13/09/2021 09:47 GMT+7

Thế giới hậu 11-9 - Kỳ 3: Hồi giáo và những người thiểu số sau ngày 11-9

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Chỉ 4 ngày sau vụ tấn công 11-9, Frank Silva Roque - một thợ cơ khí máy bay ở bang Arizona (Mỹ) - đã nổ súng điên cuồng để "báo thù".

Thế giới hậu 11-9 - Kỳ 3: Hồi giáo và những người thiểu số sau ngày 11-9 - Ảnh 1.

Nữ sinh Aissata Ba sớm trải qua những ngày tháng bị phân biệt đối xử vì đức tin, ngay cả trong trường học - Ảnh chụp màn hình LA Times

Lớn lên trong sợ hãi

Đầu tiên, Frank Silva Roque bắn chết ông Balbir Singh Sodhi, chủ trạm xăng gốc Ấn Độ. Vì ông Sodhi là người theo đạo Sikh nên đầu đội khăn xếp, song trong mắt Roque, dường như bất kỳ ai quấn khăn đều theo Hồi giáo. Vài phút sau, gã bắn một nhân viên trạm xăng là người Lebanon nhưng đạn trượt. Một gia đình gốc Afghanistan cũng bị bắn vỡ cửa sổ trong cùng buổi hôm đó.

"Vụ 11-9 đã hủy hoại cuộc đời của nhiều người. Khi sự kiện ấy xảy ra, tôi đã cảm nhận rằng tất cả người xung quanh rồi sẽ siết chặt tay nhau với tư cách là người Mỹ, trong sự đoàn kết sinh ra từ nỗi đau, sự tức giận và cảm thông. Nhưng chỉ vài ngày sau, thế giới của tôi tan vỡ vì anh trai mình bị bắn chết" - ông Rana Singh Sodhi bộc bạch. 

Nhận thức được việc cộng đồng theo đạo Sikh có thể gặp nguy hiểm, hai anh em nhà Sodhi đã định tổ chức một cuộc họp báo để những người Mỹ khác hiểu rõ về tôn giáo này. Nhưng người anh đã bị bắn chết chỉ 1 ngày trước khi cuộc họp báo diễn ra.

Bất chấp các chính trị gia và cơ quan thực thi pháp luật Mỹ liên tục tuyên bố rằng Hồi giáo là một tôn giáo hòa bình, rằng những giáo lý chân chính đã bị những kẻ khủng bố cực đoan xuyên tạc, một số người ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới vẫn quy trách nhiệm vụ 11-9 cho Hồi giáo. Họ tìm cách trả thù bất cứ người nào có vẻ ngoài trông như người theo đạo Hồi. Đã có những cuộc săn lùng, phỉ báng và tấn công người Hồi giáo trên khắp nước Mỹ trong những năm 2001 về sau.

Aissata Ba là một trong những trường hợp như vậy. Tại trường học và những nơi em đến, Aissata nổi bật vì chiếc khăn trùm đầu hijab đặc trưng của người Hồi giáo. Vào năm trung học thứ hai, Aissata nhận được một tin nhắn nặc danh. Đó là hình ảnh về một cuộc hành quyết bằng cách chặt đầu của khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Bên dưới hình ảnh ghê rợn đó là một lời cảnh cáo màu đỏ: "Hãy cút về đất nước của mày". Aissata thuật lại sự việc với người có thẩm quyền trong trường nhưng họ chưa bao giờ thực sự truy tìm ai đã gửi tin nhắn ngày hôm đó.

Aissata, sinh năm 2001, không quên được những lần bị bắt nạt vì đức tin của mình trong cuộc trò chuyện với báo Los Angeles (LA) Times. Vào năm lớp 6, một nam sinh đã lặp lại hành động những kẻ đánh bom liều chết đã xem ở đâu đó trên mạng hoặc tivi với Aissata. Cậu hét một câu nghe như tiếng Ả Rập và ném balô của mình gần nữ sinh rồi bỏ chạy, giả vờ như đó là một quả bom. 

Trong một tiết học toán năm lớp 8, một bạn học khác quay sang Aissata và nhìn chằm chằm, hỏi rằng làm thế nào mà em có thể "trở thành một phần trong tôn giáo của những kẻ khủng bố".

Một số người Hồi giáo ở Mỹ nghĩ rằng cuộc sống của họ có hai chương riêng biệt: trước khi máy bay đâm vào hai tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới và sau khoảnh khắc đó. Trên thực tế, còn một thế hệ sinh sau năm 2001 và chỉ biết lý giải cho những kỳ thị mà mình phải nhận lấy bằng một sự kiện lịch sử. Trong gia đình Aissata, hai thế hệ này cùng tồn tại với nhau. Cha mẹ em có nguồn gốc từ Mauritania, một quốc gia Hồi giáo ở Tây Phi và đến Mỹ vào năm 1999. 

"Chủ nghĩa khủng bố đã tồn tại trước ngày 11-9" - ông Amadou, cha Aissata, nói với LA Times. Cả nhà nhận thức rõ sự khác biệt đối với cuộc sống của họ sau sự kiện hôm đó, song họ vẫn muốn sống ở Mỹ và cho rằng tình hình người Hồi giáo tại đây vẫn còn đỡ so với những nơi khác.

Thế giới hậu 11-9 - Kỳ 3: Hồi giáo và những người thiểu số sau ngày 11-9 - Ảnh 2.

Ông Balbir Singh Sodhi, một người Mỹ gốc Ấn theo đạo Sikh, bị bắn chết vì bị nhầm lẫn là người Hồi giáo. Ông là nạn nhân đầu tiên trong các vụ bạo lực nhắm vào người Hồi giáo sau ngày 11-9-2001 - Ảnh: AFP

Nguồn cơn hận thù

Rõ ràng những người Hồi giáo ôn hòa không bao giờ là kẻ thù với phần còn lại của thế giới. Nhưng chính một kẻ Hồi giáo cực đoan, Osama bin Laden, lại muốn thổi bùng lên ngọn lửa hận thù.

Đối với bin Laden, vụ khủng bố ngày 11-9 là đòn quyết định mà hắn tin rằng sẽ buộc Mỹ phải rút quân khỏi các nước có người Hồi giáo chiếm đa số, đòi lại công bằng cho những người anh em Hồi giáo và tái tạo lịch sử, trật tự thế giới, thống nhất toàn bộ cộng đồng Hồi giáo. Những tài liệu thu được sau khi đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt tên trùm khủng bố vào tháng 5-2011 tại Abbottabad (Pakistan) đã hé lộ thế giới quan và giấc mộng thay đổi thế giới của gã.

Năm 1998, gần 2 năm sau khi ra "Tuyên bố Jihad" kêu gọi người Hồi giáo đoàn kết và chiến đấu chống lại Mỹ, bin Laden ra lệnh cho tổ chức Al Qaeda do hắn sáng lập thực hiện các vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania, giết chết 224 người và khiến hơn 4.000 người bị thương. 

Cảm thấy "hài lòng" vì đã gây được tiếng vang, bin Laden dần trở nên tham vọng hơn và tin rằng nếu tiếp tục tấn công, dư luận nước Mỹ sẽ rúng động. Ngày 12-10-2000, Al Qaeda sử dụng một thuyền nhỏ chứa đầy thuốc nổ đâm vào tàu khu trục USS Cole của Mỹ khi nó đang tiếp nhiên liệu ở cảng Aden (Yemen) và giết chết 17 lính Mỹ.

Vụ tấn công thành công càng cổ vũ bin Laden đi đến hành động điên rồ nhất của hắn: tấn công vào nước Mỹ. Nhà nghiên cứu Nelly Lahoud, người đã dành nhiều năm đọc các thư từ thu được tại Abbottabad, cho biết trùm khủng bố hạ lệnh tấn công vào lãnh thổ chính của Mỹ vào cuối tháng 10-2000, chỉ vài tuần sau vụ tấn công tàu USS Cole. Trong thế giới quan của bin Laden, người Mỹ và chính quyền Mỹ báng bổ Hồi giáo. Y tin rằng bằng tấn công trực diện vào nước Mỹ, nỗi sợ hãi của thế giới về người Mỹ và "huyền thoại về sự bất khả chiến bại của Mỹ" sẽ bị phá hủy.

"Thề có Đấng toàn năng, cả nước Mỹ và bất kỳ ai sống ở đó sẽ không được hưởng sự an toàn cho đến khi sự an toàn trở thành hiện thực với những người đang sống ở Palestine và trước khi tất cả đội quân vô đạo của các người rời khỏi vùng đất của Muhammad (người sáng lập Hồi giáo - NV)" - bin Laden gửi thông điệp đến nước Mỹ, khoảng 2 tuần sau vụ 11-9.

Nước Mỹ báo thù

Những thư từ giữa bin Laden và tay sai cho thấy ông ta rất thông thạo lịch sử Hồi giáo nhưng với quan hệ quốc tế hiện đại, nhận thức là rất chiếu lệ. Điều đó đã được phản ánh trong chính vụ tấn công 11-9, thể hiện một tính toán sai lầm nghiêm trọng đẩy bin Laden và cả tổ chức khủng bố của hắn đi đến bờ diệt vong. Tên trùm khủng bố không bao giờ lường trước rằng Mỹ sẽ phát động một cuộc chiến chống khủng bố quy mô toàn cầu để trả đũa.

Trong các tài liệu đã được giải mật, bin Laden cho rằng sau cuộc tấn công, người dân Mỹ sẽ xuống đường phản đối chính quyền và kêu gọi chính phủ rút khỏi các quốc gia đa số theo đạo Hồi. Tuy nhiên, y đã lầm. Sau vụ tấn công, nước Mỹ đã tập hợp lại sau lưng tổng thống George W. Bush và các cuộc chiến do ông khởi xướng. 

"Cuộc chiến chống khủng bố của chúng ta sẽ bắt đầu với Al Qaeda nhưng sẽ không dừng lại đó. Cuộc chiến sẽ không kết thúc cho đến khi mọi nhóm khủng bố có phạm vi hoạt động toàn cầu bị phát hiện, ngăn chặn và đánh bại" - tổng thống Bush nhấn mạnh trong bài diễn văn được ví như lời tuyên chiến.

Rõ ràng, Osama bin Laden đã thay đổi được thế giới, nhưng không đúng như cách mà hắn hằng mong muốn.

Ngày 7-10-2001, chưa đầy một tháng sau sự kiện, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đổ quân vào Afghanistan, lật đổ chính quyền Taliban và truy quét các thủ lĩnh của Al Qaeda, đẩy bin Laden và gia quyến của hắn vào cảnh trốn chạy tứ tán, bị bắt giữ và tra tấn trong những nhà tù bí mật ở Trung Đông. Trong suốt quãng đời còn lại của bin Laden, Al Qaeda không bao giờ hồi phục và đủ khả năng tiến hành các vụ tấn công ở nước ngoài nữa.

**********

Hai thập niên kể từ vụ 11-9, bóng ma khủng bố đã quay lại đúng trong những giờ phút cuối cùng người Mỹ nghĩ rằng sứ mệnh của mình đã hoàn tất.

>> Kỳ tới: Hiểm hoạ khủng bố lơ lửng

Thế giới hậu 11-9 - Kỳ 1: Bước ngoặt bất ngờ của nước Mỹ Thế giới hậu 11-9 - Kỳ 1: Bước ngoặt bất ngờ của nước Mỹ

TTO - Trùm khủng bố Osama bin Laden ấp ủ 'thay đổi thế giới và đòi lại công bằng cho người Hồi giáo'. Vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ đã làm thay đổi thế giới, nhưng lại không theo cách hắn muốn.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên