Về lý thuyết, việc Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở lại biên giới - sẽ mang lại sự hứng khởi cho kinh tế toàn cầu - vốn đã và đang chịu áp lực lớn từ hậu quả của COVID-19, giá năng lượng cũng như lạm phát.
Trung Quốc trở lại: Hào hứng lẫn cẩn trọng
Những điểm tắc nghẽn do quy định phong thành và đóng biên của Trung Quốc sẽ được cải thiện, từ chuỗi cung ứng cho tới dòng chảy thương mại, đầu tư và du lịch. Tuy nhiên, việc phục hồi kinh tế vẫn đối diện với thách thức dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Khi Trung Quốc nới lỏng biện pháp phòng dịch, số ca mắc COVID-19 ở nước này đã gia tăng đáng kể. Điều này dẫn tới việc các bệnh viện địa phương quá tải, trong khi các nước khác vốn trông đợi du khách Trung Quốc cũng phải có một số biện pháp đề phòng.
Ông Albert Park, kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhận định việc Trung Quốc "mở cửa" có thể dẫn tới số ca mắc COVID-19 gia tăng. Đồng thời, các làn sóng lây nhiễm sẽ xuất hiện nhiều đợt khác nhau và có nguy cơ chính phủ phải tái áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh vốn sẽ làm gián đoạn hoạt động kinh tế, ông nói với kênh CNBC.
Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng số ca mắc cao và quá trình thích nghi trở lại của Trung Quốc cũng báo hiệu khó khăn trong vài tháng đầu năm 2023.
Theo ông Bo Zhuang, nhà phân tích cấp cao tại Công ty đầu tư Loomis, Sayles & Company (Boston, Mỹ), trong ngắn hạn, nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng hỗn loạn hơn là tiến triển bởi chính phủ đang chuẩn bị chưa tốt cho việc "sống chung với COVID".
"Trong giai đoạn đầu, tôi cho rằng việc mở cửa có thể tạo làn sóng ca nhiễm mới, gây áp lực nặng lên hệ thống y tế và làm giảm mức tiêu thụ, sản xuất trong quá trình này", ông nhận định với Đài CNN.
Thực tế diễn biến dịch bệnh sau khi mở cửa đã khiến nhiều người phải ở nhà, các cửa hàng vắng vẻ, còn công ty và nhà máy cũng phải đóng cửa hoặc cắt giảm sản xuất do công nhân lâm bệnh.
Trong khi đó, về mặt thị trường, việc Trung Quốc mở cửa sẽ thúc đẩy sản xuất và du lịch quốc tế. Nhưng nhu cầu gia tăng cũng tiềm ẩn khả năng đẩy giá năng lượng và vật liệu thô lên cao, từ đó gây thêm áp lực lạm phát toàn cầu.
Thúc đẩy ngoại giao nguyên thủ
Phản ứng trước các quy định phòng dịch đối với người nhập cảnh từ Trung Quốc, Bắc Kinh thậm chí đe dọa trả đũa nếu các nước áp đặt hạn chế nêu trên. Chi tiết này phần nào phản ánh một trong những tâm điểm trong tình hình kinh tế - chính trị thế giới năm nay: mối quan hệ giữa Trung Quốc và phần còn lại.
Sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nước này đã xác định đường lối phát triển cho giai đoạn tới. Suốt thời gian trước lúc mở cửa dần, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc cấp cao với lãnh đạo các nước, thúc đẩy ngoại giao nguyên thủ.
Đây là cách ông Tập "giới thiệu Trung Quốc tới thế giới" sau ba năm. Nội dung của màn giới thiệu này đóng vai trò quan trọng định hình bức tranh hợp tác năm 2023.
Trong giai đoạn Trung Quốc "vắng mặt", các nước đã tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm lệ thuộc vào nước này. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ cũng có dấu hiệu leo thang. Bên cạnh vấn đề Đài Loan và Biển Đông, Bắc Kinh đang không hài lòng về cách Washington triển khai kế hoạch cạnh tranh trực diện trong lĩnh vực công nghệ.
Cụ thể, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc giục các nước chuyển sản xuất chip và chất bán dẫn về Mỹ, đồng thời không bán công nghệ sản xuất chip cao cấp cho Trung Quốc.
Mới nhất, hôm 5-1, tờ Nikkei Asian Review dẫn các nguồn tin cho biết Hãng công nghệ Dell đặt mục tiêu ngưng sử dụng chip sản xuất tại Trung Quốc từ năm 2024. Nhà sản xuất máy tính lớn thứ ba thế giới này sẽ tìm nguồn cung từ các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Thái độ quyết liệt của Mỹ khiến Trung Quốc còn nhiều việc phải làm ít nhất trong năm 2023. Mỗi cách tiếp cận và phản ứng của Bắc Kinh sẽ dĩ nhiên tác động lên bức tranh hợp tác và phát triển kinh tế của phần còn lại.
Du lịch Đông Nam Á hưởng lợi khi Trung Quốc trở lại
Theo Hãng tin Reuters, ngành du lịch tại Đông Nam Á sẽ hưởng lợi từ việc Trung Quốc tháo gỡ các biện pháp hạn chế đi lại.
Hiện châu Âu, Nhật Bản và Mỹ đều áp dụng biện pháp đề phòng đối với du khách Trung Quốc. Vì vậy, theo đánh giá của kinh tế gia Song Seng Wun tại Ngân hàng CIMB (Malaysia), du khách Trung Quốc sẽ chọn Đông Nam Á như địa điểm thay thế "ít rắc rối nhất".
Theo khảo sát tháng 12 của ITB China, có 76% công ty du lịch Trung Quốc xếp Đông Nam Á vào nhóm địa điểm ưa thích nhất khi du lịch quốc tế mở lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận