So với năm 2022, năm nay số trường xét tuyển bổ sung có tăng thêm. Số chỉ tiêu xét tuyển vì thế cũng nhiều hơn, tập trung ở khối trường ngoài công lập.
Chủ yếu các trường ngoài công lập
Ở khối trường công lập, số lượng chỉ tiêu xét tuyển bổ sung không thay đổi nhiều, tập trung ở các phân hiệu hoặc các ngành khó tuyển.
Chẳng hạn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM xét tuyển bổ sung 200 chỉ tiêu cho hàng loạt ngành với điểm sàn xét tuyển 17. Tuy nhiên việc xét tuyển bổ sung chỉ áp dụng cho phân hiệu tại Vĩnh Long. Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng xét tuyển bổ sung nhưng số ngành không nhiều, trong đó có một số ngành tại trụ sở chính và phân hiệu Khánh Hòa.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM xét tuyển bổ sung 10 ngành với 200 chỉ tiêu. Thí sinh có thể xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc ưu tiên xét tuyển thẳng và xét kết quả học bạ. Tại phân hiệu Quảng Ngãi, trường tuyển bổ sung 185 sinh viên cho sáu ngành. Điểm sàn xét tuyển bằng điểm chuẩn đợt 1.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có chính sách cho phép sinh viên ở phân hiệu được chuyển vào trụ sở chính tiếp tục học tập sau một thời gian học tập nhất định.
Trong khi đó, ở khối trường ngoài công lập, chỉ tiêu xét tuyển rộng rãi hơn.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thông báo xét tuyển bổ sung khoảng 3.000 chỉ tiêu cho 52 ngành đào tạo với điểm sàn từ 15 đến 23,5. Trong số này có nhiều ngành khối sức khỏe như y khoa, dược học. Đây là một trong những trường có chỉ tiêu xét tuyển bổ sung nhiều nhất năm nay.
Theo đại diện nhà trường, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học năm nay ở trường tương đối chậm so với năm trước. Trong tuần đầu tiên sau khi công bố điểm chuẩn, tỉ lệ nhập học mới chỉ đạt khoảng 30-40% số thí sinh trúng tuyển.
Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng xét tuyển bổ sung 680 sinh viên cho 37 ngành ở tất cả các phương thức xét tuyển. Trong số này có hầu hết các ngành khối sức khỏe như y khoa, răng hàm mặt, dược với điểm sàn bằng điểm chuẩn đợt 1.
Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM xét tuyển 656 chỉ tiêu cho tất cả các ngành. Thí sinh có thể chọn một trong ba phương thức gồm: điểm trung bình học kỳ 1 hoặc cả năm lớp 12 đạt từ 5 trở lên; điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với tổng ba môn tổ hợp đạt từ 15 trở lên; hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM đạt từ 500 điểm trở lên.
Trong số các trường xét tuyển bổ sung, chỉ có Trường ĐH Duy Tân tăng điểm sàn so với điểm chuẩn đợt 1. Trường xét tuyển bổ sung cho tất cả các ngành với 650 chỉ tiêu. Trong đó khối ngành sức khỏe có điểm sàn bằng điểm chuẩn đợt 1, các ngành còn lại có điểm sàn 18, tăng 3 điểm so với điểm chuẩn đợt 1.
Điểm chuẩn xét tuyển bổ sung ít thay đổi
Thống kê sơ bộ cho thấy tổng chỉ tiêu xét tuyển bổ sung của các trường đại học lên đến hơn chục ngàn. Do đó cơ hội trúng tuyển của thí sinh khi xét tuyển bổ sung rất lớn. Theo đại diện nhiều trường, nguồn tuyển bổ sung không còn nhiều vì vậy điểm chuẩn xét tuyển bổ sung thường ít có sự biến động so với điểm sàn.
Theo Bộ GD-ĐT gần 93% thí sinh đăng ký xét tuyển đã trúng tuyển đại học. Chỉ còn hơn 7% chưa trúng tuyển có thể xét tuyển bổ sung. Ngoài ra những thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 cũng có thể xét tuyển bổ sung nếu không xác nhận nhập học.
Ông Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho hay kinh nghiệm xét tuyển bổ sung nhiều năm cho thấy nguồn tuyển của đợt xét tuyển này không còn nhiều. Hơn nữa, các ngành xét tuyển bổ sung vốn không phải là những ngành được nhiều thí sinh quan tâm. Do vậy, điểm chuẩn xét tuyển bổ sung hầu như chỉ bằng điểm sàn.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công Thương TP.HCM - cho biết qua một tuần nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung, trường mới nhận hơn 100 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Hy vọng khi kết thúc sẽ tuyển đủ chỉ tiêu. Nhiều năm nay điểm chuẩn xét tuyển bổ sung không có nhiều thay đổi, chỉ bằng điểm sàn.
Những ngành khó tuyển
Trường ĐH Công Thương TP.HCM xét tuyển bổ sung cho 10 ngành với 300 chỉ tiêu. Ông Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông nhà trường - cho hay các ngành tuyển bổ sung đều là những ngành khó tuyển những năm qua.
Riêng ngành đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm những năm trước tuyển tốt nhưng năm nay do trường đưa ra điểm sàn hơi cao nên chưa tuyển đủ chỉ tiêu, phải xét tuyển bổ sung.
9h sáng 31-8: tọa đàm, tư vấn xét tuyển bổ sung
Nhằm cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về việc xét tuyển bổ sung của các trường đại học, báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm "Cơ hội nào với nguyện vọng bổ sung?" từ 9h sáng 31-8. Các trường sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến ngành xét tuyển bổ sung, những đặc thù trong đào tạo, chính sách học bổng, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Các trường đại học, cao đẳng tham gia: Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Công Thương TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, Trường CĐ Bình Minh Sài Gòn.
Ngành đào tạo của các trường tham gia chương trình bao quát hầu hết các lĩnh vực, từ sức khỏe đến kỹ thuật, công nghệ, khoa học xã hội, kinh doanh. Những vấn đề vốn được nhiều người quan tâm như: thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 có còn được xét tuyển bổ sung, có nên chọn đại ngành nào đó để đậu đại học như bạn bè, điểm chuẩn thấp liệu chất lượng đào tạo có cao, học phí có đi liền chất lượng, liên thông đại học như thế nào... cũng sẽ được trao đổi thẳng thắn. Điều này giúp thí sinh có cái nhìn toàn diện hơn khi chọn ngành xét tuyển bổ sung.
Ngay từ bây giờ bạn đọc có thể gửi câu hỏi tham gia tọa đàm về địa chỉ: giaoduc@tuoitre.com.vn. Tọa đàm sẽ được tường thuật trên Tuổi Trẻ Online và các nền tảng khác của báo Tuổi Trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận