Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, rất nhiều công nhân, người lao động mong muốn có một nơi thuê nhà đảm bảo cơ sở vật chất, an ninh và có đủ không gian sinh hoạt... thay vì sống trong những kho nhà trọ chật chội như hiện nay.
Chỉ muốn thuê trọ, không dám nghĩ đến chuyện mua nhà
Với đồng lương chừng 8 triệu đồng mỗi tháng, chị Nguyễn Thị Mơ (công nhân ngành giày da tại Khu chế xuất Linh Trung 2, TP Thủ Đức) không bao giờ dám mơ đến chuyện có một căn nhà tại TP.HCM. Nhẩm tính các khoản chi phí phải rót ra mỗi tháng, chị Mơ đếm trên đầu ngón tay chỉ dôi dư chừng 2 triệu đồng làm “của ăn của để”.
Với bà mẹ của hai con đang học THCS, chị Mơ kể rằng biết bao khoản chi phí phải lo từ học phí, học thêm, tiền ăn sáng… trong khi thu nhập từ nghề chở hàng thuê của chồng chỉ được 5-6 triệu đồng/tháng.
Từ mảnh đất Quảng Bình vào TP.HCM làm công nhân đã gần 20 năm, chị Mơ cho biết năm nay đã 44 tuổi, sức lao động không còn dài trong khi đơn hàng cũng bấp bênh, nên chị chưa từng nghĩ đến chuyện mua nhà ở xã hội. Thay vào đó, hai vợ chồng tích cóp để sửa sang lại căn nhà cha mẹ chồng ở Quảng Bình, khi hết sức lao động sẽ về quê với ruộng đồng.
“Thực lòng tôi cũng không biết khi không còn làm công nhân sẽ làm gì ở thành phố nên hai vợ chồng bao năm qua chỉ đi thuê trọ và cũng chỉ mong muốn nếu có nhà cho thuê đầy đủ tiện nghi, giá phải chăng thì chúng tôi cũng yên tâm hơn khi thuê”, chị Mơ kể.
Tại dãy nhà trọ hơn 20 phòng kế bên Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM), nam công nhân Nguyễn Văn Hơn (33 tuổi, quê Kiên Giang) đã có 3 năm ở ghép với 3 công nhân cùng quê để chung tiền trọ, chia bữa ăn.
Sau đại dịch COVID-19, 4 công nhân này đã tìm đến nhau và quyết định ở ghép để giảm đi tiền thuê nhà.
Trong căn phòng có gác lửng chỉ hơn 10m², anh Hơn và những người đồng hương chỉ tốn chừng 2 triệu đồng/mỗi tháng cho cả tiền ăn và tiền trọ. Số tiền còn dôi dư khoảng 2-3 triệu đồng mỗi tháng, nam công nhân này dành dụm gửi về quê để sau này cưới vợ và cất nhà cho ba má ở quê.
“Giờ công việc bấp bênh, lúc có hàng lúc không, mình chỉ mơ được tăng ca là mừng rồi, chứ không dám nghĩ đến chuyện an cư ở Sài Gòn. Chỉ mong quanh đây có khu nhà ở cho công nhân nào rộng rãi, giá mềm như giá nhà trọ tư nhân thì cả 4 đứa chuyển vào ở luôn cho rộng rãi, chứ kẹt quá mới ở ghép chật chội thế này”, Hơn bộc bạch.
Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết số lượng nhà lưu trú công nhân chỉ mới đáp ứng cho hơn 10% số lao động nhập cư, khoảng 90% còn lại vẫn còn nan giải bài toán nơi lưu trú.
Cần giải pháp nhà ở xã hội cho thuê, giúp người lao động nâng chất cuộc sống
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Việt - phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM - cho biết đa phần các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tiền để người lao động tự thuê trọ, giao quyền chủ động đi thuê nhà trọ cho người lao động.
Theo ông Việt, không ít công nhân vì tiết kiệm chi phí nên thuê ở những nơi chật chội, thiếu thốn cơ sở vật chất và cũng chưa đảm bảo được các điều kiện sinh hoạt cơ bản. Do đó, ông Việt cho rằng cần phải quy hoạch những khu lưu trú công nhân cũng như tăng nhà ở xã hội cho thuê, giúp người lao động có cuộc sống tốt hơn.
Ông Lê Hữu Nghĩa - tổng giám đốc Công ty xây dựng - thương mại Lê Thành - cho hay nhiều người vẫn có nhu cầu mua nhà, kể cả nhà ở xã hội, song thực tế giá nhà ở và lãi suất ngân hàng đều cao, buộc người dân chọn phương án thuê nhà để nhẹ bớt các chi phí.
Theo ông Nghĩa, TP.HCM có lượng lao động nhập cư lớn, nhu cầu thuê nhà ở cũng rất lớn, nhưng thị trường gần như không có dự án nhà cho thuê.
“Các dự án nhà cho thuê thu hồi vốn chậm, lãi không bằng dự án xây nhà để bán, chưa kể quá trình kinh doanh và vận hành phức tạp nên Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây nhà cho thuê”, ông Nghĩa nói.
Hiện quản lý khu nhà trọ hơn 160 phòng tại (quận 12, TP.HCM), ông Nguyễn Thành Tâm cho biết rất nhiều người lao động trong các nhà máy, người lao động tự do có nhu cầu thuê trọ ngắn hạn và dài hạn.
Do đó, rất cần các chính sách để hỗ trợ người dân xây dựng khu nhà trọ đảm bảo tiêu chuẩn sống về diện tích tối thiểu, không gian sinh hoạt và hướng đến những nhà ở xã hội cho thuê với giá vừa phải, thay vì bán đứt như hiện nay.
Theo bà Trần Thị Diệu Thúy - chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, không ít công nhân có nhu cầu về nhà trọ tạm thời nhưng đang sống trong các khu trọ chưa đảm bảo. Do đó, bà Thúy cho rằng bên cạnh chính sách phát triển nhà ở xã hội, cần có chính sách khuyến khích xây dựng nhà cho thuê.
Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm "Nhà ở xã hội: Thêm giải pháp cho thuê"
Để phổ biến những thông tin mới về chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, giải đáp thắc mắc và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho những người có thu nhập thấp với mong muốn "an cư", báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm "Nhà ở xã hội: Thêm giải pháp cho thuê".
Tọa đàm được tổ chức vào lúc 14h ngày 18-5-2024 (thứ bảy) tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM).
Tọa đàm sẽ có sự tham dự của đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, đại diện Liên đoàn Lao động Bình Dương, Liên đoàn Lao động TP.HCM, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Dương, đại diện Kim Oanh Group, các doanh nghiệp bất động sản, các chuyên gia và các nhà đầu tư nhà ở xã hội, nhà cho thuê…
Mời bạn đọc theo dõi tường thuật các thông tin tọa đàm trên Tuổi Trẻ Online.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận