Bên cạnh đó, các trường cũng thông tin thêm về các chính sách hỗ trợ sinh viên trong quá trình học.
Tuyển bổ sung nhiều ngành
ThS Trương Quang Trị - phó trưởng phòng công tác sinh viên, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - cho biết trường sẽ xét bổ sung đến 3.000 chỉ tiêu ở hầu hết các ngành học từ công nghệ, kỹ thuật, ngôn ngữ đến khoa học xã hội, khoa học sức khỏe.
Dự kiến trường sẽ lấy điểm chuẩn xét bổ sung cho hầu hết các ngành bằng với điểm đợt 1. Ở ngành y khoa, điểm chuẩn đợt bổ sung sẽ tăng từ 23 lên 23,5 ở hình thức xét điểm thi THPT, và tăng từ 8,3 lên 8,4 ở phương thức xét học bạ.
Còn ở Trường ĐH Công thương TP.HCM, TS Nguyễn Văn Khả - phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông - chia sẻ nhóm ngành được tuyển bổ sung với số lượng nhiều chủ yếu rơi vào những ngành khó tuyển, như thủy sản, môi trường, an toàn thực phẩm... Tổng cộng có khoảng 10 ngành với 300 chỉ tiêu. Điểm chuẩn đợt bổ sung dự kiến sẽ bằng đợt 1.
Trong khi đó, TS Võ Thanh Hải - phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân - cho biết 600 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung của trường sẽ được phân bổ cho gần 40 ngành học đang được đào tạo. Một số ngành như kiến trúc, công nghệ dự kiến sẽ tuyển hơn 10 chỉ tiêu mỗi ngành. Riêng những ngành như công nghệ phần mềm, kinh tế, y khoa sẽ tuyển dưới 10 chỉ tiêu mỗi ngành.
Hiện có một số thí sinh đã xác nhận trên hệ thống nhưng chưa đến trường làm thủ tục nhập học. TS Võ Thanh Hải phân tích có hai trường hợp.
Một là, nếu thí sinh vẫn muốn học ở trường này, nhưng vì lý do bất khả kháng chưa thể đến trường nhập học thì cần liên hệ sớm với trường để xin được nhập học trễ.
Hai là, thí sinh không muốn học ở trường này thì đến sau 17h ngày 8-9 nếu chưa đến trường nhập học, các bạn có thể đăng ký các đợt xét tuyển bổ sung ở những trường khác.
Phải phù hợp năng lực và đam mê
ThS Nguyễn Thị Mai Bình - trưởng phòng đào tạo và công tác sinh viên, Trường ĐH Hùng Vương - lưu ý thí sinh khi tham gia xét tuyển bổ sung vẫn phải dựa trên nguyên tắc chọn ngành là những ngành phù hợp với năng lực và đam mê.
Không nên "chọn đại" một ngành nào đó chỉ vì muốn được tiếng đã trúng tuyển đại học. "Cũng không nên chọn ngành theo số đông, theo bạn bè, mà ngành học nên thật sự là ngành bạn muốn học và thích học", bà Bình nói.
ThS Nguyễn Thị Mai Bình cho biết thêm dự kiến chỉ tiêu xét tuyển bổ sung của trường sẽ trên 656. Trường sẽ tuyển bổ sung cho 13 ngành học bằng ba phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ lớp 12 và xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Điểm chuẩn đợt bổ sung dự kiến sẽ tương đương với điểm chuẩn xét tuyển đợt 1.
ThS Ngô Trí Dũng - giám đốc Trung tâm tuyển sinh truyền thông, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng - nhìn nhận các thí sinh chọn các đợt bổ sung thường có tỉ lệ nhập học cao hơn đáng kể so với trúng tuyển đợt 1. Điển hình trong xét tuyển đợt 1 tại trường, tỉ lệ 70-75% xác nhận nhập học với nhóm ngành khoa học sức khỏe, và 65-75% với các ngành khoa học xã hội, ngôn ngữ.
Còn xét tuyển bổ sung đang được trường triển khai thì tỉ lệ nhập học lên tới 80-90%. Trong số 600 chỉ tiêu tuyển bổ sung, đến nay trường tuyển được 200. "Điều này cho thấy các thí sinh lựa chọn xét tuyển bổ sung thường đã suy nghĩ thật kỹ về ngành học của mình", ông Dũng nói. Hiện trường vẫn tiếp tục nhận các nguyện vọng xét tuyển bổ sung từ thí sinh.
TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - thông tin đến thời điểm này, số thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống của trường đạt khoảng 80%.
Ông nhìn nhận thực tế cho thấy có nhiều thí sinh nằm trong danh sách trúng tuyển nhưng từ chối nhập học. Số lượng thí sinh chọn hướng đi khác này có thể vì đi du học, hoặc các bạn trúng tuyển những ngành không phải ngành mình mong muốn, hoặc có thể đi học cao đẳng.
"Con số 20% từ chối nhập học cũng là số lượng lớn. Mặc dù các trường đã thực hiện tốt công tác lọc ảo, tư vấn tuyển sinh nhưng thực tế nhiều em vẫn từ chối nhập học vì chưa vào được ngành mình mong muốn", ông Nhân nói.
Mô hình mới - đại học 2 giai đoạn
Ngoài những con đường đại học "truyền thống", ông Lê Anh Tuấn - phó tổng giám đốc khối giáo dục Hùng Hậu, đại diện Trường CĐ Bình Minh Sài Gòn - cho biết trường kết hợp với Trường ĐH Văn Hiến triển khai chương trình "đại học 2 giai đoạn".
Thí sinh sẽ bắt đầu học tại Trường CĐ Bình Minh Sài Gòn, sau khoảng 2 - 2,5 năm sẽ được nhận bằng cử nhân thực hành. Khi đó, sinh viên sẽ được bố trí công việc, đồng thời tiếp tục được học tại Trường ĐH Văn Hiến và nhận bằng đại học chính quy.
Theo ông Tuấn, chương trình học được thiết kế để có sự tiếp nối giữa hai trường. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất cũng có thể được tận dụng tối đa giữa hai cơ sở để nâng cao chất lượng học tập của sinh viên.
"Ngoài ra, sinh viên có thể được giảm 70% cho học phí học kỳ 1 của giai đoạn thứ nhất, giảm 50% học phí học kỳ 2 của giai đoạn thứ nhất và giảm 25% của toàn bộ giai đoạn thứ 2, tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh đến với giảng đường đại học", ông Tuấn nói.
Thêm nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên
Trong tọa đàm, đại diện các trường đại học đã chia sẻ nhiều chương trình hỗ trợ học phí, học bổng, cơ hội việc làm cho tân sinh viên. Các chính sách này được áp dụng cho các thí sinh, bất kể là trúng tuyển đợt 1 hay bổ sung.
Chẳng hạn, Trường ĐH Hùng Vương duy trì mức học phí ổn định, không tăng học phí trong 4 năm qua để hỗ trợ sinh viên.
Trường ĐH Duy Tân có mức học bổng lên đến 50%, thậm chí 100% cho toàn khóa với những sinh viên xuất sắc. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có những khoản học bổng từ 2-10 triệu đồng cho sinh viên khi nhập học.
Còn Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng có những suất học bổng học IELTS cho sinh viên lên đến 55 triệu đồng, kéo dài trong 18 tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận