05/02/2017 12:04 GMT+7

Lệnh cấm nhập cư của Mỹ: Cuộc chiến trung ương, địa phương

NHẬT ĐĂNG - DUY LINH
NHẬT ĐĂNG - DUY LINH

TTO - Bất đồng xung quanh vấn đề hạn chế nhập cư đã lên đến đỉnh điểm khi lần đầu tiên một thẩm phán liên bang ra quyết định chặn sắc lệnh do Tổng thống Donald Trump ký ban hành ngày 27-1.

Biểu tình chống sắc lệnh chống nhập cư của Tổng thống tại Los Angeles ngày 4-2 - Ảnh: REUTERS
Biểu tình chống sắc lệnh chống nhập cư của Tổng thống tại Los Angeles ngày 4-2 - Ảnh: REUTERS

Trong tuyên bố ngày 4-2, thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer tuyên bố Bộ Tư pháp Mỹ sẽ tìm giải pháp khẩn cấp để bảo vệ sắc lệnh cấm nhập cư tạm thời của Tổng thống Donald Trump với 7 nước có dân phần lớn theo đạo Hồi.

Nhà Trắng “phản đòn”

Động thái của Nhà Trắng vừa qua xuất phát từ việc James Robart, thẩm phán liên bang tại thành phố Seattle (bang Washington), ra quyết định chặn sắc lệnh của ông Trump.

Quyết định của ông Robart ngày 3-2 ủng hộ tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson, người đã nộp đơn đòi vô hiệu hóa các điều khoản chính trong sắc lệnh của ông Trump.

Theo ông Robart, sắc lệnh của ông Trump gây khó khăn cho bang Washington về nhiều mặt, bao gồm việc làm, giáo dục, kinh doanh, gia đình cũng như quyền tự do đi lại. Bang Washington đã lập tức thực hiện việc chống sắc lệnh, sau đó bang Minnesota cũng áp dụng.

Trên lý thuyết, quyết định này dỡ bỏ lệnh cấm nhập cư tạm thời của Tổng thống Trump trên toàn quốc và có hiệu lực ngay lập tức. Điều này mở ra cơ hội quay trở lại hoặc đến nước Mỹ của công dân 7 nước nằm trong diện bị hạn chế nhập cảnh. Các nước này bao gồm Syria, Iran, Iraq, Libya, Sudan, Yemen và Somalia.

Thực tế sau khi ông Trump ký sắc lệnh nêu trên vào tuần trước, nhiều vụ kiện đã xuất hiện chống lại điều này. Tuy nhiên bang Washington là trường hợp đầu tiên đặt dấu hỏi về tính hợp pháp của sắc lệnh ấy.

Thẩm phán Robart, do cựu tổng thống George W. Bush bổ nhiệm, cũng là người đầu tiên quyết định áp dụng việc chặn sắc lệnh trên toàn quốc, thay vì giải quyết trường hợp đơn lẻ như các thẩm phán khác, theo Reuters.

Dù vậy, những lo ngại về việc nhập cảnh Mỹ chưa được xua tan, sau khi Nhà Trắng tuyên bố biện pháp khẩn cấp nhằm kháng lại quyết định của thẩm phán Robart.

“Trong thời gian ngắn nhất có thể, Bộ Tư pháp dự kiến phát hành một lệnh chặn khẩn cấp đối với quyết định của thẩm phán Robart, đồng thời bảo vệ sắc lệnh của tổng thống mà chúng tôi tin rằng hợp pháp và thích đáng” - một đoạn trong tuyên bố của ông Sean Spicer viết.

Chính phủ liên bang dự kiến sẽ kháng lại quyết định của thẩm phán Robart và sẽ trao đổi với các quan chức bang Washington trong vài tuần tới, USA Today dẫn lời luật sư bang Washington Noah Purcell.

Các luật sư của Bộ Tư pháp sẽ tìm cách nêu bật lên quyền hạn của tổng thống về việc hạn chế nhập cảnh cho người di cư, cho thấy điều này được thực hiện “vì lợi ích quốc gia Mỹ”.

Trong trường hợp cụ thể này, luật sư liên bang sẽ cho rằng động cơ của sắc lệnh là “nhằm mục đích bảo vệ người Mỹ khỏi các cuộc tấn công khủng bố do người nước ngoài thực hiện”.

Chưa hết hỗn loạn

Nếu quyết định của thẩm phán Robart tạo ra hi vọng cho nhiều người còn đang mắc kẹt ở các sân bay quốc tế Mỹ, phản ứng của Nhà Trắng sẽ khiến tình hình tiếp tục rối ren.

Theo ghi nhận của truyền thông hôm 4-2, Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) đã cho phép người bị cấm nhập cư lên máy bay, Reuters cho biết.

Theo đó, một số báo cáo cho biết CBP gửi thông báo cho các hãng hàng không của nước này rằng họ có thể cho những du khách nằm trong diện bị cấm theo sắc lệnh của ông Trump lên máy bay.

Đây là những khách du lịch bị chặn lại từ khi sắc lệnh có hiệu lực tuần trước. Tuy nhiên, CBP không trả lời khi được hỏi thêm thông tin chi tiết. Tại sân bay quốc tế San Francisco, giám đốc phụ trách cho hay các quan chức ở nơi này chưa nhận được chỉ thị của chính quyền tính đến nay.

Người này nói: “Chúng tôi đang đợi và tìm hiểu xem lệnh sẽ thay đổi như thế nào. Mọi người vẫn đang đến và đi, hi vọng mọi thứ sẽ tốt cho tất cả”.

Quốc gia của các quốc gia

Có thể nói, lịch sử hình thành nước Mỹ đã tạo nên một đặc trưng còn tồn tại đến ngày nay đó là các tiểu bang và chính quyền liên bang.

Hiểu một cách nôm na, nước Mỹ ngày nay như một “siêu quốc gia” được tạo thành bởi các “quốc gia” nhỏ khác nhau, mỗi “quốc gia” đó đều có chính quyền riêng, luật pháp riêng và hẳn nhiên cả “chủ quyền lãnh thổ” riêng.

Tuy nhiên, đấy chỉ là cách nói ví von, bởi trên thực tế quyền lực và tư cách pháp nhân của các tiểu bang Mỹ so với một “quốc gia” thực thụ còn dưới một bậc và bị hạn chế ở một số mặt.

Về lý thuyết, khi “gia nhập” liên bang, mỗi bang đã đồng ý “chia sẻ” chủ quyền của mình và trao quyền đại diện cho chính quyền liên bang. Tuy nhiên, “những quyền lực không được hiến pháp trao cho liên bang và không bị ngăn cấm đối với các bang thực hiện, thì thuộc về các bang tương ứng hoặc thuộc về nhân dân”.

Đây là những điều đã được viết rất rõ trong Tu chính án thứ 10 của Hiến pháp Mỹ. Nó được thông qua nhằm bảo đảm rằng chính phủ liên bang sẽ không chiếm hết quyền lực của các bang, là sự xác nhận rằng các bang hoặc nhân dân các bang có tất cả các quyền lợi mà chính phủ quốc gia không có.

Đôi khi hành vi của chính quyền liên bang dù được hiến pháp cho phép, nhưng nếu hành vi ấy lại vi phạm điều khoản hiến pháp khác đảm bảo quyền lợi của người dân thì hành vi của chính quyền liên bang sẽ bị xem là vi hiến.

Nói cách khác, mọi hành vi của chính quyền liên bang (dù trong thẩm quyền) nhưng phải không xâm phạm quyền và lợi ích công dân cụ thể đã được hiến pháp bảo vệ.

Quay trở lại vụ Tổng thống Donald Trump ra sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân 7 quốc gia Hồi giáo chiếm đa số, có thể lấy việc Tòa án liên bang ở thành phố Seattle, bang Washington ngày 3-2 đã tuyên bố đình chỉ sắc lệnh của ông Trump là một ví dụ.

Lập luận của thẩm phán liên bang James Robart đưa ra là lệnh cấm của Tổng thống Trump đã gây tổn thất cho chính quyền tiểu bang bởi nhiều sinh viên và giảng viên thuộc các trường đại học của bang bị kẹt ở nước ngoài, do đó chính quyền tiểu bang Washington có quyền đình chỉ việc thực hiện sắc lệnh này.

Cũng cần phải nói thêm về cụm từ “sắc lệnh hành pháp” (executive order) - mũi giáo quyền lực mà hiến pháp đã ban cho tổng thống Mỹ. Về lý thuyết, tổng thống có quyền ra các sắc lệnh hành pháp mà không cần sự thông qua của quốc hội lưỡng viện.

Nói như giáo sư Kent Germany tại Đại học South Carolina: “Nếu muốn gửi thông điệp đến quốc hội về những thứ Nhà Trắng muốn làm thật nhanh, sắc lệnh hành pháp là cách để thúc đẩy các nhà lập pháp, hoặc qua mặt họ theo cách nào đó”.

Về mặt pháp lý, các sắc lệnh hành pháp của tổng thống tương đương với những quy định do cơ quan lập pháp liên bang ban ra.

Và cũng giống như vậy, những sắc lệnh hành pháp này hoàn toàn có thể bị tòa án liên bang xem xét lại hoặc có thể bị vô hiệu bằng quy trình thay đổi luật nếu nó xâm phạm quyền và lợi ích của công dân, của các tiểu bang đã được quy định trong hiến pháp.

 

NHẬT ĐĂNG - DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên