thầu bệnh viện chỉ đạo làm xuyên suốt, kể cả thứ bảy, chủ nhật. Quyết tâm đến tháng 12-2023 phải có túi máu và hóa chất để đi lấy máu sàng lọc và cung ứng cho các đơn vị", ông Việt nói.

Trong năm 2023, Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành 3 văn bản gỡ vướng việc mua sắm vật tư, thuốc, thiết bị y tế: nghị quyết 30 của Chính phủ, thông tư 06 và thông tư 14 của Bộ Y tế.

Đáng chú ý nhất là không còn yêu cầu phải có 3 báo giá khi xác định giá gói thầu mua sắm, sửa chữa thiết bị y tế, bởi đặc thù của ngành y tế có nhiều nhà cung cấp độc quyền.

Theo đó, các bệnh viện có thể mua sắm và tham khảo giá theo 3 hình thức: tra cứu giá trên cổng thông tin chính thức, thông qua giá của các đơn vị thẩm định giá hoặc báo giá chính thức của đơn vị cung cấp.

Nếu chỉ có 1 báo giá thì xác định giá thông qua giá mua của các đơn vị mua sắm thiết bị cùng loại trước đó. Những nội dung gỡ vướng này đã giúp các bệnh viện mua sắm được thiết bị nhưng khối lượng chưa nhiều.

Sang năm 2024, việc đấu thầu phải thực hiện theo Luật Đấu thầu (có hiệu lực ngày 1-1-2024). Nhiều bệnh viện lo lắng việc đấu thầu mua sắm sẽ phải ngưng lại để chờ hướng dẫn bởi các mặt hàng trong ngành y tế là hàng đặc thù, luật hướng dẫn chung chưa đủ nội dung để các đơn vị thực hiện.

Thiếu máu: Trăm sự tại cái túi đựng?- Ảnh 9.

Tốc độ phát triển thần tốc của y học và công nghệ hiện đại đã cho ra đời rất nhiều máy móc nhân tạo hỗ trợ co bóp tim, lọc máu, chế tạo các bộ phận cơ thể như chi, mũi, tai, ngực, thậm chí cả bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, vật chất khó bắt chước nhất trong cơ thể con người chính là thứ chất lỏng diệu kỳ chảy khắp 96.000km chiều dài mạng lưới động mạch, mao mạch và tĩnh mạch.

Giới khoa học kỳ vọng máu được chế tạo trong phòng thí nghiệm một lúc nào đó sẽ dùng được để cứu người.

Việc tìm kiếm các giải pháp thay thế máu tươi được hiến tặng là cực kỳ quan trọng bởi máu hiến tặng không hoàn toàn loại trừ được khả năng rủi ro mang bệnh truyền nhiễm, không lưu trữ được lâu hơn 42 ngày và cái chính là không bao giờ đủ cho nhu cầu sử dụng cao.

Thiếu máu: Trăm sự tại cái túi đựng?- Ảnh 10.

Khoảng 60% quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các nước ở châu Phi cận Sahara, Nam Á và châu Đại Dương thường xuyên phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu máu.

Một nửa lượng máu được thu thập trên khắp thế giới mỗi năm chủ yếu ở khu vực Hoa Kỳ, Canada, châu Âu và Úc, chỉ đủ cung cấp cho 1/5 dân số toàn cầu, theo trang Vox.

Ngân hàng máu ở mọi nơi hầu hết trong tình trạng thiếu thốn trường kỳ. Tần suất dày đặc của các thảm họa gây thương vong - gồm cả thiên tai và nhân tai - góp phần làm trầm trọng thêm tình hình.

Lấy ví dụ: trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến 50.000 người thiệt mạng và 122.500 người bị thương hồi tháng 2, xả súng liên tục ở Mỹ (chỉ tính đến tháng 7 đã có trên 400 vụ), hay bão lũ khắp nơi. Những tình huống này vừa khiến việc đi hiến máu và phân phối máu khó khăn, vừa tăng nhu cầu cần có máu truyền.

Thiếu máu: Trăm sự tại cái túi đựng?- Ảnh 11.

Máu tạo ra từ phòng thí nghiệm được lưu trữ tại phòng nghiên cứu của Đại học Bristol. Ảnh: NHSBT

Mới nhất, Hội Chữ thập đỏ - tổ chức thu thập và phân phối khoảng 40% tổng lượng máu hiến trên toàn nước Mỹ - thông báo nguồn cung trong nước đã giảm gần 25% - tương đương 30.000 đơn vị máu và tiểu cầu - kể từ đầu tháng 8. Đến nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Nguyên nhân là do thảm họa khí hậu liên tiếp diễn ra trong nhiều tháng, khiến người hiến máu khó đến các trung tâm hiến máu và truyền máu. Khổ nhất là những người có nhóm máu hiếm - tìm được loại máu phù hợp chính xác với họ vốn đã khó như tìm kim đáy bể, giờ lại càng khó khăn hơn vì số máu được hiến ngày càng ít đi.

Thiếu máu: Trăm sự tại cái túi đựng?- Ảnh 12.

Chính vì vậy, giới khoa học đang nỗ lực đưa việc sản xuất máu của tủy vào phòng thí nghiệm. Ý tưởng tự sản xuất máu đã hình thành một cách nghiêm túc cách đây hơn 400 năm, ngay khi con người nắm bắt được cấu trúc và cách vận hành của hệ tuần hoàn.

Thiếu máu: Trăm sự tại cái túi đựng?- Ảnh 13.

Theo Philip Spinella, giáo sư phẫu thuật và chăm sóc đặc biệt Đại học Pittsburgh, máu về cơ bản là hệ thống cơ quan của chính nó. Trong cơ thể người, nó lưu thông dọc theo xa lộ mạch máu - nếu xếp thẳng sẽ dài tới hơn 96.000km - phân phối oxy, luân chuyển chất dinh dưỡng và hormone, loại bỏ chất thải, bảo vệ hệ thống miễn dịch.

Máu cũng điều phối nhiệt và duy trì cân bằng hóa học và chất lỏng của cơ thể khi nó di chuyển. Khoảng 1/12 trọng lượng của cơ thể người trưởng thành là sự pha trộn kỳ diệu của máu gồm nước, protein, muối, đường, chất béo, hồng cầu giàu oxy và tiểu cầu tạo cục máu đông.

Thiếu máu: Trăm sự tại cái túi đựng?- Ảnh 14.

Những người tiên phong này đã nỗ lực chứng minh tính an toàn và hiệu quả của việc truyền máu khi đối mặt với thực tế sinh lý là máu đông lại khi tiếp xúc với không khí, có thể truyền bệnh và thậm chí có thể gây độc khi không khớp loại. Mãi đến năm 1901 người ta mới phân loại các nhóm máu.

Những ca truyền máu thành công sớm nhất là vào đầu thế kỷ 20 từ sự tuyệt vọng của các bác sĩ khi không còn cách nào để cứu bệnh nhân. Các bác sĩ phẫu thuật truyền máu từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác bằng cách khâu các mạch máu lộ ra của họ lại với nhau theo đúng nghĩa đen.

Theo thời gian, những tiến bộ như kim vô trùng, thuốc chống đông máu và kỹ thuật ly tâm đã giúp việc lấy máu gần như không gây đau đớn, làm lạnh máu trong nhiều ngày và chia tách các phần cấu thành: hồng cầu, bạch cầu, huyết tương và tiểu cầu.

Thiếu máu: Trăm sự tại cái túi đựng?- Ảnh 15.

Nhiều thử nghiệm trong gần một thế kỷ cố gắng biến đổi về mặt hóa học huyết sắc tố tự do được phân lập từ tế bào hồng cầu, nhưng kết quả là cách này lại gây tổn thương thận và tăng huyết áp mạch máu.

Một số nhà nghiên cứu cũng thử truyền cho loài gặm nhấm và con người chất perfluorochemicals, loại polymer mà họ hy vọng sẽ hoạt động như chất thay thế tế bào hồng cầu, nhưng rồi phát hiện ra việc truyền máu dẫn đến sốt, viêm và lượng oxy thấp.

Trong nhiều thế kỷ qua, các bác sĩ đã không thành công khi thử thay thế máu bằng đủ loại chất lỏng như bia, nước tiểu, nước muối và sữa. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, các nhà khoa học cuối cùng đã bắt đầu tạo ra một số đột phá trong việc mô phỏng máu tươi của con người.

Thiếu máu: Trăm sự tại cái túi đựng?- Ảnh 16.

Các tình nguyện viên được truyền 2 lần, mỗi lần 10ml máu. Trong đó, một liều truyền là máu tự nhiên, liều kia là máu trong phòng thí nghiệm, tạo ra từ tế bào gốc của cùng một người hiến. Các tình nguyện viên được theo dõi sức khỏe thường xuyên.

Tháng 3-2023, một trong hai tình nguyện viên tham gia thử nghiệm đã đồng ý công khai danh tính. Bà Yvonne Smith, 69 tuổi, vẫn khỏe mạnh và cho biết hoàn toàn không lăn tăn gì khi tự nguyện tham gia, vì biết đây là chuyện có thể cứu mạng người.

Thiếu máu: Trăm sự tại cái túi đựng?- Ảnh 17.

Ngoài ra, nhiều thử nghiệm khác đang được tiến hành, hướng tới việc tổng hợp các thành phần khác nhau của máu và kết hợp chúng thành một chất thay thế chức năng cho máu thật.

Mặc dù vậy, các tiến triển bước đầu này vẫn cần thêm nhiều năm nghiên cứu thực nghiệm nữa trước khi máu nhân tạo thực sự sẵn sàng để truyền vào cơ thể con người.

Cuộc hành trình tìm kiếm máu nhân tạo vẫn chưa có hồi kết, song niềm tin của giới khoa học vẫn vững vàng: máu nhân tạo trong một tương lai gần có thể sẽ đủ dùng cho các trường hợp cấp cứu, thậm chí khả quan hơn là sẽ xóa được tình trạng thiếu máu trên toàn cầu.

Thiếu máu: Trăm sự tại cái túi đựng?- Ảnh 18.

L.ANH - H.LỘC - T.LŨY - HIẾU THẢO
VÕ TÂN


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0