Tự thoại (Nhà xuất bản Trẻ) là cuốn sách mới giúp bạn đọc hiểu thêm con người của cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua những lá thư ông viết trong 27 năm ngồi tù vì chống chế độ phân biệt chủng tộc. Đó là những ghi chép nguệch ngoạc trên những mảnh giấy hay cuốn lịch trong tù, qua những cuộn băng ghi lại các buổi đàm đạo với bạn bè.
Tự thoại của “người tù thế kỷ” là món quà đặc biệt dành cho thế giới, đem lại cho chúng ta hình ảnh một Mandela đời thường, như lời đề dẫn cuốn sách của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Phóng to |
Nelson Mandela năm 1961 - Ảnh: Eli Weinberg |
Trước đó tôi đã từng ở tù, nhưng chỉ là những vi phạm nhỏ và bị giam khoảng một ngày, thậm chí chưa hết trọn một ngày. Tôi bị bắt vào buổi sáng và đến chiều thì được thả. Tôi bị bắt không phải vì chống đối gì họ mà vì tôi vào sử dụng cái gọi là nhà vệ sinh dành cho người da trắng. Có thể nói là vì tôi rửa tay ở bồn rửa trắng nên họ bắt tôi. Lỗi là ở tôi không chịu đọc biển báo. Đây là những người đi tù vì một quy định nào đó, vì phản đối một đạo luật mà họ cho là bất công. Đồng môn của tôi bỏ học và đấu tranh vì tình yêu dân tộc, tình yêu đất nước. Điều đó đã tác động rất lớn đến con người tôi.
“Xiềng xích cơ thể thường chắp cánh cho tinh thần”. Xưa nay là như thế, và tương lai cũng sẽ luôn như thế. Shakespeare, trong vở kịch Xin tùy ý thích (As you like it) cũng có ý tưởng tương tự với cách diễn đạt hơi khác: “Ngọt ngào thay khi tận dụng nghịch cảnh. Nghịch cảnh như con cóc xấu xí và chứa nọc độc. Nhưng lại đeo một viên ngọc quý trên đầu”. Hay như một vài người khác vẫn nói: “Chỉ mục đích lớn lao mới đem lại nguồn năng lượng lớn lao”. |
Tôi bị cấm túc từ tháng 12-1952. Đó là lệnh cấm đầu tiên đối với tôi, có hiệu lực một năm. Sau đó có một lệnh cấm nữa hiệu lực trong hai năm. Vì vậy, tôi coi đó là thời điểm để nhìn ngắm đất nước mình, vì tôi biết chuyện ra lệnh cấm và giam lỏng tôi ở một vùng sẽ đeo đuổi đến cuối đời chừng nào tôi còn làm chính trị nên tôi coi chuyến đi ngày ấy là rất quan trọng. Mặc dù tôi đã hoàn toàn quyết tâm và hiểu biết ít nhiều về những mối nguy hiểm sẽ xảy ra trong cuộc đời đấu tranh vì tự do, tôi vẫn chưa hề chứng kiến một phong trào chính trị lớn nào từ phía người da đen, và thậm chí còn chưa nghiêm túc quan tâm đến việc phải làm thế nào. Những thứ mà người ta gọi là sự hi sinh của tôi cho đến lúc đó chỉ là xa gia đình suốt những dịp cuối tuần, về nhà muộn, đi đây đi đó dự họp và chỉ trích chính sách của chính phủ.
Lúc đó, con trai đầu của tôi là Madiba Thembi lên 5 tuổi. Một hôm nó hỏi mẹ là bố sống ở đâu. Tôi thường về nhà muộn vào đêm khuya và đi làm sớm buổi sáng trước khi con ngủ dậy. Tôi rất nhớ con suốt những ngày bận rộn ấy. Tôi thích được chơi và nói chuyện với con, tắm cho con, cho con ăn, kể chuyện trước khi con đi ngủ. Việc không được gần gũi với gia đình chính là điều làm tôi buồn nhất trong suốt sự nghiệp chính trị của mình. Tôi muốn được nghỉ ngơi ở nhà, yên lặng đọc sách, hít thở mùi thơm từ các món ăn trong bếp, ngồi ăn với gia đình, đưa vợ con đi chơi. Khi bạn không thể tận hưởng những niềm vui giản dị ấy nữa thì có nghĩa cuộc đời bạn đã mất đi một thứ rất quý giá, và bạn cảm thấy rõ điều đó mỗi ngày.
Chúng tôi thật sự chưa bao giờ thừa nhận chủ nghĩa đa chủng tộc. Chúng tôi đòi hỏi phải có một xã hội không phân biệt chủng tộc. Khi anh nhắc đến chủ nghĩa đa chủng tộc tức là anh đã tăng số chủng tộc lên, anh nói rằng ở đất nước này có rất nhiều chủng tộc khác nhau. Xét ở góc độ nhất định, đó là cách anh duy trì khái niệm “chủng tộc”. Chúng tôi muốn có một xã hội không chủng tộc hơn. Chúng tôi chống phân biệt chủng tộc. Chúng tôi đấu tranh cho một xã hội mà trong đó con người sẽ không còn quan tâm đến màu da nữa. Đây không phải vấn đề chủng tộc mà là vấn đề tư tưởng.
Phóng to |
Chiếc xe tù chở Nelson Mandela và đồng đội rời khỏi phiên tòa Rivonia tháng 4-1964. Với những nắm đấm giơ ra khỏi song sắt, họ thề sẽ không bao giờ khuất phục và “sẵn lòng chết vì lý tưởng” - Ảnh: AFP |
“Sẵn lòng chết vì lý tưởng ấy!”
Ngày 11-7-1963, cảnh sát vây ráp trang trại Liliesleaf ở Rivonia và bắt giữ gần như tất cả bộ chỉ huy MK (lực lượng vũ trang của ANC). Tháng 10, Mandela phải ra tòa cùng chín người khác vì tội phá hoại, còn được gọi là phiên tòa Rivonia. Mandela viết về phán quyết của phiên tòa Rivonia ngày 20-4-1964:
Tôi đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình để đấu tranh cho người Phi. Tôi theo đuổi lý tưởng xây dựng một xã hội dân chủ và tự do, trong đó tất cả mọi người sống hòa thuận với nhau và bình đẳng về cơ hội. Đó là lý tưởng mà tôi hi vọng được sống vì nó và sẽ đạt được. Nhưng nếu cần, tôi cũng sẵn lòng chết vì lý tưởng ấy.
Về nguy cơ bị tuyên án tử hình ở phiên tòa Rivonia, như tôi đã nói, chúng tôi đã có cuộc thảo luận về chuyện đó. Chúng tôi nói rằng mình cần phải suy nghĩ không chỉ về bản thân chúng ta - những người ở trong tình huống này - mà còn về toàn bộ cuộc đấu tranh. Chúng ta phải chết trong vinh quang. Chúng ta phải chiến đấu. Đó là những gì chúng ta có thể cống hiến cho tổ chức và cho dân tộc. Tất nhiên, khi anh ngồi một mình trong xà lim, anh cũng nghĩ về bản thân, về thực tế anh không còn sống bao lâu nữa và điều đó là... hoàn toàn con người. Nhưng tất cả chúng tôi đã cùng quyết định và tất cả đều hài lòng vì đây là điều cuối cùng chúng tôi có thể làm được cho nhân dân mình.
Tôi cũng phải thú nhận rằng về phía bản thân mình, cái chết đang đến gần khiến tôi không có chút mong muốn nào đóng vai một người hi sinh vì chính nghĩa. Nếu cần thì tôi sẵn lòng làm như thế, nhưng trong tôi luôn có cảm giác ham sống. Dù đã đến rất gần bàn tay thần chết, nhưng tôi vẫn không thấy thoải mái với cái chết chút nào. Giai đoạn căng thẳng chỉ kéo dài vài giờ, và vào cái ngày tôi nghe phán quyết của phiên tòa Rivonia, tôi đi ngủ trong tâm trạng hết sức lo lắng, mệt mỏi. Nhưng sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi cảm thấy mọi điều tệ hại nhất đã qua. Thậm chí tôi còn thấy mình đủ sức mạnh và can đảm để tự giải thích rằng: nếu tôi không thể làm gì khác hơn cho sự nghiệp mà tất cả chúng tôi hết lòng theo đuổi, thì ngay cả cái kết cục chết chóc đang treo lơ lửng trên đầu chúng tôi biết đâu cũng có ý nghĩa với sự nghiệp chung. Ý nghĩ đó đã nuôi dưỡng, mang lại thêm chút can đảm ít ỏi trong tôi đến ngày cuối cùng của phiên tòa.
Tất nhiên, bây giờ mà nói là hồi đó tôi không quan tâm đến mọi chuyện thì rất dễ. Nhưng thực tế là chúng tôi đã nghĩ mình sẽ bị kết án tử hình. Vào buổi sáng trước hôm thẩm phán tuyên án, ông ta có vẻ lo lắng. Chúng tôi bảo nhau: “Rõ rồi, ông ta sẽ tuyên án tử hình”. Chúng tôi đã xác định mình sẽ bị kết án tử hình và chấp nhận. Nhưng tất nhiên, đó là một trải nghiệm thật kinh khủng khi anh cảm thấy ai đó sắp quay sang anh và nói: “Anh tàn đời rồi”. Nó đáng sợ thật. Nhưng dù sao chúng tôi cũng đã nỗ lực tôi luyện bản thân để chuẩn bị cho kết cục bi thảm này.
____________
Năm 1964, Mandela bị chuyển ra nhà tù đảo Robben. Một hành trình xiềng xích cơ thể Mandela bắt đầu, kéo dài 27 năm, nhưng cũng từ đó mở ra một con người vĩ đại.
Kỳ tới: Những năm tháng khó khăn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận