26/11/2023 10:27 GMT+7

'Thiên la địa võng' của ông Kim Jong Un

Động thái phóng tên lửa mang theo vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 vào ngày 21-11 được ghi nhận như một bước triển khai mới của thế trận 'răn đe phủ đầu' của Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un và con gái dự tiệc chúc mừng việc phóng thành công vệ tinh trinh sát - Ảnh: AFP

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un và con gái dự tiệc chúc mừng việc phóng thành công vệ tinh trinh sát - Ảnh: AFP

Thế trận này được khởi động từ lúc Triều Tiên thông qua Pháp lệnh hạt nhân mới vào đầu tháng 9-2022 nhằm khẳng định vị thế quốc gia hạt nhân, và đảm bảo các nhiệm vụ "lấy việc răn đe chiến tranh làm sứ mệnh cơ bản" và "tự động đáp trả" khi có nguy cơ bị tấn công.

Thế trận "răn đe toàn diện" của Triều Tiên

Tuy nhiên thế trận này đang dần trở nên kém hiệu quả khi Mỹ - Nhật - Hàn liên tục tiến hành các cuộc tập trận phòng thủ tên lửa đạn đạo (tháng 2-2023), chống ngầm (4-2023) và mới nhất là cuộc tập trận không quân chung ba bên lần đầu tiếp cận không phận bán đảo Triều Tiên (10-2023).

Không chỉ vậy, mặc dù khẳng định sẽ không triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Hàn Quốc nhưng chính quyền Tổng thống J. Biden lại tuần tự luân chuyển các khí tài thuộc "bộ ba hạt nhân" tham gia các hoạt động diễn tập quân sự chung.

Điển hình nhất là chuyến thăm cảng Busan của tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio USS Kentucky (7-2023) và việc triển khai các máy bay ném bom chiến lược B1-B (8-2023) và B-52 (10-2023) đến Hàn Quốc.

Chính chuỗi động thái này kết hợp với chương trình nghị sự của Nhóm tư vấn hạt nhân Mỹ - Hàn từ tháng 7-2023 đã thúc đẩy Triều Tiên phát triển thế trận "răn đe phủ đầu" lên một cấp độ mới. Trong đó, thế trận tăng cường này được thiết kế nhằm phát huy lợi thế tuyệt đối cả về hải - lục - không gian mà Triều Tiên đang có trước các nỗ lực "chạy đua công nghệ" quân sự từ người láng giềng Hàn Quốc.

Cụ thể, ngoài lợi thế tuyệt đối về vũ khí hạt nhân trên mặt đất, Triều Tiên còn tuyên bố đã hạ thủy tàu ngầm tấn công hạt nhân có tên "Anh hùng Kim Kun Ok" vào đầu tháng 9-2023. Trong khi Hàn Quốc dự kiến đến năm 2027 mới có thể triển khai hệ thống phóng thẳng đứng mới để hiện thực hóa năng lực phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.

Trên không gian, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vẫn đang triển khai hệ thống tấn công phủ đầu bằng vệ tinh Kill Chain với sự kiện phóng vệ tinh trinh sát bản địa đầu tiên bằng tên lửa Falcon 9 của Công ty SpaceX (Mỹ) từ căn cứ lực lượng vũ trụ Vandenberg ở California vào ngày 30-11 tới. 

Do đó, có thể nói Triều Tiên vẫn đang tiếp tục duy trì lợi thế trên không gian khi phóng vệ tinh Malligyong-1 chính xác vào quỹ đạo và truyền dẫn thành công hình ảnh quanh Seoul cùng khu vực Pyeongtaek - nơi có Trại Humphreys (cơ sở quân sự của Mỹ ở nước ngoài lớn nhất thế giới) và các căn cứ quân sự khác của Mỹ ở Gunsan, Osan (Hàn Quốc) và cả ở đảo Guam.

Thế lưỡng nan cho trục Mỹ - Hàn

Không chỉ dừng ở phạm vi đối trọng - khắc chế trước thế trận "răn đe phủ đầu" tương tự mà Hàn Quốc đang xây dựng, tính toán của Triều Tiên dường như cũng đang gián tiếp đẩy liên minh Mỹ - Hàn vào hai thế khó.

Thứ nhất, đó là xu hướng cho thấy Triều Tiên vẫn đang duy trì lợi thế trên cả hai "cuộc chơi" về răn đe hạt nhân và phi hạt nhân ở khu vực. Xu hướng này rất dễ đẩy trục Mỹ - Hàn vào "thế lưỡng nan trong chính trị liên minh" xuất phát từ logic của các kịch bản rủi ro bị bỏ rơi hoặc mắc kẹt trong một liên minh.

Khi đó, phía Mỹ mặc dù đang phải "gồng mình" để hậu thuẫn toàn lực cho Ukraine ở Đông Âu và Israel ở Tây Á vẫn không thể bỏ rơi Hàn Quốc. Nhưng Mỹ cũng không muốn vướng bận quá mức để dẫn đến rủi ro bị Hàn Quốc lôi kéo vào viễn cảnh bùng nổ một cuộc chiến mới ngoài tầm kiểm soát ở Đông Bắc Á.

Thứ hai, đó là xu hướng buộc Mỹ phải chấp thuận cho sự tiếp diễn lập trường "mơ hồ chiến lược" của Hàn Quốc khi nước này vẫn duy trì quan hệ tích cực với các đối thủ của Mỹ ở khu vực là Nga và Trung Quốc.

Các nỗ lực phục hồi Thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn vào cuối năm 2023 cùng với sự thiết lập cơ chế hợp tác kinh tế mới khiến quan hệ Hàn - Trung tăng cường gắn kết dường như được hiểu theo nghĩa có lợi hơn cho chiến lược "dung hòa" Triều Tiên từ cả hai phía Đông (trục Mỹ - Hàn) và Tây (Trung Quốc).

Nhìn chung, động thái phóng thành công vệ tinh vừa rồi chính là một bước tiến mới nhằm kiện toàn thế trận răn đe "thiên la địa võng" của Triều Tiên khiến không chỉ Hàn Quốc mà cả trục Mỹ - Hàn đều suy giảm ý chí xây dựng thế trận "phản răn đe" vốn đang trên thế yếu. 

Từ nền tảng này, một cục diện ổn định và cân bằng lâu dài ở bán đảo Triều Tiên đang hình thành khi không bên nào muốn xảy ra xung đột để có thể leo thang chiến sự đến một kịch bản đôi bên cùng bị tiêu diệt.

Vệ tinh hay tên lửa?

Vụ phóng vệ tinh Malligyong-1 lần này tuy được Triều Tiên khẳng định "nằm trong giới hạn quyền tự vệ" chính đáng nhưng thực tế lại đồng nghĩa với việc Triều Tiên có thể chế tạo một tên lửa có khả năng mang đầu đạn có kích thước như vệ tinh.

Do đó, trong khi ông Kim Jong Un ca ngợi sự kiện như việc triển khai một "người bảo vệ không gian" giám sát các đối thủ thì ông Yoon Suk Yeol lại thừa nhận "năng lực phóng tên lửa xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên đã được nâng lên một tầm cao hơn". Tính lưỡng dụng giữa năng lực phòng thủ (cảnh báo sớm) và tấn công (bằng các tên lửa ICBM) vì vậy đã được tích hợp vào hệ thống răn đe đa phương diện về dài hạn mà Triều Tiên đã kiện toàn ở cột mốc này.

Nhật Bản nói hệ thống phòng thủ đã sẵn sàng đối phó tên lửa đạn đạo của Triều TiênNhật Bản nói hệ thống phòng thủ đã sẵn sàng đối phó tên lửa đạn đạo của Triều Tiên

Nhật Bản cho biết Triều Tiên đã thông báo với nước này về việc Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo mang theo vệ tinh vào không gian trong khoảng thời gian từ ngày 22-11 tới 1-12.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên