Phóng to |
Bị tai nạn giao thông, nạn nhân tự chạy đến bệnh viện, vào phòng cấp cứu, trên đầu còn đội mũ bảo hiểm - Ảnh: Bảo Ân |
Trên hành lang
Chiều tối chập choạng cuối tháng 9 trời mưa nặng hạt. Phòng cấp cứu kề sát cổng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (Q.5, TP.HCM) lúc nào cũng mở sẵn. Chốc chốc lại nghe tiếng còi xe cấp cứu vẳng tới inh ỏi gấp gáp, những hộ lý điều dưỡng chạy ào đến đỡ bệnh nhân, chuyển ngay lên băng ca rồi đẩy nhanh vào.
Một người đàn ông tự chạy xe máy đến. Đầu xe lảo đảo của ông chen cả vào cửa phòng cấp cứu khiến bảo vệ không kịp phản ứng. Vẻ mặt đầy đau đớn và tái nhợt, ông thều thào kêu: “Tui bị xe tông, nó bỏ chạy rồi...”. Chừng như đã quen với những tình huống bất ngờ này, hộ lý Trần Công Thuận chạy ngay đến đỡ người đàn ông, tháo áo mưa và lấy xe lăn đẩy nạn nhân vào. Ông cho biết tên là Thành Đô, 50 tuổi, ở huyện Bình Chánh, vừa bị một xe máy chở hàng cồng kềnh tông phải trên đại lộ Võ Văn Kiệt. Chiếc xe gây tai nạn đã bỏ chạy, mặc kệ ông với vết thương đẫm ướt máu cả một bên ống quần. Chỉ nhìn từ bên ngoài đã thấy đầu gối trái của ông bị biến dạng. Một bảo vệ bệnh viện vào dắt chiếc xe của ông Đô ra, bức xúc nói: “Chạy ẩu gây tai nạn cho người ta rồi đành đoạn bỏ đi. Thật ác quá. Ông này bị vậy chắc chữa hết nhiều tiền, tốn kém lắm, nhưng dẫu sao vẫn may mắn hơn nhiều người phải mất mạng...”.
Ông Đô vừa được bác sĩ tiếp nhận, ông Thuận lại tiếp tục đẩy băng ca ra sân đỡ một bệnh nhân khác. Ông lầm bầm: “Lại đụng xe nữa...”. Năm nay đã gần 60 tuổi, chỉ vài tháng nữa là hộ lý Thuận nghỉ hưu nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, xốc vác. Ông chạy đi chạy lại không biết mệt, chỉ bằng vài động tác đã dễ dàng chuyển bệnh nhân từ băng ca này sang băng ca khác, gọn gàng, nhẹ nhàng...
Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, phòng cấp cứu, chấn thương sọ não liền kề nhau. Bệnh nhân nằm trên giường xếp san sát. Người lịm đi trong cơn mê, người quằn quại đau đớn, người băng bó trắng toát, người dây nhợ kim ống gắn đầy, người lại phải dùng dây cột chân tay vào thành giường... Bác sĩ, điều dưỡng, y tá, hộ lý chạy lui tới tất bật không ngơi nghỉ. Bên ngoài, người nhà bệnh nhân đứng ngồi không yên, thất thần, hoảng hốt. Hỏi thăm thì hầu hết mọi người đều vừa nhận được tin dữ khi người thân bị tai nạn giao thông. Cứ một lát lại thấy một người hớt hải chạy tới.
Chị P. (Tân Bình, TP.HCM) đứng ngóng ở cửa phòng cấp cứu được hơn 15 phút thì bác sĩ ra gọi vào. Anh trai chị đã không thể qua khỏi. Chị nấc lên, cùng với nhân viên bệnh viện đẩy chiếc băng ca ra khỏi phòng. Những lao xao, ồn ã bên ngoài hành lang lặng đi. Không ai bảo ai, tất cả mọi người đều tự động lùi lại, tránh đường cho chiếc băng ca đi dọc hành lang hun hút. “Chị ấy còn giữ được bình tĩnh, chứ có nhiều người ngất xỉu, rồi gào khóc. Cảnh phòng này đã thương tâm lại càng thêm thê lương...”, một hộ lý nhìn theo bóng chiếc băng ca đẩy người xấu số thở dài nói. Anh chuẩn bị cho ca trực đêm, nhìn ra cơn mưa mịt mù bên ngoài rồi tự nhủ đầy kinh nghiệm: “Sắp tới giờ cao điểm, tăng tốc rồi đó”.
Bác sĩ Phạm Trí Dũng, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đến 2/3 số ca tai nạn giao thông vào cấp cứu bị chấn thương sọ não, nguy hiểm tính mạng, lại kèm theo nhiều chấn thương khác ở hàm mặt, tứ chi, nội tạng. “Và đa số là nam, trẻ tuổi, trong độ tuổi lao động, là trụ cột gia đình”, bác sĩ Dũng thở dài. Bác sĩ Trần Quang Vinh, trưởng khoa hồi sức ngoại thần kinh, cho biết chi phí điều trị những bệnh nhân này dao động 2-5 triệu đồng/ngày. Như thế đủ thấy gánh nặng lên gia đình là như thế nào. “Nhiều bệnh nhân phải sống cuộc đời thực vật, có người tỉnh lại nhưng bị liệt bộ phận, liệt nửa người... Cảnh khổ không thể nào nói cho hết” - bác sĩ Vinh tư lự bên hành lang phòng bệnh.
Bên ngoài lại có tiếng còi xe cấp cứu.
Phóng to |
Bệnh nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Bảo Ân |
Trong lòng người
Mấy anh bảo vệ Bệnh viện Chợ Rẫy nói có đêm có tới cả trăm ca cấp cứu mà trong đó tai nạn giao thông chiếm đa số. Ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, “chắc chỉ kém tí xíu”, anh Cường, thâm niên 20 năm bảo vệ bệnh viện, nói. “Với các ca tai nạn giao thông, tụi tui cực lắm. Bồng bế, khiêng vác, đưa người vào phòng cấp cứu chỉ là chuyện nhỏ, còn phải đi tìm thân nhân để báo tin. Nhớ cái hồi điện thoại di động chưa phổ biến, phải tìm giấy tờ, hỏi tổng đài số điện thoại nhà, không có lại phải tìm số những nhà lân cận...”, anh Cường kể.
Bây giờ thì điện thoại di động phổ biến rồi nhưng cũng có những người không có, nhất là khi Sài Gòn lại là nơi tập trung dân nhập cư, vẫn có người được đưa vào cấp cứu mà trên người không có lấy một mẩu giấy tờ nào để có thể tìm tông tích. “Gặp những trường hợp đó thật là khó xử cho bệnh viện - anh Cường nói tiếp - Chúng tôi chỉ biết giao bệnh nhân cho bác sĩ và ngồi cầu trời cho họ tỉnh lại, nhớ ra manh mối gì đó để tìm người thân. Rồi lại có bao nhiêu người không thấy người nhà về, nhao đi tìm hỏi khắp các bệnh viện nữa. Gặp tụi tôi họ nhào vô hỏi, lắc hay gật thì ánh mắt họ cũng vẫn vừa sợ hãi vừa hi vọng. Chứng kiến những cảnh đó thật thương, chỉ mong ra đường đừng ai bị đụng xe...”.
Đó cũng là mong ước của ông Trần Công Thuận và cả vợ ông với thâm niên hơn 30 năm làm hộ lý Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình. Đặc điểm của tai nạn giao thông là bất ngờ, nên ông Thuận cứ bị ám ảnh bởi những bệnh nhân vào cấp cứu với thân thể bầm giập, biến dạng với nguyên những bộ đồ đi làm, đi chơi, đi tiệc trên người. “Có nhiều trường hợp bác sĩ đã gặp rất nhiều khó khăn vì một chiếc vòng tay, nhẫn không tháo ra được khỏi cánh tay sưng vù, tiến trình cấp cứu bị chậm trễ, có khi dẫn đến hoại tử bộ phận. Nên tôi đã chế ra vài cái kềm để cắt giúp họ...”, bộ dụng cụ của ông Thuận đã giúp được rất nhiều cho bác sĩ và bệnh nhân.
“Công việc của chúng tôi ở phòng cấp cứu thật sự là vất vả, môi trường thì như ai cũng thấy và báo chí cũng đã đăng: Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình giống cái bến xe liên tỉnh, áp lực thì căng thẳng, từng giây từng phút đều liên quan đến sinh mạng bệnh nhân... Nhưng đã đến bệnh viện, không mấy ai kêu ca về sự chật chội, bừa bãi, họ chỉ không bằng lòng khi gặp thái độ vô cảm, lạnh lùng. Tôi luôn tự dặn mình và học trò mình như vậy. Và mong bớt tai nạn đi để đỡ khổ cho bao nhiêu người. Khi đó tôi thất nghiệp cũng được”, ông Thuận tâm sự cạn lòng sau ca trực. Nhưng chỉ còn vài tháng nữa là ông đến tuổi về hưu mà tai nạn giao thông vẫn chưa giảm, công việc ở phòng cấp cứu mỗi ngày vẫn tất bật.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Bên cung đường đen Kỳ 2: Đường đi của nỗi đau Kỳ 3: 8 tháng tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ Kỳ 4: Sêrêpốk - năm tháng sau thảm nạn Kỳ 5: Bất lực và hi vọng
------------------------------------
Kỳ tới: Tiếng thét dội về VOV giao thông
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận