03/06/2024 08:24 GMT+7

Thêm cao tốc từ cửa ngõ TP.HCM

Ba dự án cao tốc kết nối TP.HCM với Bình Dương và các tỉnh Đông Nam Bộ được thúc đẩy sẽ tạo động lực mới để thu hút đầu tư.

Đoạn đường 10 làn xe tại nút giao giữa đường tỉnh 743 và Mỹ Phước - Tân Vạn, theo quy hoạch sẽ trùng với đường dẫn từ vành đai 2 TP.HCM vào cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - Ảnh: CHÂU TUẤN

Đoạn đường 10 làn xe tại nút giao giữa đường tỉnh 743 và Mỹ Phước - Tân Vạn, theo quy hoạch sẽ trùng với đường dẫn từ vành đai 2 TP.HCM vào cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - Ảnh: CHÂU TUẤN

Đó là các tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 TP.HCM.

Bình Dương quyết tâm đẩy nhanh

Những ngày cuối tháng 5-2024, hàng trăm hộ dân bị thu hồi giải phóng mặt bằng cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đã được cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương mời họp công bố chủ trương đầu tư dự án, dự kiến khởi công đầu tháng 9-2024.

Đây là tuyến cao tốc mới tại cửa ngõ của TP.HCM giáp Bình Dương, kết nối với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Cao tốc này sẽ có điểm đầu kết nối với vành đai 2 TP.HCM và điểm cuối tại Bình Phước nối vào cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành hiện được cả ba địa phương có tuyến đường đi qua là TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước quan tâm đẩy nhanh để tạo động lực mới cho kết nối vùng.

Trong đó, Bình Dương chiếm phần lớn chiều dài của tuyến cao tốc này với gần 50km trong tổng số hơn 60km của toàn dự án.

Với TP.HCM, trong cuộc họp gần đây, ông Bùi Xuân Cường - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đã thống nhất phấn đấu hoàn thành các thủ tục đường dẫn vào cao tốc qua TP.HCM bằng vốn ngân sách.

TP.HCM "hẹn" với hai tỉnh còn lại là sẽ hoàn thành đường dẫn để đưa vào sử dụng đồng bộ toàn dự án dự kiến vào năm 2026-2027.

Về nguồn vốn thực hiện dự án, theo tìm hiểu, các địa phương sẽ tự triển khai dự án qua địa bàn mình. Như tại Bình Dương, nhu cầu vốn để triển khai dự án cao tốc này cần hơn 17.400 tỉ đồng.

HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua chủ trương đầu tư dự án, trong đó xác định cả ngân sách và vốn xã hội hóa cùng tham gia, theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Dự án được chia làm hai dự án thành phần, gồm giải phóng mặt bằng và dự án xây lắp. Trong đó, nhu cầu sử dụng đất cho toàn dự án lên tới hơn 322ha.

Nguồn: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương - Đồ họa: N.KH.

Nguồn: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương - Đồ họa: N.KH.

Mạng lưới theo chiều dọc và đường vòng cung

Trong khi dự án vành đai 3 TP.HCM đang được các địa phương thi công thì vành đai 4 TP.HCM cũng được tích cực chuẩn bị. Với Bình Dương, vành đai 4 qua tỉnh được xác định dù khởi công sau nhưng sẽ được đẩy nhanh tiến độ để "bắt kịp" vành đai 3.

Vành đai 4 dài 198km qua TP.HCM và bốn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó chỉ duy nhất Bình Dương là đã hoàn thành khoảng 11km đường vành đai 4 đi qua một số khu công nghiệp như VSIP 2, Mỹ Phước 3.

heo Sở GTVT tỉnh Bình Dương, các đoạn còn lại của vành đai 4 qua tỉnh dài hơn 47,8km, tổng mức đầu tư gần 18.300 tỉ đồng, vận tốc thiết kế 100km/h. Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư giải phóng mặt bằng với quy mô tám làn xe, trong giai đoạn đầu sẽ đầu tư bốn làn hoàn chỉnh.

Dự kiến diện tích thu hồi đất cho dự án qua địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 419ha. Hiện Bình Dương đã họp dân để công bố dự án.

Với vành đai 3, tất cả các gói thầu qua dự án qua Bình Dương đều đang được thúc đẩy tiến độ. Trong đó, Bình Dương thi công cả cây cầu lớn trên vành đai 3 giáp ranh TP.HCM là nút giao Tân Vạn (giao với xa lộ Hà Nội) và cầu Bình Gởi (vượt sông Sài Gòn).

Theo một cán bộ chuyên môn, các tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành hay quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối TP.HCM - Bình Dương theo chiều dọc (trục Bắc - Nam) thì các tuyến vành đai 3, vành đai 4 sẽ kết nối theo đường vòng cung.

Vì vậy, khi các tuyến đường được đầu tư xong, đưa vào sử dụng sẽ tạo sự kết nối đồng bộ giữa các địa phương, tạo ra không gian phát triển mới.

Cao tốc thúc đẩy "đại bàng làm tổ"

Với việc xây dựng thêm các cao tốc mới đã góp phần thúc đẩy thu hút thêm các dự án lớn của nhà đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Tiêu biểu như trong khi vành đai 4 qua Bình Dương chuẩn bị khởi công thì tuyến đường tỉnh 746 trị giá gần 1.500 tỉ đồng kết nối từ vành đai 4 vào Khu công nghiệp VSIP 3 nơi có các "đại bàng" Lego, Pandora... đang "làm tổ" cũng được mở rộng, sắp hoàn thành.

Theo Tập đoàn Lego, nhà máy sản xuất đồ chơi trị giá hơn 1 tỉ USD đã bắt đầu tuyển lao động, chuẩn bị đi vào sản xuất.

Trong khi đó, hãng trang sức lớn nhất thế giới Pandora vào tháng 5-2024 mới đây cũng chính thức khởi công nhà máy hơn 150 triệu USD, dự kiến tạo ra việc làm cho khoảng 7.000 người.

Việc có các tuyến cao tốc, đường kết nối không chỉ giúp xe chở hàng hóa, nguyên liệu mà còn giúp người lao động đi lại thuận tiện hơn.

Mở rộng đường dẫn cao tốc nối nút giao An Phú lên 8 lànMở rộng đường dẫn cao tốc nối nút giao An Phú lên 8 làn

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất mở rộng đoạn đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành đoạn từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2 lên 8 làn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên