Kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa bài thi tự chọn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT cách đây 7 năm, số lượng thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) ngày càng teo tóp. Điều này khiến cho các trường đại học dù xét tuyển bổ sung cũng "bói" không ra người học.
Nguồn xét tuyển ngày càng hẹp
Trong khi đó thí sinh thi bài thi khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) ngày càng áp đảo. Số thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội nhiều gần gấp đôi thí sinh khoa học tự nhiên.
Từ thống kê số liệu có thể thấy thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội luôn chiếm từ hơn 40% đến trên 50% tổng số thí sinh dự thi. Liên tục từ các năm từ 2019 đến nay, số thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội luôn chiếm hơn 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.
Năm 2019, dù tổng số thí sinh đăng ký dự thi giảm so với năm trước nhưng số thí sinh thi khoa học xã hội tăng 5%, chiếm khoảng 53%. Ở chiều ngược lại, số thí sinh thi khoa học tự nhiên lại giảm đến gần 13% so với năm 2018.
Đến năm 2020, xu hướng này vẫn tiếp tục. Hơn 55% thí sinh thi khoa học xã hội, chỉ có 32,9% thi khoa học tự nhiên.
Điều này khiến không ít trường tuyển sinh khối ngành công nghệ, kỹ thuật "điêu đứng" vì tuyển không ra thí sinh bởi nguồn tuyển ngày càng thu hẹp.
Năm nay có hơn 30 trường đại học đã thông báo xét tuyển bổ sung. Trong số này hầu hết là các trường khối kỹ thuật, công nghệ hoặc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ trong các trường đại học đa ngành.
Việc các ngành kỹ thuật, công nghệ khó tuyển có nhiều lý do. Trong số này có thể kể đến đặc thù ngành học khiến ít nữ thí sinh chọn, việc làm sau này nặng nhọc khiến thí sinh e ngại, số lượng ngành và ngành kỹ thuật nhiều với chỉ tiêu lớn. Và quan trọng là nguồn tuyển cho khối ngành này ngày càng bị thu hẹp.
Khoa học xã hội thảnh thơi
Việc ít thí sinh lựa chọn bài thi khoa học tự nhiên không chỉ ảnh hưởng đến khối ngành kỹ thuật, công nghệ mà còn nhiều ngành khác xét tuyển các môn có trong bài thi này.
Đơn cử như khối ngành sức khỏe, dù "hot" nhưng năm nay cũng có rất nhiều trường xét tuyển bổ sung. Một số trường đại học công lập chuyên ngành sức khỏe khu vực phía Bắc đồng loạt xét tuyển bổ sung nhóm ngành này.
Trong khi đó khối ngành kinh tế cũng có xét tuyển bổ sung nhưng ít hơn nhiều so với nhóm kỹ thuật, công nghệ.
Điều đáng chú ý là các ngành khối khoa học xã hội hầu như không có hoặc rất ít ngành phải xét tuyển bổ sung trong kỳ tuyển sinh năm nay. Không những vậy, điểm chuẩn đợt 1 của các trường, ngành khối xã hội lại cao chót vót.
Điều này có nguyên nhân từ lượng thí sinh thi bài thi khoa học xã hội ngày càng tăng, bất chấp tổng số thí sinh đăng ký dự thi tăng hay giảm. Nguồn xét tuyển cho các trường, ngành khối xã hội cũng vì vậy mà dồi dào hơn.
Biểu đồ này cho thấy từ năm 2017 đến nay, số thí sinh thi bài thi khoa học liên tục tăng. Ở chiều ngược lại, thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên hiếm hoi có vài lần tăng trong khi phần lớn giảm.
Nhiều ngành không tuyển được thí sinh nào
Hiện tại các trường vẫn đang nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên kết quả dự kiến sẽ không mấy khả quan, nhất là các ngành kỹ thuật, công nghệ.
Năm 2022, hàng loạt ngành ở các trường đại học không tuyển được thí sinh nào hoặc chỉ được một, hai thí sinh. Đơn cử như sinh học, công nghệ kỹ thuật môi trường, công nghệ sau thu hoạch, quản lý tài nguyên rừng của Trường đại học Tây Nguyên. Hay như các ngành kinh tế nông nghiệp, khoa học cây trồng, kỹ thuật xây dựng của Trường đại học Hà Tĩnh, khoa học vật liệu Trường đại học Quy Nhơn.
Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều trường đại học khác như Quảng Nam, Quảng Bình, Phú Yên, Kiên Giang, Khánh Hòa. Có những ngành có thí sinh trúng tuyển nhiều nhưng cũng vài ngành chỉ lác đác chưa đến 10 thí sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận