24/11/2017 05:57 GMT+7

Thay tổng thống, dân Zimbabwe thoát nạn cảnh sát mãi lộ

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Việc cảnh sát đứng đường “ăn tiền dân” từng là đặc trưng cho cuộc sống của người Zimbabwe. Nhưng điều ấy đã tạm chấm dứt sau khi ông Robert Mugabe từ chức.

Thay tổng thống, dân Zimbabwe thoát nạn cảnh sát mãi lộ - Ảnh 1.

Xe bọc thép của quân đội trên đường phố Zimbabwe - Ảnh: AFP

Báo chí quốc tế gần như khai thác những chủ đề bất tận về cái "sướng" của người Zimbabwe sau khi ông Mugabe tuyên bố từ chức, chấm dứt 37 năm cầm quyền. Và một trong số những lợi ích trước mắt là việc không còn thấy tình trạng cảnh sát hạch hỏi hòng ăn tiền dân trên đường.

Thông thường, đường phố Zimbabwe có những hàng rào chắn và những người lái xe phải "miễn cưỡng trả tiền hối lộ" để tránh bị chặn lại, thẩm vấn đủ điều.

Nhưng hãng tin AFP ngày 23-11 cho biết, khắp thủ đô Harare và những cung đường lớn khác tại Zimbabwe, hiếm khi thấy được các nhân viên cảnh sát đứng gác trên đường như trước đây.

Trong suốt giai đoạn ông Mugabe chịu áp lực từ quân đội và chính quyền ngày 14-11 tới nay, sự vắng mặt của cảnh sát là điểm nhấn cho cuộc đấu đá chính trị sau hậu trường. Uỷ viên cảnh sát Augustine Chihuri vẫn là nhân vật chủ chốt ủng hộ ông Mugabe, trong khi đó sếp quân đội Constantino Chiwenga là người cầm đầu cuộc phản đối cựu tổng thống.

Đối với người dân đất nước châu Phi này, tổng thống tạm quyền Emmerson Mnangagwa có là lựa chọn đúng đắn hay không thì chưa biết. Nhưng điều đầu tiên khiến họ vui mừng khi ông Mugabe rời ghế chính là khung cảnh "hòa bình trên đường phố".

Norman Manzini, một tài xế 35 tuổi lái chiếc Nissan March đời 2004 nói với AFP: "Tôi đã phải trả tiền hối lộ 2, 3 lần mỗi tuần. Giờ thì tuyệt thật, đường phố đã sạch sẽ mỗi ngày rồi".

Theo Manzini, thậm chí khi chiếc xe của ông có hoàn hảo cỡ nào đi nữa, cảnh sát cũng sẽ tìm cách kéo ông lại vì "những lý do điên khùng", và kiểu gì cũng sẽ lòi ra tội để phạt tiền. Để được đi nhanh, mỗi người phải trả 5 USD (hơn 100.000 đồng), hoặc thậm chí là gấp đôi.

Việc cảnh sát vắng bóng thì đồng nghĩa khả năng tội phạm xuất hiện cao? Có lẽ không. Ít nhất đối với Manzini thì lúc này quân đội là lực lượng duy trì an ninh trật tự. Ông khẳng định "quân đội không nguy hiểm hay tham nhũng, mà để mọi người sống cuộc sống thường nhật của họ".

Một điểm khác khiến người Zimbabwe hạnh phúc với hiện tại là việc họ sẽ đi làm… nhanh hơn. Đơn giản bởi lúc này, trên đường đến nơi làm việc chẳng còn phải qua 6 hoặc 7 "trạm" kiểm duyệt nữa.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên