Chưa đầy bốn tháng trước, chồng của Nguyễn Thị Hồng (Ngọc Kiên, Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội) đã mất trong một vụ tai nạn giao thông! Hai vợ chồng mất đi, để lại con gái chưa đầy tuổi.
Kỳ 1: Bên cung đường đen Kỳ 2: Đường đi của nỗi đau
Phóng to |
Bé Nguyễn Thị Mai Trang được một phụ nữ hàng xóm cho bú nhờ - Ảnh: TIẾN THẮNG |
Bốn tháng mất hai đứa con
Chưa hết bàng hoàng và đau xót vì cái chết tức tưởi của con trai cách đây chưa đầy bốn tháng, gia đình ông Nguyễn Văn Hải tiếp tục đón nhận hung tin: con dâu tiếp tục bị tử nạn ngay trên đoạn quốc lộ chỉ cách nhà chưa đầy 6km.
“Ca là lao động chính. Nhà đông người nhưng toàn người đau yếu, hai bác bị khuyết tật không thể làm việc. Bản thân tôi cũng ốm đau luôn. Cả nhà 10 miệng ăn chỉ trông chờ vào 8 sào ruộng và chăn nuôi thêm con lợn con gà”- ông Hải cho biết. Bởi thương bố mẹ, hai bác hay đau ốm mà không có tiền thuốc thang nên Nguyễn Trường Ca (con ông Hải) đi làm thuê ở cửa hàng cơ khí để lo tiền trang trải cho gia đình.
Mới đi làm được vài tháng sau khi cưới vợ, sinh con, một buổi chiều sau khi rời xưởng, Ca đã không thể về nhà nữa. Đến giờ, trong gia đình ông Hải không ai biết rõ Ca bị tai nạn như thế nào, va chạm với ai trên đường. Khi tìm thấy con trong bệnh viện, Ca đã bị bất tỉnh nhân sự. Chỉ vài ngày sau đó, Ca vĩnh viễn ra đi để lại con thơ vợ dại trong ngôi nhà nhỏ bé cùng hai người bác tật nguyền và bố mẹ đau yếu.
Bốn tháng sau cái chết của chồng, khi vụ mùa vừa thu hoạch xong, Hồng xin bố mẹ cho đi chợ để có đồng ra đồng vào. 4g30g sáng Hồng lấy xe ra khỏi nhà thì 6g30 gia đình nhận được hung tin cô đã bị ôtô đâm trực diện trên quốc lộ.
“Vụ này mất mùa, cả 10 miệng ăn trông vào 8 sào ruộng mà chỉ có 8 tạ thóc. Vừa thu hoạch lúa má xong thì con dâu tôi xin được đi chạy chợ để kiếm đồng ra đồng vào. Tôi cũng nghĩ thôi cho cháu đi để khuây khỏa chứ hằng ngày ở nhà nhìn di ảnh chồng rồi cháu héo mòn đi mất. Tôi đâu ngờ...”.
Sau tiếng nói “tôi đâu ngờ” là tiếng thở dài não nùng của ông Hải. So với ngày con trai bị tai nạn mất cách đây bốn tháng, cả ông và vợ đều gầy sọp trông thấy. Chút sức tàn tuổi già của ông dường như không thể gượng nổi sau cú đánh như trời giáng vào gia đình.
Phóng to |
Bé Nguyễn Thị Mai Trang bên người cô và bà nội - Ảnh: TIẾN THẮNG |
Phận mồ côi
Đấy là nỗi đau của những người lớn. Còn đối với Nguyễn Thị Mai Trang, con gái của anh Nguyễn Trường Ca và chị Nguyễn Thị Hồng, cháu chưa thể hiểu được. Mất mẹ. Không có sữa. Những người hàng xóm nuôi con nhỏ tốt bụng hằng ngày chạy sang vừa thăm cháu vừa cho cháu bú nhờ.
“Lạy mụ, cháu ngoan lắm, không quấy khóc gì cả. Không được bú mẹ nữa thì cháu ăn sữa ngoài, ăn bột và ăn chực hàng xóm, bú bác. Cháu mới được 8 tháng tuổi, đã biết nói đâu nhưng đêm qua đang ngủ bỗng nhiên hét lên một tiếng “mẹ” khiến cả nhà tỉnh dậy. Bồng cháu lên mới biết cháu ngủ mê”. Bà Nguyễn Thị Sợi mếu máo khóc khi nhìn cháu nội 8 tháng tuổi nhỏ như viên kẹo đang tòm tọp bú người hàng xóm.
Ngày bố mất, người mẹ héo rũ trong tấm áo tang mỏng mảnh như không thể đứng vững. Bé Nguyễn Thị Mai Trang chưa đầy 4 tháng tuổi cứ chuồi lên khỏi vòng tay của bác ruột.
Cuộc sống khốn khó
Ông Hải có bốn anh chị em thì hai người bị khuyết tật bẩm sinh, căn nhà nhỏ ông đang ở do cha mẹ để lại. Sống cùng với cả hai anh chị bị khuyết tật nên mọi gánh nặng đều dồn lên đôi vai của vợ chồng ông.
“Cháu nó ngoan lắm, khỏe mạnh nhất nhà nhưng bị tai nạn mất rồi” - bác của Ca nói như vậy khi đẩy chiếc xe lăn dưới rặng duối cổ thụ. Có lẽ ông là người cảm nhận nỗi đau sâu sắc nhất trong gia đình bởi sự ra đi của Ca: “Tôi bị bệnh từ nhỏ, chân phù lên rồi lại xẹp xuống, khi đi được khi lại không. Mấy năm gần đây không còn đứng lên được nữa mà gắn liền với chiếc xe lăn”.
Đứa cháu trai mà ông đã chơi cùng từ ngày nhỏ, lớn dần lên thành một chàng trai vạm vỡ trụ cột của gia đình. “Em tôi sinh được ba người con nhưng chỉ có Ca khỏe mạnh hơn cả. Trong nhà mọi việc nặng nhọc đều đến tay Ca”. Cả nhà chỉ làm nông nghiệp và trông vào mấy sào lúa nên Ca là người duy nhất trong gia đình đi làm công nhân hàn ở cửa hàng cơ khí tư nhân cách nhà mấy kilômet.
Một buổi chiều Ca đi làm mà không thấy trở về dù đã 7g tối. Linh cảm mọi điều chẳng lành nên gia đình bủa đi tìm. Và Quân (anh trai của Ca) đã nhặt được một chiếc dép của em trai bên vệ đường quốc lộ.
“Người ta nói lại đó là một vụ tai nạn giao thông khi tôi vào Bệnh viện Sơn Tây tìm em. Người đưa em vào bệnh viện không còn ở đó nên cũng không rõ Ca bị tai nạn thế nào. Chỉ thấy bác sĩ nói được đưa vào viện sớm hơn thì em đã không ra đi tức tưởi đau đớn như thế” - Quân cho biết.
Bà Thơm ngồi như không muốn động đậy, không cất được tiếng nào. “Chuyện của Ca còn chưa nguôi ngoai, mọi người cứ đến bữa cơm vẫn còn tránh nói chuyện. Mới được dăm bữa nay, Hồng mới nói cười trở lại được đôi câu, xin bố mẹ cho chạy chợ loăng quăng. Sáng hôm thứ bảy, như mọi khi Hồng ra khỏi nhà từ 4g30 sáng, chưa kịp ăn gì. Đến hơn 6g thì nghe tin sét đánh này. Thật chẳng còn biết diễn tả thế nào nữa. Đưa thi thể cháu về nhà rồi mà cả nhà vẫn chẳng hiểu có chuyện gì đang xảy ra” - ông Hải nói.
“Giờ con dâu lớn của tôi nuôi cả hai đứa con, một đứa 1 tuổi, một đứa 8 tháng. Vật chất khó khăn thì gắng gượng được nhưng giờ tinh thần cả nhà suy sụp quá. Chưa đầy bốn tháng tôi mất liền hai đứa con. Không biết ngày tới sẽ sống ra sao”.
Mấy ngày sau đám tang của Hồng, buổi chiều và buổi tối những người hàng xóm đến chật nhà để chia sẻ. Nhưng tất cả đều ngồi ngoài sân, ngoài hè, có lẽ cũng để tránh nhìn ánh mắt đen thăm thẳm nơi di ảnh của vợ chồng Ca - Hồng trên ban thờ song đôi giữa nhà.
___________
Kỳ tới: Sêrêpôk - năm tháng sau thảm nạn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận