08/11/2017 21:35 GMT+7

Thay vì dựng tượng, đặt tên đường để ghi nhớ người có công

LẠI THỊ NGỌC HẠNH
LẠI THỊ NGỌC HẠNH

TTO - Tôi tin rằng, với lối sống giản dị, hiền hậu, tiết kiệm, không khoe khoang, nhân đức, hay chia sẻ giúp đỡ những người nghèo khổ, cụ Hoàng Thị Minh Hồ có lẽ sẽ không muốn người khác dựng tượng mình.

Thay vì dựng tượng, đặt tên đường để ghi nhớ người có công - Ảnh 1.

Vợ chồng đại tư sản Trịnh Văn Bô và các con chụp tại Hà Nội năm 1955 - Ảnh tư liệu gia đình

Trên đây là ý kiến của bạn đọc Lại Thị Ngọc Hạnh (Giảng viên khoa Lý luận chính trị - Đại học Tây Nguyên) xung quanh bài viết Có nên dựng tượng người hiến 5.147 lượng vàng cho đất nước? thu hút nhiều ý kiến trái chiều trên Tuổi Trẻ Online.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu ý kiến này của bạn đọc này.

"Tôi ủng hộ quan điểm Nhà nước cần phải tôn vinh, ghi nhận những đóng góp to lớn của ông bà Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ bằng cách dùng tên của hai ông bà đặt tên đường, trường học, công viên chứ không nên dựng tượng đài. 

"Tôi tin rằng, với lối sống giản dị, hiền hậu, tiết kiệm, không khoe khoang, nhân đức, hay chia sẻ giúp đỡ những người nghèo khổ cụ Hoàng Thị Minh Hồ có lẽ sẽ không muốn người khác dựng tượng mình. Thay vì dựng tượng, sao ta không nghĩ đến hình thức khác như dùng tên của hai ông bà đặt tên đường, tên trường học, công viên?"

Lại Thị Ngọc Hạnh

Tôi tin rằng, với lối sống giản dị, hiền hậu, tiết kiệm, không khoe khoang, nhân đức, hay chia sẻ giúp đỡ những người nghèo khổ cụ Hoàng Thị Minh Hồ có lẽ sẽ không muốn người khác dựng tượng mình.   

Là một người nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị, tôi có điều kiện nghiên cứu và trao đổi với sinh viên về những tấm gương hy sinh, cống hiến máu xương, gia sản, trí lực… cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. 

Đã nhiều lần tôi kể cho sinh viên của mình nghe về ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ - người mà trong Tuần lễ Vàng năm 1945 đã ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương. 

Số vàng này gần gấp đôi ngân khố Chính phủ thời bấy giờ. Chẳng những vậy, ông bà còn dành ngôi nhà 48 Hàng Ngang để cán bộ cách mạng làm việc. Chính tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945. 

Sau đó gia đình cụ cũng đã hiến căn nhà này cho Nhà nước để làm di tích cách mạng. Tất cả các bạn sinh viên khi nghe kể đều kinh ngạc và phải ồ lên thán phục, ngưỡng mộ sự đóng góp quá lớn lao mà hai ông bà đã dành cho cách mạng, cho dân tộc. 

Nhiều bạn tự hỏi không biết nếu đặt mình vào vị trí của hai ông bà liệu mình có quyết định hiến tặng cho cách mạng nhiều của cải đến vậy không? Phải là những người yêu nước sâu sắc và tin tưởng tuyệt đối vào sự liêm chính của chính quyền cách mạng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh thì ông bà mới có thể có được quyết định như vậy.

Tôi đã vui mừng khi biết được thông tin vào năm 2014, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ Trịnh Văn Bô, mừng đại thọ 100 tuổi của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (1914 - 2014), Bộ Tài chính đã xuất bản cuốn sách "Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam" nhằm vinh danh những công lao, đóng góp của gia đình cụ với Đảng, Chính phủ và ngành Tài chính. 

Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất UBND thành phố Hà Nội lấy tên cụ Trịnh Văn Bô đặt cho một con đường tại thủ đô để nhiều thế hệ sau vẫn còn nhớ tới nhà tư sản yêu nước. Mặc dù vậy, cho đến tháng 11 năm 2017 - đã 3 năm trôi qua nhưng vẫn chưa có con đường nào được mang tên Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ.

Khi biết tin bà Hoàng Thị Minh Hồ đã mất vào hồi 23h15 đêm ngày 5-11 tại nhà riêng số 34 Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội, hưởng thọ 104 tuổi, tôi cũng như nhiều người khác vô cùng thương tiếc bà và thực sự mong muốn Nhà nước cần phải có một sự tôn vinh, ghi nhận sự hy sinh, đóng góp mà hai ông bà đã dành cho đất nước. 

Mọi sự hy sinh dù là máu xương hay của cải vật chất thì đều nên được trân trọng và tôn vinh. Không ai trước khi quyết định đóng góp cho đất nước đều nghĩ đến ngày mình được ghi công nhưng ghi nhớ và trân trọng là trách nhiệm của Nhà nước, của các thế hệ sau. Dù rằng đã muộn nhưng muộn vẫn còn hơn không. 

Vì sao những trí thức lớn của Việt Nam - những người đã từ bỏ cuộc sống giàu sang ở nước Pháp để về nước đem trí tuệ phục vụ cách mạng như các ông Trần Đại Nghĩa, Võ Quý Huân, Trần Hữu Tước… đã được đặt tên đường, tên trường học còn ông bà Trần Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ - người đóng góp tiền của - thì lại vẫn chưa được như vậy?

Chiều tối này 7-11 tôi đọc được trên báo tin UBND thành phố Hà Nội vừa trình HĐND về việc việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số tuyến đường, phố trên địa bàn Hà Nội năm 2017. Trong 20 tuyến đường, phố mới có tên phố Trịnh Văn Bô  nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy. 

Phố Trịnh Văn Bô có chiều dài 1,2 km, rộng 7,5 có điểm giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11, đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên tại cổng sau Học viện Quốc phòng. 

Hy vọng lần này, đề xuất này sẽ sớm chính thức trở thành hiện thực và bà Hoàng Thị Minh Hồ cũng sẽ được đặt tên cho những con đường trên đất nước Việt Nam - đất nước mà gia đình bà đã góp phần bảo vệ, dựng xây."

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có suy nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

LẠI THỊ NGỌC HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên