10/02/2017 09:38 GMT+7

Sắc lệnh hạn chế nhập cư: Bình cũ, rượu mới...

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Giữa hai sắc lệnh về cùng một chuyện là hạn chế nhập cư của chính quyền ông Obama và ông Trump, truyền thông Mỹ mới đây nhận định về tên gọi thì giống nhau mà cách thức tiếp cận, xử lý vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Những người biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump đứng bên ngoài Tòa phúc thẩm khu vực 9 của Mỹ ở San Francisco, bang California ngày 7-2 - Ảnh: Reuters
Những người biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump đứng bên ngoài Tòa phúc thẩm khu vực 9 của Mỹ ở San Francisco, bang California ngày 7-2 - Ảnh: Reuters

Ông Trump tuyên bố bảy nước bị liệt trong sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của ông đã bị chính quyền của ông Obama liệt vào danh sách hạn chế trước đó rồi, nhưng thực tế, phân tích của báo Washington Post (Mỹ) cho thấy nếu chính quyền ông Obama chú ý tới tình huống di chuyển của những người nhập cảnh vào Mỹ thì chính quyền ông Trump lại quan tâm tới yếu tố quốc tịch của họ.

“Chỉ là người thực hiện”

Theo báo Washington Post, ông Trump nêu quan điểm về bảy quốc gia bị hạn chế trong phát biểu liên quan tới sắc lệnh nhập cư ngày 29-1: "Bảy quốc gia nêu tên trong sắc lệnh hành pháp cũng là những nước đã bị chính quyền tổng thống Obama xác định là những nơi phát sinh khủng bố". Quan điểm này một lần nữa được bà Kellyanne Conway, cố vấn tổng thống, lặp lại trong cuộc phỏng vấn ở chương trình Hardball phát trên Đài MSNBC ngày 2-2: "Tổng thống đang yêu cầu rà soát nghiêm ngặt (với công dân) từ bảy quốc gia mà tổng thống Obama đã liệt ra trước đây. Tất cả những gì ông ấy (ông Trump) làm chỉ là người thực hiện. Ông ấy thậm chí còn không bổ sung thêm gì vào danh sách này".

Theo đó, ông Trump và chính quyền tân tổng thống Mỹ khẳng định, với sắc lệnh tạm thời cấm nhập cảnh 90 ngày với công dân đến từ bảy quốc gia có phần lớn người dân theo đạo Hồi, họ chỉ đang thực hiện một chính sách cũ mà cựu tổng thống Barack Obama đã đặt ra.

Báo Washington Post cho biết quốc gia duy nhất thực sự bị nêu tên đích danh trong sắc lệnh nhập cư của ông Trump là Syria, đây cũng là nước bị áp lệnh cấm không xác định thời hạn với việc nhập cảnh của người tị nạn. Còn sáu quốc gia khác là Iraq, Iran, Sudan, Libya, Yemen và Somalia không được nêu tên trực tiếp, mà thay vào đó, sắc lệnh nhắc tới các nước đó căn cứ vào những mục đã có trong luật pháp Mỹ. Đây là căn cứ cho thấy những quốc gia chịu ảnh hưởng trong sắc lệnh của ông Trump đã bị áp các quy định hạn chế ngay trong thời ông Obama cầm quyền.

Tuy nhiên cách áp dụng những điều khoản pháp lý đã có của ông Trump cho thấy chính quyền mới đã đẩy vấn đề lên một cấp độ mới, khác hẳn so với cách tiếp cận của chính quyền tổng thống Barack Obama.

Cách diễn giải luật khác nhau

Những căn cứ tham chiếu trong luật đã có là các điều hạn chế trong chương trình miễn trừ visa. Chương trình này cho phép công dân 38 quốc gia (chủ yếu ở châu Âu) được phép tới Mỹ mà không cần có thị thực. Tuy nhiên, năm 2014, dân biểu Đảng Cộng hòa khi đó là bà Candice đã đề xuất một dự luật siết chặt quy định nhập cảnh với những công dân các nước này nếu họ đã tới Syria hay Iraq hoặc là công dân mang hai quốc tịch của những nước đó. Theo đó, những đối tượng này buộc phải trải qua cuộc phỏng vấn trực tiếp để xin visa nếu họ là người đã tới Iraq hoặc Syria trong khoảng thời gian từ sau tháng 3-2011. Dự luật này được hạ viện thông qua với số phiếu 407 trên 19.

Một dự luật tương tự như vậy được hai thượng nghị sĩ là bà Dianne Feinstein của Đảng Dân chủ và ông Jeff Flake của Đảng Cộng hòa trình bày tại thượng viện. Luật này, có tên là Đạo luật phòng chống việc di chuyển của khủng bố và những cải cách trong chương trình miễn trừ thị thực năm 2015, đã bổ sung thêm hai quốc gia bị áp những quy định hạn chế mới là Iran và Sudan. Đây là hai nước bị Bộ Ngoại giao Mỹ liệt vào danh sách các nước có bảo trợ chủ nghĩa khủng bố. Đương nhiên Syria vẫn ở trong danh sách này. Luật cũng cho phép bộ trưởng Bộ An ninh nội địa được phép bổ sung các nước quan ngại khác vào danh sách này nếu cần.

Năm 2016, chính quyền của tổng thống Obama công bố đã bổ sung thêm Libya, Somalia và Yemen vào danh sách các nước mà việc di chuyển tới đó gây ra những rắc rối nhất định, tuy nhiên cũng khẳng định sẽ không áp dụng các quy định hạn chế nhập cảnh với các công dân hai quốc tịch của những nước ấy. Trang web của Cục Hải quan và biên phòng Hoa Kỳ cho biết mục đích chính của điều luật ban hành năm 2015 là xác minh những đối tượng có nhiều khả năng bị cực đoan hóa. Cơ quan này khẳng định: "Những quy định tiêu chuẩn mới không ngăn cản việc người dân tới Mỹ".

Như vậy là nếu chính quyền của ông Obama mở rộng thêm danh sách các nước bị hạn chế với căn cứ tập trung vào vấn đề di chuyển, đi lại tới các nước đó, chính quyền của ông Trump chọn cách tiếp cận khác hẳn, tập trung vào vấn đề quốc tịch của những người muốn tới Mỹ.

“Nản lòng” với ông Trump

Trước những phản ứng của ông Trump trên mạng Twitter sau khi sắc lệnh nhập cư bị tạm đình chỉ, ông Neil Gorsuch - người vừa được tân tổng thống Mỹ đề cử làm thẩm phán tòa án tối cao - cho biết ông rất "nản lòng" và "thoái chí".

Theo Reuters, người phát ngôn của ông Gorsuch cho biết ông đã chia sẻ những nhận xét này trong cuộc gặp thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Richard Blumenthal. Bản thân ông Gorsuch cũng từng là một thẩm phán ở tòa phúc thẩm nên có thể hiểu vì sao ông cảm thấy phiền lòng khi Tổng thống Trump lên mạng chỉ trích thẩm phán Robart.

Trong một diễn biến đáng quan tâm khác, ngày 8-2 Thượng viện Mỹ do Đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế đã phê chuẩn quyết định của Tổng thống Trump bổ nhiệm ông Jeff Sessions, một người có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư, làm bộ trưởng tư pháp, bất chấp phản đối của Đảng Dân chủ.

Xin thị thực vào Mỹ phải trình mật khẩu mạng xã hội?

Đài Fox News ngày 8-2 (giờ Mỹ) đưa tin Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ John Kelly cho biết bộ này đang cân nhắc quy định buộc những người xin thị thực vào nước Mỹ tại các đại sứ quán, lãnh sự quán Mỹ ở nước ngoài phải cung cấp cho phía Mỹ mật khẩu các tài khoản mạng xã hội của họ.

“Khi họ tới đây, những gì chúng tôi sẽ nói là các trang web mà quý vị truy cập và cung cấp cho chúng tôi mật khẩu của chúng. Làm như vậy chúng ta sẽ biết họ đã làm cái gì trên mạng” - bộ trưởng an ninh nội địa Mỹ nói và nhấn mạnh bất kỳ ai từ chối sẽ phải đối mặt với việc bị từ chối nhập cảnh Mỹ.

Đối tượng đầu tiên bị nhắm tới là công dân của 7 quốc gia có dân theo Hồi giáo chiếm đa số trong lệnh cấm của ông Trump. Hiện vẫn chưa rõ thời gian áp dụng các biện pháp tăng cường nói trên.

DUY LINH

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên