Kỳ 1: Bên cung đường đen
Phóng to |
Dốc Cua Heo (Long Khánh, Đồng Nai), điểm đen giao thông, nơi nhiều người nằm lại nơi đây - Ảnh: Tự Trung |
6 năm, 2 lần tiễn đưa
Đã gần một năm từ ngày xảy ra thảm nạn, căn nhà nhỏ của chị Hương - anh Liêm ở ấp Thọ Tân, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai, vẫn nghi ngút khói nhang, tiếng tụng kinh văng vẳng từ chiếc cassette đặt dưới bàn thờ. Đôi vợ chồng trẻ cùng cô con gái nhỏ vẫn là một gia đình sum họp trong nỗi tiếc thương vô hạn của người thân.
Làm thầu xây dựng nhưng anh Liêm vẫn chưa xây xong căn nhà của mình. Chị Trinh, chị ruột của Hương, gạt nước mắt kể: “Hai đứa cưới xong, má cắt cho một rẻo đất. Tụi nó tích góp được ít tiền liền làm cái nhà nhỏ xíu, một phòng ngủ, một bếp. Ai cũng nói xây nhà gì kỳ cục, Liêm bảo nó có nghề xây dựng, khỏi lo, đã chừa sẵn rồi, từ từ có tiền sẽ làm thêm một phòng ngủ nữa cho con gái rồi tới phòng khách ngoài cùng...”. Dự tính ấy không bao giờ thành được nữa sau một buổi chiều anh cùng vợ bế con ra thị xã Long Khánh khám bệnh và gặp một chiếc xe khách đổ dốc lao xuống.
Tiếng cười của cô con gái bé bỏng như còn khúc khích đâu đây nhưng những tấm ảnh cưới, ảnh gia đình đã phải tháo xuống, đặt úp vào tường. Đang ngồi bên bàn thờ con gái, con rể, cháu ngoại, bà mẹ chị Hương vội đứng lên, ra vườn cuốc đất, vun đi vun lại mấy hàng đậu bắp đang đơm bông. Chị Trinh phân bua đầy xót xa: “Mẹ không muốn nhắc đến mất mát nữa, mẹ khóc hoài, lúc thì nước mắt chảy lặng lẽ, lúc thì kêu trời kêu đất. Bà đau lòng nhiều quá rồi. Cả bố mẹ tôi giờ ở ngoài vườn từ sáng đến tối, lấy công việc mà lấp nước mắt”.
Sáu năm trước, một người con trai của bà, anh ruột chị Hương, đã thiệt mạng ngoài quốc lộ khi đang trên đường đi làm. Sáu năm chưa đủ để nguôi nỗi mất người con trai lớn, chưa vợ chưa con thì bà lại phải tiễn đưa cả gia đình con gái út. Mất mát, đổ vỡ làm bà thu mình lại và rùng mình lắc đầu khi ai đó rủ ra đường. Thế nhưng các con trai, con gái, cháu ngoại còn lại của bà vẫn phải đi lại ngoài quốc lộ để đến trường, đi làm, đi chợ mỗi ngày. Đi trong sợ hãi.
“Mỗi lần phải lên thị xã, qua dốc Cua Heo là tôi lại nín thở, quay đi, mong cho mau qua đoạn đường ấy, chỗ mà em mình, cháu mình đã nằm lại”, chị Trinh bảo thế. Rồi chị lại run rẩy kể về một vụ tai nạn mới xảy ra cách nay chừng nửa tháng ngay trên con đường qua ấp Thọ Tân, chỉ cách nhà chị có bốn căn. Ám ảnh đã đến ngay trước cửa nhà như thế.
Rời căn nhà nhỏ vắng lạnh, chúng tôi đi trên con đường mà mọi người dân xã Xuân Thọ đều đã và sẽ đi để ra thị xã Long Khánh. Tám cây số thì đến dốc Cua Heo, nơi gia đình anh Liêm, chị Hương gặp thảm nạn. Con dốc cong khuất tầm nhìn, mặt đường nghiêng chênh chao, tấp nập xe cộ.
Ghé vào quán nước bên đường, chưa cất lời hỏi, chỉ thấy chúng tôi chăm chú quan sát con dốc, dòng xe, chị Liên chủ quán đã thở dài: “Tôi từ Bình Định theo chồng vào đây, buôn bán ở đoạn đường này mấy năm mà đã lắm phen rớt tim vì chứng kiến tai nạn”.
Rồi chị kể từng vụ việc, nào đầu dốc, nào cuối dốc, tai nạn nào ở đây cũng lấy đi mấy mạng người: “Mỗi lần nghe tiếng người kêu, chân người chạy rầm rập là chân tay tôi run lẩy bẩy, tim đập thình thình không dám bước ra ngoài. Sống ở đây thấy cuộc đời sao phù du quá”.
Phóng to |
Bà Quỳnh Hương và những trang bản thảo dở dang của chồng - dịch giả Nguyễn Tôn Nhan - Ảnh: Tự Trung |
Trang bản thảo dở dang
Cuộc đời thì không phù du, mà ngược lại, ngổn ngang khó khăn và đầy ắp yêu thương, đam mê, nỗ lực. Chỉ có những tai nạn giao thông bất ngờ cắt đứt cuộc sống là phù du, phù du đến không thể tin được. Đã một năm rưỡi, đã bận rộn bởi đứa cháu nội sáu tháng tuổi, nhưng bà Quỳnh Hương bảo vẫn chưa thể tin vào mất mát mỗi khi ra vào nhìn những tấm thư pháp, những cuốn sách, những tập bản thảo dở dang của chồng, nhà thơ, dịch giả Nguyễn Tôn Nhan.
Chiều 28 Tết Mậu Dần ấy ông đi xem hoa, rồi bị một chiếc xe máy đi cùng chiều va quẹt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Ông vừa ngã xuống thì có chiếc xe khách trờ tới. Ông ra đi như thế, nhanh như câu thơ ông viết: Xác thân để lại cho em/ Thiết tha anh đến mép viền vô vi/ Thõng tay chẳng đem chút gì. Ông không mang theo chút gì, để lại cho bà cả một trời thương tiếc, “đến độ không khóc được khi nghe báo tin khi vừa gói xong cái giò thủ, không khóc được khi lên nhà tang lễ, khi sắp đặt đám tang phải xong trước giao thừa...”.
Hôm nay bà vẫn còn thẫn thờ. Và rất nhiều bạn văn, độc giả của Nguyễn Tôn Nhan vẫn còn thẫn thờ. Những công trình tâm huyết mà ông đang làm dở dang thế là đành xếp lại, bao nhiêu chờ đợi của bạn bè, độc giả, giới xuất bản về Từ điển thơ Đường, công trình để đời mà ông đau đáu đam mê thế là cũng đành phải tiếp tục chờ. Mà chờ biết bao giờ mới có người đủ tài, đủ đam mê, đủ kiến thức, đủ tài hoa để làm công trình ấy nữa.
Không có mấy ngày mà các bản tin thời sự trên các báo, truyền hình lại thiếu tin về tai nạn giao thông. Nghe những bản tin, những con số lạnh người, chúng tôi lại nhớ đến một bà mẹ mình đã gặp ở thị xã Long Khánh (Đồng Nai). Từ ngày cậu con trai út tử nạn trên đường từ TP.HCM về nhà để khoe mẹ kết quả tốt nghiệp đại học, chiều nào bà cũng một mình ra nghĩa trang, nắng cũng đi, mưa cũng đi. Lẻ loi, lặng lẽ, bà ngồi bên mộ con, khi thì thủ thỉ trò chuyện, khi thì nước mắt chen mưa, không thể tin núm ruột của mình đang ngời ngợi tương lai bỗng chốc lại yên ngủ dưới đám cỏ xanh, mà tất cả lại chỉ vì một khoảnh khắc bất cẩn, đánh tay lái lấn tuyến của người tài xế xe tải.
Với những người mẹ, người vợ, nỗi đau cũng bất tận như tình yêu thương. Đường đời có ngắn có dài nhưng nỗi đau không đi. Nỗi đau sẽ còn ở lại.
Hai tuần sau khi xảy ra vụ tai nạn tại ngã ba Tam Hiệp làm em Hoàng Quốc Việt (sinh năm 1994) tử nạn, ngôi nhà trở nên vắng vẻ, khói hương nghi ngút. Nước mắt nuốt ngược vào tim, mẹ Việt nói trong lặng lẽ: “Việt là con út, được cả nhà yêu thương. Việt mất. Chị gái Quỳnh Anh cứ mãi kêu khóc đến khủng hoảng, một mực nói tại mình chở em đi làm em chết. Bố, anh trai đều suy sụp tinh thần. Làm mẹ phải làm được chỗ dựa cho con, cho chồng nên tôi phải gượng, phải giấu đau, giấu xót, giấu nước mắt, giấu nỗi muốn được chết thay con để cả nhà tiếp tục sống”. Bà động viên Quỳnh Anh tiếp tục tham gia kỳ thi cao học, động viên chồng tiếp tục đứng vững làm trụ cột gia đình, động viên mình vượt qua sợ hãi mỗi khi người thân dắt chiếc xe máy ra khỏi nhà. Bà thở dài kể tiếp nỗi lòng: Cũng vì lo sợ xe cộ, sợ tai nạn giao thông mà gia đình đã gửi Việt vào học trường cấp III nội trú ở TP.HCM để đỡ đi lại nhiều. Việt vừa thi đại học, bố mẹ vẫn đang ngại ngần chưa mua cho em xe riêng. Thế rồi cũng chẳng tránh được... |
___________
Người chồng ra đi không về sau một tai nạn giao thông. Bốn tháng sau người vợ tử nạn trên đường quốc lộ. Đứa con mới 8 tháng tuổi...
Kỳ tới: 8 tháng tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận