06/03/2017 15:44 GMT+7

Thế khó của những người Mexico bị Mỹ trục xuất

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - Những người Mexico bị Mỹ trục xuất phải đối mặt với nhiều khó khăn trên chính đất nước quê hương họ, dù chính quyền Mexico cũng đang ra sức hỗ trợ.

Dòng người Mexico về đến sân bay quốc tế Mexico City ngày 23-2 sau khi bị Mỹ trục xuất - Ảnh: AP

Một ngày cuối tháng 2, hơn 130 người đàn ông Mexico hạ cánh xuống sân bay quốc tế Mexico City, vẻ mặt không giấu được nét hoang mang khi đặt chân xuống mảnh đất mà mình rời đi đã 20 năm.

Họ là hàng trăm trong số hàng triệu người sẽ bị buộc về nước trong chiến dịch trục xuất người nhập cư không giấy phép cư trú mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đẩy mạnh, theo báo The Washington Post.

“Nhiều người trong số họ không biết nói tiếng Tây Ban Nha”, cô Amalia García - thư ký Sở lao động Mexico City - kể lại. “Họ về trong tâm trạng đắng cay, xấu hổ và bị tổn thương”.

Về rồi lại vượt biên

Không mấy yên tâm về viễn cảnh của mình ở quê nhà, nhiều người bị trục xuất có thể liều mạng vượt biên trở lại Mỹ một lần nữa.

“Tình hình ở đây không có vẻ tốt”, ông Luis Enrique Castillo, 47 tuổi nhận xét, nói thêm rằng ông đang tìm cách trở lại với vợ, 4 đứa con và 2 đứa cháu nội của mình ở Chicago, nơi gia đình ông đã sống 20 năm qua.

Trong khi đó, ông José Armando López García, 50 tuổi, vẫn đang cố gắng kiếm sống ở Mexico sau khi bị trục xuất về cách đây 1 năm.

Dù được chính phủ hỗ trợ 1.260 USD để mở một công ty và sống với người mẹ già 92 tuổi của mình, ông López cho biết số tiền ông kiếm được hầu như không đủ sống.

Ông José Armando López García, một người Mexico bị trục xuất năm ngoái sau 27 năm sống ở Mỹ - Ảnh: The Washington Post

Người thợ mộc này bị chia cắt khỏi vợ và 5 đứa con đang sinh sống ở Las Vegas. Nhìn cuộc sống ở quê cha đất tổ, ông nhìn nhận thấy lo lắng cho tương lai thế hệ trẻ ở đây, khi mà có quá nhiều thứ không an toàn và chuyện học hành không đảm bảo.

Nhiều đứa trẻ Mexico lớn lên ở Mỹ đang gặp vấn đề khi xin vào học tại các trường công ở Mexico, vì học bạ và các giấy tờ ở Mỹ phải được dịch qua tiếng Mexico thì mới được nộp, và công đoạn này có khi mất hơn cả năm trời.

Thị trường việc làm thay đổi

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn trước mắt, mức lương trung bình ở Mexico sẽ giảm xuống khi nhiều lao động tranh nhau tìm việc, nhưng về lâu dài, kinh tế Mexico sẽ có những chuyển biến tích cực khi thế hệ này bắt đầu thành công.

"Chúng ta bị tổn hại vì tình trạng chảy máu chất xám sang Mỹ. Nhưng khi những người này về lại và đã được đào tạo bài bản, họ sẽ đóng góp rất nhiều cho Mexico”, chuyên gia kinh tế De la Calle nhận định.

“Rất nhiều người đã có cơ sở kinh doanh ở Mỹ và họ làm rất tốt”, ông Andrew Selee - phó chủ tịch trung tâm nghiên cứu Woodrow Wilson ở Washington, nói thêm. “Chúng ta đã nhìn thấy một làn sóng người Mexico trở thành một phần của văn hóa Mỹ và thậm chí thay đổi nó, thì bây giờ chúng ta đang nhìn thấy làn sóng đó quay trở về mang văn hóa Mỹ hòa nhập vào Mexico”.

Chính quyền Mexico cũng hy vọng sẽ tận dụng được tiềm năng này.

Năm 2014, Mexico cho ra đời một chương trình liên bang gọi là Somos Mexicanos (Chúng tôi là người Mexico) nhằm giúp đỡ nhưng người di cư hồi hương tìm được công việc, bắt đầu sự nghiệp kinh doanh và tư vấn giúp họ vượt qua các cú sốc tâm lý khi bị chia cắt với gia đình mình ở Mỹ.

Tuy nhiên, đang có nghi ngại về khả năng giúp đỡ của chính quyền Mexico, khi mà hàng chục ngàn người sẽ quay trở về nước trong vài năm tới.

Theo giới chức Mexico, số lượng chuyến bay chở người bị trục xuất kể từ khi ông Trump lên nhậm chức đã tăng lên 3 chuyến/ tuần, so với 2 chuyến dưới thời ông Obama. 

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên