17/10/2012 10:31 GMT+7

Thiên đường mong manh

VŨ HOÀNG THÀNHHOÀNG ĐIỆP ghi
VŨ HOÀNG THÀNHHOÀNG ĐIỆP ghi

TT - Sinh con ra, nuôi con lớn, con đi làm, con cười nói, đi lại hay con nổi giận, khóc lóc... đều là những dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí những người làm cha mẹ.

XLCzqnIA.jpgPhóng to
Ông Vũ Hoàng Thành và tập hồi ký cho con - Thiên đường mong manh - Ảnh: T.T.D.

Vậy mà đùng một cái người ta gọi điện bảo con bị tai nạn.

Lúc ra khỏi nhà con còn vẫy tay, nhoẻn cười chào mà khi vào viện thấy con bất động và lạnh ngắt!

Vắng tiếng con cười

...21g một ngày tháng 2-2009. Sau giờ làm việc ở Công ty du lịch Bước Tiến, Vũ Thị Thái Phương (hướng dẫn viên, sinh năm 1989) điều khiển xe gắn máy chở theo một đồng nghiệp tên Dương về nhà. Qua giao lộ Trần Hưng Đạo, Nguyễn Khắc Nhu (Q.1, TP.HCM) thì một ôtô bị mất thắng lao trực diện vào người. Vũ Thị Thái Phương tử vong tại chỗ, người bạn gái tên Dương mất sau đó trong bệnh viện...

...21g đêm hôm đó tôi và gia đình mới nhận được tin con bị tai nạn, đang được cấp cứu trong Bệnh viện Chợ Rẫy. Cứ nghĩ như trước đó một thời gian Phương đã từng bị ngã xe trầy xước chân tay do bị cướp túi xách trên đường. Tôi và vợ tất tả đón xe chạy vào bệnh viện. Dọc đường, tôi nhận được điện thoại từ đồng nghiệp của Phương thông báo trong tiếng khóc: Phương đã tử vong!

Vợ tôi ngất xỉu trong tay những đồng nghiệp của con gái. Tôi chết lặng khi được nhân viên bảo vệ đưa vào nhà xác nhận con. Lật tấm vải trắng trên băng ca. Dù chỉ 1% hay một chút xíu hi vọng thì tôi vẫn mong rằng đó không phải là con. Nhưng không có điều kỳ diệu nào xảy ra. Trước mặt tôi là con gái. Lạnh ngắt. Cô độc!

Cả đêm đó vợ chồng tôi thức trắng bên con. Và nhiều ngày sau đó chúng tôi không ngủ được. Nụ cười con, hình dáng con, gương mặt con như vẫn còn đâu đó trong nhà. Vợ tôi theo đạo Phật. Bà ăn chay trường, lên chùa cầu nguyện cho con sớm được siêu thoát. Nhiều bạn bè đồng nghiệp của con vẫn đến nhà an ủi vợ chồng tôi. Nhiều người thân, họ hàng đến an ủi, chia sẻ, nhưng ai cũng tránh không nhắc đến Thái Phương sợ chúng tôi đau lòng. Dần dần, những câu chuyện khác thay cho chuyện về Thái Phương. Tại sao lại thế?

Để con luôn bên cha

Đến cả năm sau vụ tai nạn của Thái Phương, tòa án cũng xử xong rồi mà vợ tôi không dám đọc báo, không dám xem tivi bởi sợ đối diện với những thông tin nhan nhản về những vụ tai nạn khủng khiếp. Khi Thái Phương mất, nhiều người thân bạn bè chia sẻ, nhưng tôi biết rằng nếu không là người trong cuộc thì họ không thể hiểu được nỗi đau đớn lớn đến thế nào. Dù sao đối với bạn bè, hàng xóm cũng chỉ là vắng đi một người, còn đối với xã hội chỉ là một bản tin không liên quan đến mình. Nhưng tôi thấy tai nạn giao thông bây giờ khủng khiếp quá và nó mang lại nỗi đớn đau lớn quá cho gia đình.

Ba tháng sau ngày con mất, tôi vẫn gắng gượng đến trường để giảng dạy nhưng tiếng cười hồn nhiên của học trò, ánh mắt tinh nghịch, cử chỉ dễ thương của các học sinh khiến tôi nhớ con da diết. Về nhà, mỗi lần đi ngang qua bàn thờ nhìn vào ảnh con lại thấy tim mình như bị bóp nghẹt.

Ông bà mình có câu “chết là hết”, tôi thấy câu đó tàn nhẫn quá. Tôi sinh con ra, nuôi con lớn chừng đó. Ngày con bé thì bồng bế, khi con lớn thì đùa vui dạy dỗ. Khi con trưởng thành thì chia sẻ đỡ đần, tại sao lại hết?

Tôi nghĩ mình phải lưu lại những gì mà con đã làm, đã hiện diện. Tôi bắt tay vào viết hồi ký về con gái với tên gọi là Thiên đường mong manh. Đặt tên là Thiên đường mong manh bởi những ngày con sống, nụ cười con là thiên đường của tôi và mọi người thân trong gia đình. Nhưng thiên đường ấy đã xa rồi. Mới thấy cuộc sống này mong manh quá. Buổi sáng còn cười đấy nói đấy, còn hát đấy yêu đấy mà buổi tối thiên đường đã biến mất sau chỉ một cú va xe.

Trong những giây phút nhớ con tôi ngồi viết lại những ký ức ấy bằng bút mực và giấy học sinh. Mỗi lần viết xong tôi lại đưa cho các em của Phương đọc rồi sửa lại. Tôi muốn hình ảnh của con gái tôi trung thực nhất, đẹp đẽ nhất. Những trang viết ấy tôi gửi lại những người thân của gia đình, bạn bè của Phương cùng đọc, để Phương mãi mãi trong tâm trí tôi và mọi người trong gia đình.

Tôi viết lại những hồi ức về con gái không phải để xuất bản mà chỉ bởi những nỗi nhớ đầy vơi trong lòng một người cha đã yêu thương và nuôi con hết mình. Khi hồi ký hoàn thành, tôi đã đặt trước di ảnh con gái, và thấy lòng thật thanh thản nhẹ nhàng. Vì không phải là người viết chuyên nghiệp nên dù chỉ là một cuốn sách mỏng tôi cũng dành đến gần bảy tháng mới xong. Tôi đã sinh ra con, nuôi con lớn, cho con đi học và đi làm nhưng tai nạn giao thông đã cướp con khỏi cuộc đời này, khiến hình hài của con không còn nữa. Khi tôi hoàn thành cuốn hồi ký dành cho gia đình và người thân, tôi tin rằng thần thái, hình ảnh của con sẽ vẫn còn lại với chúng tôi.

Hãy thận trọng khi ra đường

Qua sự việc của con gái, tôi nhớ lại những lần đi xe máy về khuya, thấy cảnh xe cộ chạy trên đường thật chết khiếp! Xe nhỏ chạy như bay, như những con ngựa điên, xe to thì rầm rầm rộ rộ như những con quái vật khổng lồ luôn miệng gầm thét trong đêm vắng. Trên những chặng đường tử thần này chẳng ai dám chạy xe máy trừ những tay lái xe có thần kinh thép. Còn anh nào chị nào yếu bóng vía, không vững tay lái chớ có dại đi vào nếu không muốn làm vật tế thần. Thế nên thật dễ hiểu tại sao hiện nay tai nạn xe cộ lại xảy ra như cơm bữa.

Đất nước mình trải qua chiến tranh, đau thương mất mát không ít và còn dai dẳng đến tận ngày hôm nay với bao số phận chìm nổi, đau đớn. Nhưng đó là những hi sinh vì lý tưởng và độc lập, tự do của đất nước. Bây giờ chúng ta được sống trong hòa bình, tại sao hằng ngày vẫn phải đau đớn nghe tin về những vụ tai nạn giao thông khiến người bị thương, người chết, gây nên bao đau khổ cho những người còn sống?

Viết hồi ký về con gái chỉ là tình cảm của tôi dành cho con bởi có những đau đớn không thể sẻ chia. Những nỗi sợ không thể nói ra được bằng lời. Những gì tôi gửi gắm trong những dòng hồi ký đó là hình ảnh chân thực của con, là tiếng cười lảnh lót trẻ thơ và đôi môi hồng xinh xắn. Nhiều bậc cha mẹ có con mất vì tai nạn chắc cũng nghĩ như tôi. Tôi gửi những suy nghĩ này đến nhiều người khác để họ thận trọng hơn khi ra đường, bởi tai nạn giao thông chẳng chừa ai cả.

________________________

Kỳ tới: Câu chuyện của một trung úy cảnh sát giao thông

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Bên cung đường đen Kỳ 2: Đường đi của nỗi đau Kỳ 3: 8 tháng tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ Kỳ 4: Sêrêpốk - năm tháng sau thảm nạn Kỳ 5: Bất lực và hi vọng Kỳ 6: Alô, cấp cứu Kỳ 7: Tiếng thét dội về VOV giao thông

VŨ HOÀNG THÀNHHOÀNG ĐIỆP ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên