03/01/2014 07:11 GMT+7

Thi tốt nghiệp THPT: 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TT - Dự thảo đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT công bố chiều 2-1 đưa ra hai phương án về các môn thi tốt nghiệp, trong đó phương án 1 quy định hai môn bắt buộc là ngữ văn, toán và hai môn tự chọn được nhiều người ủng hộ.

GvIRdIe0.jpgPhóng to
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định việc điều chỉnh môn thi hợp lý hơn, kết hợp đánh giá quá trình học tập với kỳ thi cuối cấp, mở rộng đối tượng miễn thi đều nhằm mục đích giảm căng thẳng cho người học, cho xã hội và đánh giá học sinh thực chất hơn, tin tưởng rằng với đổi mới này việc đánh giá học sinh sẽ tốt hơn trước.

"Từ bây giờ nếu học sinh được đảm bảo một mặt bằng kiến thức, kỹ năng bình thường và có cơ hội lựa chọn những môn học phù hợp để học sâu hơn thì đó là kiểu “học lệch chính đáng”"

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Hiển cho rằng đây không phải quyết định đột ngột mà nằm trong tiến trình đổi mới thi cử, đánh giá, là một “nhánh” quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Dự thảo được xây dựng dựa trên ý kiến góp ý của nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên trên cả nước. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục dành thời gian trưng cầu ý kiến và chỉ thực hiện khi có sự đồng thuận cao.

Nếu thống nhất, sẽ thực hiện ngay năm nay

* Khi nào Bộ GD-ĐT công bố chính thức quy chế thi tốt nghiệp năm 2014 và những điểm đổi mới cần thiết?

- Sau ngày 2-1, Bộ GD-ĐT sẽ công bố rộng rãi dự thảo phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT để trưng cầu ý kiến. Nếu thống nhất được thì sẽ thực hiện ngay trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2014 trên nguyên tắc không gây xáo trộn, ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của học sinh.

* Chỉ còn khoảng năm tháng nữa học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp, theo thứ trưởng, liệu thực hiện đổi mới ngay trong năm 2014 có ảnh hưởng tới học sinh hay không?

- Tôi không nghĩ những đổi mới này gây khó khăn cho học sinh vì về cơ bản, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn dựa theo đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng của bậc học. Các năm trước học sinh phải thi sáu môn và thường tới cuối tháng 3 các em mới được công bố môn thi.

Còn bây giờ nếu Bộ GD-ĐT quyết định công bố môn thi sớm hơn năm trước thì học sinh sẽ có thêm thời gian chuẩn bị theo đúng lựa chọn của mình. Hình thức thi đối với các môn thi, định hướng nội dung đề thi vẫn giữ ổn định như các năm trước.

Mở rộng đối tượng miễn thi

Hai phương án chọn môn thi

Theo dự thảo, Bộ GD-ĐT đưa ra hai phương án quy định môn thi. Phương án 1, thí sinh sẽ thi bắt buộc hai môn ngữ văn, toán và hai môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý, sinh học. Học sinh có thể đăng ký thi môn ngoại ngữ (tự nguyện) với đề thi theo chương trình bảy năm hiện hành để được cộng điểm khuyến khích theo các mức 1 điểm (với bài thi đạt 5,0 điểm trở lên), 1,5 điểm (với bài thi đạt từ 7,0 điểm trở lên) và 2 điểm (với bài thi đạt từ 9,0 điểm trở lên). Sẽ không tính điểm bài thi môn ngoại ngữ vào tổng điểm bài thi tốt nghiệp mà điểm bài thi chỉ là căn cứ để xác định mức điểm khuyến khích.

Phương án 2, thí sinh sẽ thi năm môn, trong đó môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ thi bắt buộc, hai môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý.

Trong hai phương án trên, Bộ GD-ĐT nghiêng về phương án 1 vì phương án 2 có nhược điểm tăng số môn thi bắt buộc và kéo dài phương pháp thi ngoại ngữ đã lạc hậu, không có tác dụng đổi mới phương pháp dạy học ngoại ngữ theo yêu cầu mới.

* Việc cho phép học sinh tự chọn môn thi bên cạnh hai môn ngữ văn, toán có khiến động cơ học tập các môn khác của học sinh sụt giảm không, thưa thứ trưởng?

- Trong dự thảo đổi mới kết quả xét tốt nghiệp được căn cứ vào cả điểm thi và điểm đánh giá học tập, rèn luyện của học sinh ở tất cả môn học lớp 12 với tỉ lệ 50/50. Vì thế so với cách làm cũ, cách đánh giá này khách quan, chính xác hơn và cũng tránh việc học sinh học lệch, học dồn, bỏ bê những môn không thi như trước đây.

Dĩ nhiên việc tổ chức thi sẽ có những khó khăn, phức tạp hơn nhưng tôi khẳng định các địa phương sẽ làm được trên cơ sở hướng dẫn, giám sát của Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT.

* Một số chuyên gia cho rằng cần đưa môn ngoại ngữ vào môn thi bắt buộc vì đây là môn công cụ cần cho người học trong tương lai, nhưng Bộ GD-ĐT lại quy định môn ngoại ngữ chỉ là môn khuyến khích. Thứ trưởng có thể giải thích thêm về quan điểm này?

- Với điều kiện dạy học ngoại ngữ trên cả nước chưa hiệu quả như hiện nay, việc đưa môn ngoại ngữ thành môn thi bắt buộc là không hợp lý. Bộ nêu hai phương án: giữ nguyên ngoại ngữ là môn thi bắt buộc như hiện nay hoặc không bắt buộc nhưng quy định cộng điểm nhằm khuyến khích khi học sinh dự thi đạt kết quả. Đây cũng là cách để khích lệ học sinh học tốt ngoại ngữ.

Tuy nhiên không nên hiểu phải thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ thì chất lượng dạy học ngoại ngữ mới nâng lên được. Bộ GD-ĐT đang xây dựng phương án kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy học ngoại ngữ một cách toàn diện với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Cách thi như vậy sẽ có tác động trở lại việc dạy học. Không nên kéo dài cách thi lạc hậu như hiện nay vì chỉ đánh giá một phần kỹ năng chứ chưa hướng tới năng lực sử dụng ngoại ngữ của người học. Nếu thi ngoại ngữ vẫn là bắt buộc mà chưa đổi mới được cách thi thì sẽ chỉ được việc trước mắt là bắt học sinh học nhưng sẽ làm chậm quá trình đổi mới.

* Bộ dự kiến mở rộng diện miễn thi đối với học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt là quan điểm tích cực, nhưng điều đáng lo ngại là làm thế nào để ngăn ngừa tiêu cực như việc chạy điểm, chạy danh hiệu, chạy giải thưởng để được miễn thi?

- Việc miễn thi các năm trước đã thực hiện. Nhưng là do Bộ GD-ĐT quy định điều kiện được miễn thi, các địa phương căn cứ vào quy định thực hiện và báo cáo con số lên bộ. Lần này bộ có quy định chung, các sở phải xây dựng phương án cụ thể và đương nhiên phải chịu trách nhiệm. Sở GD-ĐT phải kiểm soát, duyệt tỉ lệ miễn thi cho các trường.

Bộ GD-ĐT không đặt ra tiêu chí cụ thể, phương án cụ thể mà đó là việc từng địa phương phải làm. 20% là tỉ lệ tối đa trong năm đầu tiên thực hiện đổi mới. Các năm sau tỉ lệ này có thể được điều chỉnh. Thực tế nhiều năm thi tốt nghiệp THPT cho thấy những học sinh có học lực giỏi sẽ dễ dàng vượt qua yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì thế việc miễn thi cho đối tượng này hoàn toàn có thể làm nhằm giảm sự cồng kềnh, căng thẳng không cần thiết.

* Cô Nguyễn Kim Anh (giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):

Học sinh bớt khổ

Nhìn chung, tôi ủng hộ những điểm đổi mới trong dự thảo thi và công nhận tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT vừa xây dựng. Nếu việc này được thực hiện, học sinh sẽ bớt khổ, không phải dồn sức ôn thi sáu môn trong thời gian quá gấp rút và ngay sau đó là kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Điều chỉnh hợp lý sẽ khiến học sinh ôn tập tốt hơn, giảm tiêu cực thi cử.

Việc cho phép học sinh chủ động lựa chọn hai môn thi trong tổng số bốn môn thi cũng thuận lợi cho học sinh vì các em có thể lựa chọn môn thi mình có sở trường, yêu thích hơn. Việc này cũng tương thích với định hướng tăng cường giáo dục phân hóa, hướng học sinh chuyên sâu hơn vào những môn học gần với nghề nghiệp tương lai. Tôi nghĩ việc đổi mới này thực chất hơn nhưng cũng tạo thuận lợi cho học sinh nhiều hơn nên có thể thực hiện ngay trong năm nay.

Tôi chỉ có một băn khoăn là nếu giảm số môn thi, cho phép học sinh tự chọn thì cần làm sao để không làm sụt giảm động cơ học tập các môn học khác trong chương trình. Việc Bộ GD-ĐT dự kiến công nhận tốt nghiệp trên cơ sở cả điểm thi và điểm trung bình lớp 12 là một cách để hạn chế vấn đề này nhưng cần có những giải pháp đi kèm để tránh tiêu cực xảy ra trong quá trình đánh giá, cho điểm học sinh.

* Cô Đỗ Thị Bích Duyên (hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM):

Cần thảo luận kỹ

Nếu Bộ GD-ĐT quyết định thực hiện cải tiến cách thức thi tốt nghiệp THPT ngay trong năm học này thì cần có sự bàn thảo kỹ lưỡng. Tôi lấy ví dụ: việc xét miễn thi cho học sinh phải có những tiêu chí, điều kiện cụ thể, rõ ràng. Rồi tỉ lệ học sinh được miễn thi ở mỗi trường là khác nhau. Tỉ lệ ấy bao nhiêu thì cần căn cứ vào yếu tố gì (bởi trên thực tế, chất lượng giáo dục mỗi trường mỗi khác). Làm sao để việc xét duyệt này công bằng đối với học sinh, làm sao để các trường không băn khoăn...

Chúng ta tổ chức hai kỳ thi gần nhau và gần giống nhau (tốt nghiệp THPT có bốn môn, trong đó có ba môn trùng với môn thi tuyển sinh ĐH, gần một tháng sau lại có thêm kỳ thi tuyển sinh ĐH nữa) thì có tốn kém quá không?

* Học sinh Bùi Khánh Vân (lớp 12A3 Trường THPT Gia Định, TP.HCM):

Giảm áp lực

Nghe thông tin kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 dự kiến chỉ còn bốn môn thi, học sinh lớp 12 chúng tôi rất mừng mặc dù rất bất ngờ. Việc giảm môn thi sẽ giảm áp lực ôn tập, thi cử cho chúng tôi khá nhiều. Vui nhất là ngoài hai môn văn, toán, chúng tôi sẽ được chọn hai môn thi còn lại theo sở thích, khả năng của mình. Năm nay, tôi dự định thi khối A nên hai môn tự chọn tôi sẽ chọn lý và hóa.

Tôi mong muốn năm nay sẽ có một kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng. Đề thi vừa sức với thí sinh, không khó quá mà cũng không dễ quá, đủ để đánh giá học lực của học sinh trong 12 năm là được. Tôi cũng mong đề thi sẽ có những câu hỏi gắn với tình hình thời sự trong và ngoài nước, tạo sự hứng thú cho thí sinh khi làm bài.

v.hà - H.Hương ghi

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Ủng hộ đổi mới thi cử, nhưng băn khoăn"Bỏ thi tốt nghiệp, chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ xuống"Tránh đổi mới liên tục nhưng chắp váNghịch lý giữa hai kỳ thiKhông bắt học sinh phải dự thi tốt nghiệp THPTĐổi mới thi cử để chống tiêu cựcVì sao người trẻ quay lưng với sự trung thực?Đừng để con em hi sinh sự trung thực vì người lớn

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên